Để theo dõi tin tức bình luận sinh hoạt nữ trí và văn học,
văn học và đại chúng, mời đọc:

NGƯỜI MỚI

Diễn Đàn Văn Học và Phụ Nữ - Nguyễn Tà Cúc chủ trương.

ĐOÀN QUÂN TÓC DÀI:
Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lợi dụng Phụ nữ 
Miền Nam như thế nào trong việc tiến đánh Miền Nam.
Nguyễn Tà Cúc
      Lời người viếtĐây là phần thứ nhất của một bài viết nhiều kỳ về sự sử dụng phụ nữ của Đảng Cộng sản Việt Nam nhất là vào cuộc chiến tranh chiếm Miền Nam. Tại Miền Nam, số phụ nữ này được mệnh danh là “đoàn quân tóc dài” dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Nguyễn Thị Định. Kỳ này, người viết sẽ đề cập đến tiểu sử và thành tích của ba phụ nữ MN đã góp công với Đảng cộng sản Việt Nam (như Nguyễn Thị Định) để xác định vị trí (công hay tội) của họ trong lịch sử chung của phụ nữ căn cứ trên những tài liệu thu thập được mà từ đó bàn đến số phận  của “đoàn quân” đã hy sinh cho họ.  

       “Đoàn quân tóc dài” là một  khẩu hiệu để chỉ số phụ nữ Miền Nam nhận võ trang và chịu lệnh từ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam-nhưng thực ra là từ Hà Nội- để hoạt động trong những công tác phá hoại nằm vùng hay địa phương gọi chung là “dân vận”, “địch vận” hay “binh vận”.  Những phụ nữ góp phần lập ra đoàn quân này đã gia nhập và nhận lệnh của Đảng cộng sản ngay từ những năm trứng nước của nó. Bởi thế, sự chống lại bất cứ chính phủ nào của Miền Nam sau đó cũng sẽ là đương nhiên và sự có mặt của quân đội Hoa Kỳ chỉ là một cái cớ để sự lừa dối của người Cộng sản được cụ thể hóa và vững vàng hơn. Sự lừa dối ấy nay còn được chính thức lưu lại trong các viện bảo tàng, như  Viện Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Sài Gòn và Viện Bảo Tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà nội; hay duy trì qua các cơ quan như Hội Liên hiệp Phụ Nữ VN. Dĩ nhiên hoạt động của những cơ quan này chỉ hoàn toàn vinh danh một thiểu số (phụ nữ CS) và không chú trọng gì đến các anh thư dân tộc hay càng không đếm xỉa tới đại đa số phụ nữ VN đã từng chống lại họ hay chịu hậu quả ác nghiệt của chính sách CS. Miền Nam có ba phụ nữ góp công rất lớn cho người CS, có thể xem như vượt hết một số phụ nữ khác như Nguyễn Thị Minh Khai, vì nhờ họ mà ông Hồ Chí Minh và nhóm nam giới lãnh đạo Đảng CS đã sử dụng được khối nhân lực và tài lực dồi dào của phụ nữ, lại có sức chịu đựng bền bỉ rất thích hợp với hoạch định “trường kỳ chiến đấu” mà ông Hồ đề ra: 

I. Nguyễn Thị Thập ( 1908-1996) 
      Bà Nguyễn Thị Thập, còn được gọi là Mười Thập, tên thật  Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh tại Mỹ Tho (Tiền Giang) năm 1908 trong một gia đình nông dân nghèo khó. Mẹ mất năm 1920, NTThập bị cha buộc lấy chồng sớm dù đã tự tử mà không thoát, nhưng sau đó vẫn bỏ người chồng hay trăng hoa này và lấy Lê Văn Giác, cùng gia nhập Đảng năm 1929. Tháng 3. 1946, NTT được dàn xếp để thành Đại biểu Quốc Hội, ra Hà nội. Tại đây, bà được gặp Hồ Chí Minh lần đầu tiên và theo học một khóa cấp tốc về lý thuyết CS với Trường Chinh rồi lại được Trường Chinh tín nhiệm, giới thiệu vào làm một thành viên trong Ủy ban  Nam Bộ. Sau đó, NTT trở lại Hà Nội và không về Miền Nam cho đến sau 1975. 

      Bà làm Đại biểu Quốc Hội khóa I đến khóa VI từ 1946 tới 1980 kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ năm 1956 tới năm 1980; giữ chức  chủ tịch (đầu tiên) Hội Liên Hiệp Phụ Nữ từ năm 1950 tới 1980;  Ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc VN từ năm 1955 tới năm 1980.  Theo tài liệu của Hội Liên Hiệp Phụ nữ, NTThập đã “có công rèn đúc nên đội ngũ cán bộ nữ đầu tiên để bổ sung vào các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”. Vì những hoạt động ấy, NTT được thưởng Huân Chương Sao Vàng và danh hiệu “Bà Mẹ VN anh hùng”, sau khi chết có tên đặt cho một con đường ở Sài gòn. Bà để lại một cuốn hồi ký có tựa Từ đất Tiền Giang thuật lại cuộc đời của bà kể cả việc hai người con trai tử trận.

      Có thời bà còn được coi ngang với Trần Văn Giàu, một đảng viên trí thức xuất thân ở Miền Nam mà cái công lớn nhất với Đảng và tội lớn nhất với VN là (cùng Trần Bạch Đằng) tiêu diệt các trí thức MN khác không cùng Đảng, sửa soạn cho thế khống chế của Đảng sau này. Năm 1943, sau khi Lê Văn Giáo bị Pháp giết  và NNThập phải trốn từ làng này sang làng khác, Trần Văn Giàu được cử lập Xứ ủy Thanh Niên Tiền Phong. Đoàn này không chịu sự lãnh đạo của NTT mà tách hẳn ra. Cả hai xứ ủy (Tiền Phong của TVG và Giải Phóng của NTT) đều có báo riêng, thu hút hai thành phần khác nhau. Nhóm của NTThập đa số thuộc thành phần nông dân và có liên hệ với những đảng viên cao cấp khác như Tôn Đức Thắng. Theo David W. P. Elliott, tác giả cuốn  The Vietnamese War: revolution and social change in the Mekong Delta, 1930-  1975, thì Trần Văn Giàu  từng dàn xếp hai cuộc gặp gỡ với Nguyễn Thị Thập - lần thứ hai tại một cánh đồng ở Mỹ Tho vào đầu năm 1945 (trang 48, sđd)- để mong NTThập chấp nhận ông và mời bà tham dự Xứ Ủy Thanh Niên Tiền Phong mà bị từ chối. 

      Trần Văn Giàu phản đối vai trò lãnh đạo của NTThập một cách kịch liệt dù cuốn Lịch Sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã xác nhận vị trí tiên phong của bà. Trả lời cuộc phỏng vấn của báo Quân đội Nhân Dân ngày 27.8.2004, ông bác bỏ thẳng tay:” Không có! Hoàn toàn không có hai xứ ủy! Khi cách mạng thành công rồi, người ta tự đặt tên. Chỉ có một xứ ủy Nam kỳ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Nam bộ. Nhưng tất cả những hoạt động khởi nghĩa ở Nam bộ là do chúng tôi tổ chức lãnh đạo”.  TVGiàu sẽ bị đẩy ra khỏi hàng ngũ thực sự có quyền sau này nhưng sự có mặt của hai Xứ ủy tại Miền Nam chứng minh một điều sẽ được lập lập lại trong lịch sử Đảng: mọi quyết định đều từ Trung Ương, nghĩa là nằm trong tay những người đàn ông sáng lập và duy trì Đảng, dùng Miền Bắc như cơ sở đầu tiên trong một kế hoạch hết sức quy mô.  

II. Nguyễn Thị Định (1920-1992)
   Bà Nguyễn Thị Định (còn được gọi là Ba Định) sinh năm 1920 trong một gia đình nông dân tại  Bến Tre. Năm 16 tuổi, Nguyễn Thị Định theo anh trai hoạt động cho CS và từ đó chỉ huy phần lớn những cuộc khủng bố tại đây. Năm 1960, Nguyễn thị Định là một trong những người sáng lập Chi nhánh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Bến Tre, xuất hiện đầu tiên trong phong trào “Đồng Khởi”. Cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng MN chính thức ra mắt và Hội Liên Hiệp Giải phóng MN tiếp theo vào tháng 8. 1961. 

   Bà giữ các chức Chủ tịch Hội Phụ Nữ Giải phóng Nam Bộ, thành viên Ban Chấp Hành Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Phó Tổng Tư Lệnh Quân Giải Phóng Miền Nam. Năm 1974, bà được phong quân hàm Thiếu Tướng. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, ông Hồ khen bà: “Chỉ có quốc gia chúng ta là quốc gia duy nhất trên toàn thế giới có một nữ tướng. Thật là một điều huy hoàng cho MN và cho cả nước.” (trích lời Tựa trong cuốn hồi ký Không con đường nào khác của bà, Hội LHPN xuất bản tại VN, ngày 8.3.1968). Bà còn giữ chức Đại biểu QH các khóa VI, VII, VIII kiêm Phó Chủ tịch Hội Đồng Nhà nước từ năm 1987 đến năm 1982. Bà qua đời năm 1992 và được truy tặng “Anh hùng các lực lượng võ trang nhân dân” vào năm 1995.  

III. Nguyễn Thị Bình 
      Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Châu Sa, sinh năm 1927 tại Quảng Nam, có tin cho rằng bà xuất thân là thư ký riêng của Nguyễn Thị Thập và do bà này giới thiệu để kết nạp vào Đảng năm 1948. Năm 1960, được cử làm Bộ Trưởng Ngoại Giao thay Trần Bửu Kiếm của chính phủ (ma) Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và đại diện chính phủ này để cùng với Lê Đức Thọ lập thành cái hai thành phần ở hội nghị bốn bên tại Paris. Theo Trương Như Tảng trong cuốn hồi ký của ông thì Trần Bảo Kiếm bị đuổi vì không ngoan ngoãn tuân lệnh của đàn anh MB mà tự động tiếp xúc với giới báo chí hay người Việt ở Paris.  

      Chính bà Bình (dĩ nhiên là do sự xếp đặt của Hà Nội) đã khôn khéo đưa ra một đề nghị gồm bẩy điểm-bên cạnh đề nghị chín điểm của Lê Đức Thọ- để khích động dân chúng và giới báo chí bản xứ, trong đó gộp chung việc trao trả tù binh HK và rút quân ra khỏi MN thành một điểm độc lập có thể tách ra khỏi diễn tiến của hội nghị và thi hành tiên quyết trước khi những điểm khác được quyết định ngã ngũ (theo Cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger, trong cuốn Ending The Vietnam War, trang 214-215). Sự có mặt của bà Bình tại Hội Nghị Paris đã làm cho thế giới  càng tin tưởng rằng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam có thật và dân Miền Nam chống lại chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng có thật để đòi Hoa Kỳ rút lui nhanh hơn và rút lui toàn diện. 

      Khi Hoa Kỳ rút lui và không viện trợ võ khí nữa thì việc thanh toán MN không khó nữa.Sau 1975, bà Bình vẫn hoạt động đắc lực cho Đảng và chính phủ Hà Nội. Bà hiện là Chủ Tịch của ít nhất ba cơ quan: Quỹ Phát Triển cho Một VN Hòa Bình, Hội Bảo Trợ Nhi Đồng VN và Chủ Tịch Danh Dự Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam VN. Với ba tư cách đó, bà đi công du thế giới, tiếp tục quá khứ dối trá của CS để xin được viện trợ nhân đạo. Thí dụ như chuyến đi mới đây tham dự cuộc Hội Thảo Giữa Á và Âu Châu, 7.9. 2004; cuộc Đối Thoại Giữa Các Ngoại Trưởng Trên Thế Giới về Nhiều Nền Văn Hóa, Ấn Độ, 9-10. 7. 2003; công du tại Iraq năm 2002 rồi ghé qua New Delhi, Ấn Độ từ ngày 17 tới ngày 19. 3. 2002 hay cuộc họp đặc biệt về Nhi Đồng tại Liên Hiệp Quốc, New York, 8-10. 5. 2002. Bà Bình không những đại diện nhi đồng (là những em bé không thể phản đối) mà còn tiếp tục đại diện phụ nữ như chuyến đi Beijing vào ngày 4 tháng 9. 1995 để dự Đại Hội Phụ nữ Thế giới. Dĩ nhiên trong các bài diễn văn, bà Bình không bao giờ nhắc đến các phụ nữ VN đói khổ, chồng bị bắt vào tù, bị hãm hiếp trên Biển Đông, bị bắt cóc sang Trung Quốc, bị mua bán như một thứ hàng rẻ tiền, hay trẻ em biến thành đĩ điếm. Thậm chí trong các bài phát biểu, bà Bình còn lập lại lời Hồ Chí Minh như “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”  mà sau 75, dân MN đã nhại  “Đàn két, đàn két, đại đàn két. Thất bại, thất bại, đại thất bại.” 

Nhiều người vẫn cho rằng bà Bình chỉ là một thứ con rối của Đảng như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ. Không phải vậy. Ngoài những chức trên bà ta còn giữ một chức lớn trong bộ Ngoại Giao từ năm 1987. Bà được trả công hậu hĩ như thế là vì từng tham dự trận chiến ở cả hai mặt: trong và ngoài nước. Theo một tài liệu được giải mật của HK, được công bố vào năm 1996 thì có nhân chứng cho biết bà Bình đã tới thăm một bệnh xá của VC tại Tri Tôn, Châu Đốc trong lúc vắng mặt tại Hội Nghị Paris, vào lúc 6 giờ chiều ngày 8 tháng 6.1971 và rời đi hai ngày sau.  Nếu ai còn nghi ngờ sự quan trọng của bà Bình trong việc đánh chiếm MN thì đây là một bằng chứng nữa: năm 1995, bà là phụ nữ duy nhất được chọn vào phái đoàn VN gồm 16 người có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch...vv để tham dự cuộc hội luận với một phái đoàn của HK do cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara cầm đầu về chiến tranh VN. Kết quả cuộc hội luận này là cuốn Argument Without End xuất bản năm 1999 tại HK. 

Hiện nay, bà Bình vẫn tiếp tục viết bài cho đăng báo và tham dự vào những vấn đề Giáo dục. Bà đã khởi đầu đề án biến năm 2005 thành một năm phát triển thành công cho Giáo dục. Nhưng liệu là trẻ em VN có được hưởng các ngân khoản viện trợ ấy hay chúng sẽ rơi vào những cái túi ba gang của các cậu ấm cô chiêu CS?   

IV-Đoàn quân tóc dài và các “nữ tướng” lãnh đạo đã bị lừa hoặc đã đồng lõa với Đảng Cộng sản để tàn hại phụ nữ Miền Nam và Việt Nam. 

        Xét qua tiểu sử và hoạt động của ba phụ nữ cao cấp nói trên, người ta, nhất là những thế hệ đi sau, rất dễ tưởng nhầm rằng họ là những người tiên phong trong việc “đánh đuổi người xâm lược Hoa Kỳ và bọn Ngụy (Miền Nam)”, nêu cao truyền thống Trưng Triệu và làm rỡ ràng cho phụ nữ Việt. Họ rất sính tự ví mình với Hai Bà Trưng và xem thành tích của họ đáng được xếp ngang với chiến công của Hai Bà. 

      Nhưng ngoài việc bị lợi dụng để biến cả nước thành nô lệ cho chủ nghĩa CS, họ đã bất lực trong việc bảo vệ phụ nữ ra khỏi bàn tay của chính những người đàn ông CS đồng hành với họ ba mươi năm trong và sau khi “thắng trận” Giản dị là vì họ không thể đủ mưu lược đối phó với ông Hồ và cái Đảng giảo quyệt của ông. 

      Ông Hồ đã khôn khéo đặt ba phụ nữ MN vào trong ba vị trí quan trọng nhất mà chưa có phụ nữ nào đạt tới cũng là để rồi ra dùng cả ba như một thứ bình phong cho cả hai mặt: đối nội và đối ngoại. Ông Hồ điều bà Nguyễn Thị Thập về Bắc để dễ phô trương và thúc đẩy phụ nữ Miền Bắc hy sinh cho cuộc chiến, “giải phóng” chị em họ ở Miền Nam. Ông Hồ phong Tướng cho bà Định để phụ nữ Miền Nam tưởng đâu họ cũng được đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến. Và sau cùng, bà Bình được đem ra trình diễn ở ngoại quốc, ở cuộc hòa đàm Ba Lê. Sự sử dụng bà Bình ở Hội Nghị Paris còn tuyệt diệu hơn nữa: nó đánh động vào lòng hào hiệp mù quáng và thiếu hiểu biết về CS của giới phụ nữ ngoại quốc trưởng giả và trí thức. 

      Theo gương các bà Thập, Định, Bình...người phụ nữ càng hăng hái xả thân vào những hoạt động nguy hiểm và bởi những hoạt động nguy hiểm ấy mà người CS chưng ra được-nhất là với thế giới- sự bình đẳng nam nữ giả tạo trong một quốc gia mà sau này người ta khám phá từ ông Hồ cho tới những tay khét tiếng như Trần Huy Liệu đã chung chạ với nhiều phụ nữ, thậm chí còn ám hại họ sau khi đã không cần đến nữa. Khác với những lời tuyên truyền và những hình ảnh treo trang trọng trong các viện Bảo tàng Phụ nữ VN; ba bà Thập, Định và Bình chỉ làm đúng chỉ thị và sai khiến của ông Hồ. Bằng cớ là những bài diễn văn của các bà này chỉ là bản sao của lời nói ông Hồ, bầy ra chính sách của ông Hồ, khai triển và áp dụng những chủ trương đã từng dùng cho phụ nữ MB chứ chẳng có gì đặc biệt cho phụ nữ MN cả. Chúng ta có thể so sánh những tài liệu liên quan đến khía cạnh hết sức quan trọng này.  

V- Đảng Cộng Sản Việt Nam và ông Hồ Chí Minh-chứ không phải các Nữ Tuớng Thập, Định, Bình- chỉ huy Đoàn Quân Tóc Dài từ Hà Nội.

      Có rất nhiều taì liệu chứng minh cho sự thực mà nay ai cũng đã biết cả.  

      Tài liệu thứ nhất là một bản tin đăng lại trong một cuốn sách về ông Hồ:

- Chiều ngày 2/12/1965, Bác Hồ cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Đại Hội những người xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Thủ Đô Hà Nội.  Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác khen ngợi phụ nữ Thủ đô đã đạt được những kết quả tốt...Bác kể chuyện về một số gương phụ nữ trong kháng chiến và thành tích của chị em phụ nữ MN. Bác dịu dàng hỏi Đại Hội: “Phụ nữ miền Nam rất anh dũng rất đảm đang, vậy phụ nữ miền Bắc có sẵn sàng thi đua với phụ nữ MN không?”- Thưa Bác có ạ! Cả hội trường hào hứng đáp lại. Bác rất vui lòng. Bác nói :”...trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ.” (trang105, Lời nói của Bác Hồ, xuất bản tại VN) 

      Cùng thời gian đó, bài diễn văn của bà Nguyễn Thị Thập có những đoạn như sau:

-[...] Trung Ương hội Liên hiệp phụ nữ Vn phát động  trong toàn thể phụ nữ miền Bắc phong trào “ba đảm nhiệm” : 

-Đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho nam giới đi chiến đấu

-Đảm nhiệm công việc gia đình, khuyến khích chồng con an tâm chiến đấu

-Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu khi cần thiết.

Phong trào “ba đảm nhiệm” của phụ nữ là sự hưởng ứng mạnh mẽ đối với phong trào “quyết tâm thực hiện lời dậy của Hồ Chủ tịch”, của quân đội nhân dân anh hùng và phong trào “ba sẵn sàng” của thanh niên. Ba phong trào đó thể hiện tinh thần ...quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Phong trào “ba đảm nhiệm” có tính chất cách mạng sâu sắc.  Phong trào đó là sự thể hiện lòng yêu nước nồng nàn và nhiệt tình cách mạng xã hội chủ nghĩa của phụ nữ miền Bắc nước ta...”   

      Bài nói chuyện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hội nghị Cán bộ Phụ nữ toàn miền Bắc vào ngày 3. 1965 còn  rõ ràng hơn nữa về sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Liên Hiệp Phụ Nữ:

-....Chắc các đồng chí đều biết mới đây ở MN đã mở ĐH các anh hùng ...và người đứng ra đọc bản tuyên dương anh hùng là chị Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Nhân Dân MN....Ngay từ đầu, Đảng ta đã thấy rõ vai trò to lớn của phụ nữ và chỉ có chính đảng Mác-Lê nin mới thấy rõ được vai trò ấy. Đảng ta đã gắn liền sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với sự nghiệp giải phóng phụ nữ là những người bị áp bức bóc lột nhất. Đảng ta đã ra sức phát động lực lượng của phụ nữ, và chị em phụ nữ ngay từ đầu đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng đứng lên đấu tranh vô cùng anh dũng, ngày càng phát huy khả năng của mình trong cách mạng. Đây là một thắng lợi to lớn của dân tộc và cũng là thắng lợi to lớn của phụ nữ. Phong trào phụ nữ luôn luôn là một bộ phận khăng khít của phong trào chung. Phong trào “ba đảm nhiệm” hiện nay cũng là một bộ phận khắng khít rất cơ bản, rất to lớn của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.  

       Nguyên văn những bài phát biểu này hiện còn lưu trữ cẩn thận và phổ biến cả trên mạng vì chủ trương của người CS là một điều ngụy mà cứ nhắc đi nhắc lại sẽ thành “điều tín”. Chỉ cần ba mươi năm sau khi Đảng vắt kiệt sinh lực và tuổi xuân của vô sô thanh niên thiếu nữ Việt, sự thực không thể che giấu được là nay phụ nữ lại là giới chịu những hậu quả đau thương nhất sau khi người CS “thống nhất” đất nước. Lần đầu tiên trong lịch sử có những vụ người mẹ bán tân con gái có khi chỉ mười bốn, mười lăm tuổi và ê chề nữa là vụ các cô dâu VN bầy đợi người mua trong một gian hàng kính tại Hội chợ Singapore vào tháng 3 năm ngoái . Điều quan trọng cần chú ý là những phụ nữ theo CS vẫn luôn luôn tự nhận họ đã tham gia cuộc chiến để “chống Mỹ cứu nước” và bởi thế, họ không bao giờ dám công nhận hay nói đến một Miền Nam đã chống lại họ vì lý do duy nhất: họ là Cộng sản.   

      Không chỉ riêng tại MN, nhiều người Việt đã chống lại họ, chống lại người CS từ ngay khi cuộc kháng Pháp bắt đầu.  Những lời báo động về CS đã có từ lâu. Trước khi vụ cô Xuân (có con với ông Hồ) và cả gia đình, thân thuộc bị giết hại để bảo vệ thanh danh “Bác Hồ” nổ tung ra, hơn 40 năm trước đây, cụ Hoàng Văn Chí đã viết về tác phong dâm ô của không riêng ông Hồ mà còn cả những tay chân thân tín của ông nữa, kéo theo sự phá sản về luân lý của tập thể nhân danh Đảng:

-...Toàn (tức Nguyễn Khánh Toàn, bạn của HCM, có thời được làm Thứ trưởng bộ Giáo Dục, chú của người viết theo HVC) cũng tiết lộ một câu chuyện về đời tư của ông Hồ. Toàn nói, mấy giờ sau khi hai người lên đường, một thiếu phụ người Nga đến gõ cửa, nói là để làm vợ ông Hồ trong khi ông lưu trú ở Moscou...Nhưng xét cho cùng thì câu chuyện của Toàn cũng không phải hoàn toàn vô lý vì chính ngay Toàn, đã có vợ Nga và có con ở Moscou mà khi ghé qua Diên An cũng có ngay một cô “vợ” Tàu, đẻ luôn hai con. Rồi khi về VN năm 1946 lại về một mình và chính thức lấy một con gái điền chủ mới 17 tuổi (Hồi ấy Toàn đã 50). Hình như Đệ Tam Quốc tế có lệ cung cấp “vợ giai đoạn” cho những cán bộ quốc tế vì thường xuyên phải lưu động và giữ tông tích bí mật nên không mang theo gia đình đi được. Những “vợ” của các cán bộ đi lại được gán cho các cán bộ đến, thành một thứ “vợ luân chuyển”. Việc Thiếu tướng Nguyễn Sơn sau khi bỏ vợ ở Diên An về nước được Hội Phụ Nữ Cứu Quốc gán hết nữ cán bộ này đến nữ cán bộ khác cho pháp chúng ta ngờ rằng những việc “kiếm vợ” cho các cán bộ lưu động thuộc trách nhiệm các đoàn thể phụ nữ địa phương (Từ Thực dân đến Cộng sản, nguyên văn Anh ngữ From Colonialism to Communism, trang 79- 80, năm 1964)  

      Giả thuyết của cụ Hoàng văn Chí (các đoàn thể phụ nữ cung cấp những người vợ tạm bợ cho các cán bộ cao cấp) có thể tin được vì trên nguyên tắc, Đảng CS dành toàn quyền quyết định vấn đề luyến ái và hôn nhân, nhất là của đảng viên.  Một trong những trường hợp điển hình là vụ nhà thơ Trần Dần không được phép lấy một cô gái xuất thân từ gia đình tư sản mà vẫn cứ lấy khiến long đong với Đảng mãi. Hay vụ bà Thái Thị Liên ly dị chồng (là bố của danh cầm Đặng Thái Sơn) sau khi ông bị dính vào vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Rõ hơn nữa, chính bà Nguyệt Tú-vợ của cố Chủ Tịch Quốc hội Lê Quang Đạo- đã vô tình tiết lộ một số chi tiết trong cuốn Chuyện tình của các chính khách Việt Nam mà bà là tác giả khiến cho người ta càng thấy vai trò “dắt mối” của chi hội Phụ nữ và các vụ chung chạ không chính thức...là có phần đúng:

-...Chị Bảy Huệ theo giao liên ...đến cơ quan Xứ ủy và cơ quan Phụ nữ Nam bộ. Bất ngờ ở đây chị nhận được lá thư tỏ tình của anh Mười Cúc ...(bí danh của cố tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh-chú của người viết)

-...chúng tôi cưới nhau chỉ gần một năm sau ngày hẹn ước...Anh Đạo (cố CT QH LQĐạo-chú của người viết) cười hóm hỉnh :Từ khi đi làm cách mạng, anh đã nhiều lần lấy vợ giả, lầnnày mới được lấy vợ thật đấy...

      Một lý do nữa mà cụ Hoàng Văn Chí cũng nêu ra là: “Nhiều cán bộ cao cấp đã cưới vợ mới để “xứng” với địa vị mới. Đấy là trường hợp của ông Hoàng Minh Giám, bộ trưởng bộ Văn Hóa, ông Trần Huy Liệu nguyên Bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền và ông Đặng Kim Giang, Bộ trưởng Bộ Quân Nhu” (trang 201-202, sđd) .  Sau khi CS chiếm được MN thì còn thê thảm hơn nữa, ở chỗ cán bộ bức bách vợ con những người làm việc với chế độ cũ hiện đang bị giam không biết ngày về. Tự phong cho hào quang “chống Pháp, chống Mỹ cứu nước”mà Hội Liên Hiệp Phụ Nữ nay lại hoàn toàn tê liệt, không thấy kêu gọi hay điều khiển được phong trào nào hữu hiệu đểã giải quyết bao nhiêu là vấn đề nguy cấp ấy kể cả việc cứu trợ chính nữ đồng chí của họ nay về già không có một gia đình hay tổ ấm để nương thân. Riêng về phương diện này thì các bà trong HLHPN cũng y hệt đám đàn ông cao cấp, họ cũng công du ra ngoại quốc, được có tiền lương hay chu cấp hậu hĩ, con cái được du học hay chiếm những địa vị tốt, bỏ mặc cho các nữ đồng chí hứng chịu sự cùng khổ và tàn tạ. Không tin cứ so sánh những bức ảnh của bà Bình mặt mũi phớn phở chụp ở tư gia sáng choang hay tiếp các đại khách với những bộ mặt hom hem của chị em cựu du kích quân thì thấy ngay sự thật phũ phàng. Cũng cần nhắc đến bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một trong những người đầu tiên của MTGPMN, sinh con thiếu tháng (sau này đứa con duy nhất ấy không sống sót) khi cả “chính phủ” phải bỏ chạy trên đường đào thoát vì bị quân MN rượt đuổi, đã vỡ mộng rồi ra khỏi Đảng sau khi họ vùi MTGPMN và ra tay chiếm đoạt tài sản của người MN. Bà Hoa nay hành nghề bác sĩ ở thành phố đã bị các cựu đồng chí của bà đổi tên thành Hồ Chí Minh. 

      Nhưng đừng tưởng người CS chỉ chăm chú vào việc kiếm thêm vợ mới và vơ vét tiền của mà lầm. Họ vẫn tiếp tục những cuộc giao hảo với ngoại quốc để lợi dụng cảm tình ấy nhắm thực hiện những cuộc trao đổi văn hóa có lợi cho họ và dĩ nhiên có hại cho chúng ta. Người ta thường không chú ý rằng, với người CS, công tác tuyên truyền và viết lại lịch sử rất quan trọng với họ. Ở thời chiến, song song với những đoàn quân võ trang là những đoàn văn công có trách nhiệm nâng đỡ tinh thần và một đoàn quân khác có trách nhiệm viết để phá hoại mà thí dụ rõ ràng nhất là ra mặt như Vũ Hạnh, ngồi ngay ở tòa soạn Bách Khoa, ký tên viết bài chung với nhà văn Võ Phiến hay trong bóng tối như Trần Bạch Đằng. Ở thời bình, song song với những tác phẩm hay nghệ thuật trình diễn trong nước là cho phép văn nghệ sĩ của họ trong đó có nhiều phụ nữ sinh trưởng tại MN (1) xuất cảnh để hợp tác với những tổ chức ở ngoại quốc.   

      VI-Hoạt động của một số Phụ nữ Việt Nam theo chỉ thị của Đảng Cộng sản ở ngoài n ước

      Một thí dụ điển hình là cuốn After Sorrow: An American Among The Vietnamese của bà Lady Borton, một nhân viên của Hội Đạo Quaker, từng sang làm việc tình nguyện tại MN trước 1975 và trong một trại tỵ nạn ở Mã Lai sau 1975. Trong cuốn trên, bà Borton thuật lại lúc bà ghé thăm Vĩnh Kim (thuộc Tiền Giang tức là Mỹ Tho) và khi được giới thiệu với bà Nguyễn Thị Thập, bà đã gọi bà Thập là “má” và nhận là “con “ (trang 50, sđd). Khi viết cuốn này, Borton được bà Đạm Thu (Chủ Tịch Ủy Ban Đối Ngoại của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, hiện đã hồi hưu) dẫn đến gặp những phụ nữ để viết lại những câu chuyện của họ trong cuộc chiến VN. Bởi thế, dĩ nhiên, đã không có tiếng nói nào của phụ nữ chống Cộng hoặc không theo Cộng. Khi viếng thăm Hoa Kỳ, Đạm Thu cũng lại được Borton hướng dẫn và cũng dĩ nhiên cũng có nhiều phần trăm là bà Đạm Thu không được gặp những phụ nữ tỵ nạn của MN để có những cuộc đối thoại trực tiếp về sự đau khổ và phẫn uất của họ với chính sách CS. 

      Người viết muốn dùng trường hợp Lady Borton (Lady là tên gọi, không phải là tước hiệu) để đề cập đến một mạng lưới chằng chịt mệnh danh văn hóa nghệ thuật của người CS  chỉ riêng tại Hoa Kỳ nếu chúng ta muốn phân tích về hậu quả của những lừa dối bắt đầu đi từ những phụ nữ Miền Nam như đã kể trên. Bà Borton hoạt động nhiều với Trung Tâm Joiner, UMASS, một Trung Tâm có những liên hệ về văn chương và nghệ thuật với VN từ những năm cuối thập niên 80. Tuy dùng tài chính của những ngân khoản thiện nguyện và cơ sở của một trường Đại Học công, nhóm chủ trương (đứng đầu là ông Kevin Bowen, một cựu chiến binh HK) chỉ đã thực hiện được những tác phẩm của các tác giả đảng viên, thân Cộng hay thuộc những thế hệ sau nên vẫn chưa theo được đúng tinh thần đại học là chính xác và công bằng hay mở ra được những cuộc tranh luận cần thiết để bảo đảm giá trị của những công cuộc nghiên cứu đề ra.  

      Thí dụ như cuốn Moutain River, Vietnamese Poetry from The Wars 1948-1993 (2). Đây là một tuyển tập song ngữ Anh-Việt do Kevin Bowen, Nguyễn Bá Chung và Bruce Weigl tuyển chọn gồm thơ của 49 tác giả, xuất bản năm 1998, mở đầu bằng bài Nguyên Tiêu của Hồ Chí Minh do Xuân Thủy dịch ra tiếng Việt và Kevin Bowen dịch ra tiếng Anh. Đầu tiên người ta thấy ngay là những nhà thơ chống Cộng Sản của cả hai miền đều không được chọn. Cả là một sự ngạc nhiên mà một tuyển tập mang tiếng được thực hiện bởi những giáo sư  Đại học, được xuất bản bởi một cơ quan trực thuộc một Đại học mà lại có thể phạm một cái lỗi hết sức dễ tránh là thiên vị một cách quá rõ ràng đến nỗi nội dung hoàn toàn trái với tựa của cuốn sách [Vietnamese Poetry from The Wars 1948-1993 (Thơ VN qua nhiều Cuộc chiến 1948-1993) ]. 

      Nếu đã gọi là Thơ Việt Nam thì không thể “giả mù sa mưa” như thế được. Sao không cứ gọi suông là Tuyển tập Thơ cho chính xác? Chỉ về chiến tranh, một số tác giả có những bài thơ nổi tiếng nhất đã vắng mặt. Chỉ cần kể sơ sơ như Trần Dần (miền Bắc) với bài Nhất định thắng, Tô Thùy Yên với bài Chiều trên phá Tam Giang và Nguyễn Bắc Sơn với nguyên tập Chiến tranh Việt Nam và Tôi (miền Nam). Quan trọng hơn nữa, là thơ của hầu hết các thi sĩ  Miền Nam đều không có trong cuốn này. Nghĩa là sau ba cuộc “phần thư” xẩy ra ở VN, người CS lại có nhiều cuộc phần thư nữa tại ngoại quốc với sự hợp tác của những cơ quan như Joiner. Bởi thế, trong số tác giả được chọn ấy có khoảng 11 người là chủ bút, phụ tá chủ bút  của những tờ báo độc quyền của nhà nước như tờ Văn Nghệ và /hay Văn Nghệ Quân Đội, Người Hà Nội (Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Thu Bồn, Trần Đặng Khoa, Vũ Cao, Anh Ngọc, Giang Nam, Nguyễn Duy...), số còn lại là chủ tịch kiêm Đại Biểu Quốc Hội va/ø hay nhân viên thuộc Ban Chấp Hành các Hội Nhà Văn Việt Nam hay địa phương như  Xuân Diệu, Chính Hữu, Vũ Quần Phương (Hội Nhà Văn Hà Nội kiêm chủ bút tờ Người Hà nội), Vũ Tú Nam, Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Thanh Thảo..., có những người đại diện tờ Văn Nghệ tại MN như Nguyễn Duy hay nắm Nhà xb cho Hội Nhà Văn Thành Phố Hồ Chí Minh như Ý Nhi...Đương nhiên là phải có Tố Hữu, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Khoa Điềm và Hồ Chí Minh như đã nói trên. 

      Có ba nhà thơ nổi tiếng trong thời Nhân Văn, Giai Phẩm là Hữu Loan, Quang Dũng và Nguyễn Bính (chủ trương tờ Trăm Hoa) mỗi người có một bài nhưng việc chọn bài họ không gây thắc mắc bằng tiểu sử họ xuất hiện cùng với các tác giả khác ở cuối sách trích ra từ Cuốn Tự Điển về Nhà Văn do Hội Nhà  Văn Việt Nam soạn thảo mới đây. Theo bản tiểu sử này thì sau 1954, Hữu Loan làm việc với tờ Văn Nghệ (trang 237, Mountain River) và Quang Dũng không những làm bỉnh bút cho tờ Văn Nghệ mà còn làm cho Nhà xuất bản Văn Nghệ nữa vào năm 1954! Cả hai phần tiểu sử đều không nhắc gì đến việc họ từng bị trù dập đến mấy chục năm-nhất là Quang Dũng, bị Tố Hữu ghen tài- không được xuất bản cho đến khi “phục hồi” một cách rất lặng lẽ và muộn màng kiểu “too little, too late”mới đây. 

      Ngoài ra còn có những sai lầm cố tình thay đổi Văn sử Việt Thế Kỷ XX mà vì không đủ ý thức của công việc họ làm, TT Joiner đã ngoan ngoãn tuân theo bằng cách in lại (và thành trò khôi hài), như “...Thu Bồn is known as one of the founders of the long poem tradition in Vietnam...” (trang 256, sđd). Một người sinh vào cuối năm 1935 thì làm sao mà “sáng lập truyền thống” của một quốc gia có ít nhất là hai nghìn năm lập quốc được (trừ cái truyền thống nói dối của người CS!) Thiệt là hết chỗ nói. Câu này đáng lẽ phải đặt ở phần tiểu sử Nguyễn Bính thì may ra còn tha được. Nhắc đến Nguyễn Bính, không thấy nhắc gì đến cái chết cơ hàn của ông. Cũng như họ sẽ lơ đi cái chết mờ ám của hai vợ chồng Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh mà ai cũng nghĩ rằng là do CS dàn cảnh tai nạn xe cộ để giết họ (và cả con gái ngồi cùng xe).  

      Nếu không theo dõi những hoạt động của Trung Tâm Joiner, người ta có thể nghĩ họ chỉ quá tin cậy vào Hội Nhà Văn VN nhưng không phải thế, đây không phải lần thứ nhất họ phạm vào cái lỗi không chính xác này. Năm 1991, Trung Tâm Joiner bảo trợ cho một đề án có tên As Seen by Both Sides -American and Vietnamese Artist Look at The War của chương trình Indochina Arts Project do họa sĩ C. David Thomas thực hiện. Đây là một cuộc triển lãm tranh của bốn mươi họa sĩ Việt Nam và Hoa Kỳ luân lưu qua 12 tiểu bang từ tháng 5. 1990 tới tháng chạp 1993. Sau đó được đem sang triển lãm ở Việt Nam tại bẩy phòng tranh và bảo tàng viện tại các thành phố lớn trong hai năm 1994 và 1995. Kèm vào cuộc triẻn lãm là cuốn sách đã dẫn, in lại tất cả số tranh được trưng bày, đa số về những cảnh chiến trường trong trận chiến vừa qua. Dĩ nhiên không có tranh của họa sĩ MN trừ một họa sĩ không nổi tiếng lắm với hai bức vô thưởng vô phạt. 

      Đề án này được Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Bộ Ngoại Giao đích thân giúp đỡ để hoàn thành với sự hợp tác của các viên chức cao cấp trong hệ thống văn nghệ. Trong cuốn này có hai bài tiểu luận dùng làm lời Tựa mà một bài rõ ràng sai lầm đến nỗi suýt nữa thì người ta tưởng là do một cán bộ trong ban Chính trị của Đảng CS VN viết:

          -... Cho tới ngày nay, Quân đội VN (nghĩa là quân CS-chú của người viết) trân trọng và chính thức hóa vai trò bảo trợ nghệ thuật của mình qua các cuộc triển lãm, phát giải thưởng và một bảo tàng viện đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh có tên là Viện Bảo tàng Quân đội. Chỉ trong một miền phụ cận của thành phố này, Ủy ban Chính trị thu dụng nhiều hơn hai mươi họa sĩ; tất cả đều được tự do để vẽ hay tạc những gì họ chọn lựa (!) Không hề có sự bắt buộc phải vẽ về chiến tranh và không có triển lãm nào đặc biệt dành cho mục đích ấy. [...]  “Vào tháng chín, 1975, Bộ Thông Tin &Văn Hóa cấm 56 trong số khoảng 1.000 tác giả (ở MN) và hơn 200 (ngàn-chú của người viết) của hàng ngàn cuốn sách lưu hành bấy giờ.” Tại vì vào năm 1973, chỉ có 20 phần trăm số sách bị cấm ấy là sách tiếng Việt, khiến người ta thắc mắc rằng có bao nhiêu đầu sách ngoại quốc bị cấm trong vụ này [...] Ở Miền Bắc, Hội Mỹ thuật VN, trong lời tựa cho một cuốn sách Nghệ Thuật Việt Nam in tại Nga năm 1959, nhắc đến một “cuộc vật lộn để tách rời nghệ thuật và chính trị” đã bị dập tắt vào 1956- 57. Không rõ là vụ này nghiêm trọng cở nào, nhưng chắc chắn không có sự kiểm duyệt và trù dập nghệ thuật xẩy ra tại bất cứ nơi nào tại Việt Nam so được với sự ghê gớm xẩy ra trong thời “cách mạng văn hóa” tại Trung quốc hay tại Hoa Kỳ trong thời McCarthy... (David Kunzle, Two Different Wars, trang 25, 30- 31, sđd). 

      Tất cả những ai quen thuộc-dù chỉ chút nào- với tình hình VN cũng đều phải ngạc nhiên trước sự thiếu hiểu biết về ngay chủ đề của một người được mời đề tựa cuốn sách. Không cần phải nghiên cứu sâu xa gì người đọc cũng thấy ngay là việc David Kunzle đưa ra số 56 bị cấm để so sánh với 1000 (?!) tác giả là rất sai. Vấn đề ở đây là tất cả các tác phẩm của các tác giả thành danh của Miền Nam -nghĩa là của MỘT NỬA NƯỚC- đều bị bắt bớ, lôi ra khỏi nhà của dân chúng đốt sạch và sách của họ bị cấm toàn bộ mà không cần biết nội dung tác phẩm ra sao. Riêng cái “thắc mắc rằng có bao nhiêu đầu sách ngoại quốc bị cấm trong vụ này” thì người viết (tuy ra khỏi VN vào năm 1975) có thể trả lời rằng” các đầu sách ngoại quốc bị cấm” là các sách tiếng Anh, tiếng Pháp, đến nỗi tự điển cũng bị cấm. Cho dễ hiểu hơn, nếu ông David Kunzle vô phúc có một cuốn sách được bán ở VN vào thời gian đó thì sách ông cũng bị cấm tuốt và ông sẽ không phải tốn thì giờ (của ông và của độc giả) để nghĩ ngợi ...sâu xa như thế! Còn thế nào là không bằng Trung quốc thời McCarthy?! Sách Miền Nam bị đốt ba lần, bị cấm lưu trữ. Tác giả của chúng thì bị càn quét, bị bắt vào tù. Học giả Vương Hồng Sển đòi chết theo sách. Khi đám thanh niên xung phong vào nhà học giả Nguyễn Hiến Lê tịch thu sách, bà NHLê phải hỏi họ “Có biết  nhà của ai không” đám sách mới được thoát. Nhưng đó là hai trường hợp đặc biệt, còn lại thì cố tình hủy diệt hết trừ một số mang ra Hà Nội để các “học giả” nghiên cứu cho tiện việc phỉ báng như bộ sách của Phan Cự Đệ, hoặc ngang nhiên tái bản xâm phạm quyền trước tác của tác giả khi gần đây đem ra in ấn không xin phép. Thêm nữa, nếu Kunzel đã nhắc đến Viện Bảo tàng Quân đội thì tiện thể sao không nêu ra thắc mắc là phụ nữ võ trang đóng vai trò rất lớn như thế mà sao không có trưng bày mấy hình ảnh của họ? 

      Năm 2003, họa sĩ C. David Thomas hợp tác với Lady Borton để làm cuốn HO CHI MINH: A Portrait do Indochina Arts Parnership, MA phát hành ở HK và do nhà xuất bản Thanh Niên, Hà nội, phát hành tại VN nhân ngày sinh nhật thứ 113 của ông Hồ. Về cuốn này, người viết sẽ đơn cử vài nhận xét trong bài điểm sách của Dan Duffy, một giáo sư Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu về văn chương VN và có một số hiểu biết khá rộng về tình hình VN :

- [...] Gọi cuộc chiến với Sài gòn (là) “cuộc chiến với Hoa Kỳ” trong một  niên đại ký khác ở trang 109 và không nhắc đến Việt Nam Cộng hòa ở đâu cả, là một sự thiên lệch rõ ràng. Có một lần bà có dẫn ra một quốc gia tên là “Miền Nam” ở trang 106. Cả Mặt Trận Giải phóng cũng không thấy nốt...Lady thuật lại cuộc Cải cách Ruộng Đất ở trang 100. Tôi thắc mắc tại sao, bởi vì bất cứ người nào biết vụ này sẽ không đồng ý với kiểu trình bày của bà. Bà nhấn mạnh tới sự xin lỗi của Hồ Chí Minh, in lại một số đoạn (của lời xin lỗi) ở trang 101. Tôi phản đối sự diễn dịch của bà, quy lỗi lầm của sự “quá đáng” vào tay những “kẻ gây sự ở địa phương”. Tôi nghĩ rằng sự tàn nhẫn của cuộc cải cách ruộng đất này là một phần trong một nỗ lực của Đảng để tiêu diệt hay vô hiệu hóa những người tài giỏi đã tham dự vào cuộc cáh mạng. Có người nói ông Hồ là một trong những người ấy...( 3) 

      Câu hỏi lớn nhất vẫn là: tại sao những phụ nữ Cộng Sản Việt Nam như bà Bình (hay ngoại quốc như Borton) không đề cập đến trách nhiệm của ông Hồ cả về phương diện quốc gia như cải cách ruộng đất vv... lẫn phương diện đời riêng như cướp vợ -Nguyễn Thị Minh Khai- của đồng chí Lê Hồng Phong, đã ăn ở với nhiều người đàn bà và ngó lơ để gia đình Nông Thị Xuân, có con trai với ông Hồ, bị giết thảm khốc? Không những thế, trước đó bỏ mặc cô Xuân cho Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn hãm hiếp nhiều lần và cuối cùng thủ tiêu bằng cách giả cho xe cán...vv ? Vì họ không thể thú nhận là họ đã tôn thờ một thứ lãnh tụ tồi tệ như thế. Cuộc đời của Nguyễn Thị Bình còn có gì nếu không có quyền chức và lợi lộc của Đảng ban cho? “Sự nghiệp” của Lady Borton có gì ngoài những cuốn đề cao ông Hồ và đoàn quân tóc dài bị ông lợi dụng cả ở nghĩa đen?! Borton tự hào rằng bà là người duy nhất có cơ hội cư ngụ ở cả hai miền Nam Bắc trong những giai đoạn khác nhau để viết sách về cả người vượt biển lẫn nữ du kích vv... nhưng những cơ hội ấy xem ra không giúp gì cho cái lương tâm phải có của một tác giả hết.  

      Ngày nay, sau bao nhiêu thất bại của Đảng trước sự cùng khốn của dân tộc, sau những tiến bộ vượt bực của các phương tiện truyền tin khiến Đảng không thể bưng bít tin tức được nữa, sự xét đoán ông Hồ (và những phụ nữ chỉ huy đoàn quân tóc dài của ông) không có gì là khó khăn. Hơn thế nữa, sự xét đoán căn bản ấy chưa cần dựa trên vấn đề chính trị vội mà chỉ mới là điều kiện đầu tiên của một cá nhân có văn hiến bất kể là giống dân nào:

-...Lẽ cố nhiên, cách xử sự của người đàn ông đối với phụ nữ, đối với vợ con phản ánh toàn bộ tư cách, phẩm chất, đạo đức của con người, đáng xem xét đối với các lãnh tụ chính  là ở chỗ đó. (Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, Hoa Kỳ, 1997)

      Nguyễn Minh Cần cũng có cùng giả thuyết như  Hoàng Văn Chí về cái thói “vợ luân chuyển” của các cán bộ cao cấp : “Và điều này nói ra chua xót thật, nhưng không thể không nói: cô Xuân chỉ là món đồ chơi trong tay ông mà thôi. Cô Xuân được đưa về Hà nội là để “phục vụ” ông Hồ...Mồm ông Hồ nói nào là giải phóng phụ nữ, nào là chống tư tưởng phong kiến, tôn trọng phụ nữ, vv...thế nhưng ông đã hành xử với phụ nữ cực kỳ phong kiến, coi phụ nữ chẳngkhác gì món đồ chơi ...”(Nguyễn Minh Cần, trang 327, sđd) 

      Sự khánh kiệt về luân lý đạo đức ấy kéo theo sự khánh kiệt của các lãnh vực khác.:

-...Câu trả lời của tôi là sẽ không dẫn đến gì cả vì chúng ta đã nằm trong nguy cơ rồi. Nhìn vào tình hình xuất bản hiện nay, tôi không nói tới lĩnh vực văn học mà chỉ riêng trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật , thì hầu như tất cả các sách được xuất bản đều là biên dịch hoặc dịch thuật. Những nhà nghiên cứu VN đâu hết rồi? ...Một điều bi hài nhất là là những người vốn xuất thân từ dịch thuật lại phải dấn qua lĩnh vực nghiên cứu. Ví dụ Nguyễn Tôn Nhan chuyên dịch Tàu trở thành chuyên gia về văn hóa Trung quốc, Nhật Chiêu dịch văn học Nhật trở thành chuyên gia văn hóa Nhật, tôi-Phạm Viêm Phương- dịch văn học Mỹ được phong là chuyên gia truyện ngắn Mỹ [...]Nếu chúng ta không có điều kiện lấp một khoảng trống văn học của một quốc gia, hoặc một thời kỳ, thì theo tôi nên lập từng khỏang trống nhỏ bằng cách dịch toàn bộ một tác giả...(Phạm Viêm Phương, Sách biên dịch không có gía trị tham khảo, Thể Thao Văn Hóa phỏng vấn, 20.7.2005).  

      Nhà văn Nguyên Ngọc (và Dương Tường) cũng từng nói đến vốn kém ngoại ngữ của các nhà văn trong nước. Sâu xa hơn, Nguyên Ngọc đã nói đến tâm điểm của vấn đề và chính vì thế, một ngày nào đó tình hình văn nghệ trong nước nói chung có khá hơn cũng là nhờ những phát biểu này:

-Vâng...một nhà văn viết bằng cái gì? Theo tôi, có ba cái chính: tài năng “trời cho”, sự trải nghiệm hay “vốn sống” và cái thứ ba là nền tảng văn hóa dân tộc và nhân loại mà anh ta có được, anh ta “đứng” trên đó để tiếp tục đi tới. Lớp người trẻ cầm bút ở VN hiện nay thiếu hụt hơn cả chính là cái thứ ba này [...] Sự hụt hẫng của lớp người cầm bút hiện nay ở VN chính bởi toàn bộ cái vốn văn hóa dân tộc và nhân loại mà các thế hệ trước có thì đến nay họ không có được nữa. Ở đây đương nhiên có vấn đề của nền giáo dục trong nước suốt nhiều chục năm qua. ..(Văn học, nội lực, trong-ngoài, và...vài tra vấn với nhà văn Nguyên Ngọc, Dã Tượng thực hiện, tháng 8. 2003) 

      Về các bộ môn nghệ thuật khác, điện ảnh trong nước trên đã sa sút, phải cậy vào các đạo diễn từ ngoại quốc về (Mùa Len Trâu, Mê thảo-Một thời vang bóng vv...). Phần Hát bội thì mười năm nay mới đào tạo được...chín diễn viên. Còn Ca trù thì nhiều điệu đã thất truyền và bây giờ mới lục tục tính chuyện bảo tồn và phục hưng (chắc là nhờ quỹ của Unesco?) cho dân nhờ.   

      Sau khi đã có một số tài liệu tương đối tạm đủ để phán đoán về Đoàn quân tóc dài và những chủ tướng của họ, chúng ta không nên ngạc nhiên rằng Đảng CS đã coi thường dân chúng VN như thế bằng cách tiếp tục dối trá và công khai hóa những dối trá ấy trong những hoạt động quy mô ở cả trong và ngoài nước. Vì đừng quên rằng nếu họ có làm được cũng là vì chúng ta không đưa sự dối trá ấy ra trước ánh sáng, thậm chí đồng lõa với họ bằng chủ trương hết sức ngây thơ là chỉ xét đến khía cạnh nghệ thuật mà không nghĩ đến hậu quả chính trị hay lịch sử của những sản phẩm ấy. Những người chết, nạn nhân của CS, không nói được đã đành, chẳng lẽ người còn sống như chúng ta cũng làm ngơ chăng? Những nhân chứng như chúng ta lại càng không thể cho những người hợp tác với Đảng CS -dù trong nước hay “thăm viếng” ngoài nước-một thứ xa xỉ phẩm là quyết định mối tương quan giữa chúng ta với họ trên chỉ một phần sáng tác của họ (cái phần “văn thơ” vô thưởng vô phạt đã thấy xâm nhập tràn lan vào các tạp chí “văn học” ở Hoa Kỳ) mà không xét đến loại “sáng tác” hoàn toàn ngược lại với sự thực mà các nạn nhân của CS đã không được nói. Vì đó là một sự thật chúng ta cần viết ra không phải cho chúng ta đâu mà cho những nghệ sĩ hay người dân đã bị cái chính quyền mà họ ca ngợi, cầm tù hay tiêu diệt. Trong bài tới, người viết sẽ bàn đến sự góp công của phụ nữ Miền Bắc cho Đảng CS Việt Nam và bài sau hết là tình cảnh của phụ nữ VN hiện nay.

Nguyễn Tà Cúc
 Chú Thích: 

1- Nguyễn Thị Minh Ngọc

      Một trong những “cây nhà lá vườn” có hoạt động đắc lực liên quan đến vài chức sắc của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ và đã thực hiện vài đề án ở ngoại quốc là bà Nguyễn Thị Minh Ngọc. Cái tên Nguyễn Thị Minh Ngọc còn rất xa lạ với độc giả VN ở Hoa Kỳ và ngay với cả giới văn nghệ Miền Bắc nhưng ở Sài Gòn, Nguyễn Thị Minh Ngọc là một đạo diễn kịch quen thuộc; tự nhận trong tiểu sử là đạo diễn, kịch sĩ, nhà văn... để xin ngân khoản và ra ngoại quốc trình diễn nhiều lần. 

      Trước khi được Trung Tâm Joiner tuyển vào niên khóa 2004-2005, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc đã giao dịch với họ từ lâu và tham gia vào nhiều buổi nói chuyện do các nhân sự liên hệ với TT này tổ chức tại các nơi khác. Ngày 14 tháng 11, 2003, bà Minh Ngọc có mặt trong buổi nói chuyện tại College of Southern Maryland để bàn về chủ đề “Tại sao có những cuộc tranh chiến và cái gía nhân loại phải trả cho chúng” cùng với Christian Appy và Wayne Karlin (hiện dậy tại đây) để đọc truyện ngắn của bà ta trong cuốn Love After War -một tuyển tập dịch 50 truyện ngắn của nhà văn VN -chỉ có những nhà văn thuộc CS hay thân Cộng- do Wayne Karlin và Hồ Anh Thái (trong Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn VN kiêm nhân viên bộ Ngoại giao)  biên tập. Ngày 4 tháng chạp, 2003, tại New York University, sau phần trình chiếu một cuốn phim của đạo diễn Trần Văn Thủy về chất độc Da Cam, bà Minh Ngọc là một trong những người phát biểu chính cùng với Trần Văn Thủy, Nguyễn Bá Chung (nhân viên VN của Joiner) và giáo sư Marilyn Young trong cuộc hội thảo kế đó. Ngày 8 tháng chạp, 2003, bà Minh Ngọc xuất hiện trong một buổi nói chuyện tại ĐH Maryland (University of Maryland). Trong một buổi bà Minh Ngọc trình diễn tại Chicago chung với một nghệ sĩ VN và ba nghệ sĩ HK có chủ đề là những dòng sông, khán giả được phát sẵn một cặp que để gây náo động khi trên sân khấu có chiếu cảnh máy bay HK ném bom xuống làng mạc VN. 

      Bà từng viết và đóng vai các bà Thập và Bình như chính bà thuật lại như sau: “...ở một góc tôi đóng vai bà Nguyễn thị Bình đi ráp hai phần Nam -Bắc Việt Nam[...] Trong chương trình sân khấu hóa ...70 năm ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, tôi lại được gặp bà Mười Thập trong khúc đời bà bứt núm một sơ sinh để lại bên đường nhờ người khác nuôi giùm...Cách đây ba năm, trong “Đêm huyền thoại” ...cho Bảo Tàng Phụ nữ Nam bộ, giờ chót tôi cũng phải nhảy vào đóng vai bà trong giây phút nhận được giấy báo tử của Quang, cậu con trai cuối cùng còn sót lại...Trong phần trình bày của mình ở Phi Luật Tân, có thể tôi sẽ diễn lại ba phác họa về Hồ Xuân Hương, bà Mười Thập và một nữ tướng bị cụt tay....(Nguyễn Thị Minh Ngọc, Là Nữ Đạo Diễn...Năm 2000 Ở Sài Gòn, Phụ Nữ Sài Gòn, Việt Nam)

Bà MN không chỉ trình diễn ở VN mà còn đem ra ngoại quốc (ít nhất là tại Hoa Kỳ và Thụy Điển) : ” ...Ngoài ra tôi còn nhận lời thực hiện 4 chương trình giao lưu tại 4 trường đại học lớn, trong đó một mình tôi diễn luôn 8 trích đoạn là..., Nguyễn Thị Thập, Tuổi trẻ cười sống...”(Đạo diễn Minh Ngọc: “Yêu Nghề, chắc chắn sẽ làm được,” xuất hiện từ báo VN, không rõ website nhưng có đề ngày Thứ tư, ngày 4.2.2004, -Người viết gạch dưới).  

      Trên một website báo VN khác vào ngày 28.5.2002, còn có hình bà MN mặc áo bà ba, đầu quấn khăn rằn (biểu tượng của MTGPMN)  đong đưa một cái gói trong một chiếc võng nhỏ cũng bằng vải rằn, dưới có dòng chữ : ”Nguyễn Thị Minh Ngọc trong trích đoạn Nguyễn Thị Thập diễn tại Thụy Điển”. Không hiểu vô tình hay cố ý, trong Ngày VN tại Thụy Điển (8 tháng 11) ngoài ông Phó thủ tướng Vũ Khoan và một phái đoàn hùng hậu, còn có cả bà NTBình (còn ai trồng khoai đất này) chủ tọa lễ công bố thành lập “Quỹ Trẻ em tài năng VN” tại đại sảnh Stockholm. Trở về từ ngoại quốc, bà MN có nhận xét như sau “Qua Mỹ, tôi từng chứng kiến cảnh một số nghệ sĩ mình kiếm tiền rất cay nhục...” (Người đi tìm giấc mộng kê vàng, VTV-Đài truyền hình VN,  24.12.2004).   

      Thực tình tôi không hiểu tại sao bà MN lại dùng chữ cay nhục. Chúng tôi có làm ...văn nô cho đế quốc Mỹ hồi nào?! Trái lại, dù đương đầu với sinh kế và trăm thứ khác, chúng tôi vẫn sáng tác, vẫn trình diễn được thì có gì đáng gọi là “cay nhục”? Ngoài bà Minh Ngọc ra, còn có nhiều phụ nữ trong giới văn nghệ VN cũng cộng tác với TT Joiner và thuộc Hội Nhà Văn VN trong hoàn cảnh tương tự nhưng sở dĩ  bà Minh Ngọc được nhắc đến trong bài này vì những hoạt động vinh danh các bà Bình, Thập và dùng “nghệ thuật” để đẩy chiến tranh VN vào chiều thuận lợi cho người CS nghĩa là một cuộc chiến tranh chỉ xẩy ra giữa HK và VN mà người Việt chống CS và Việt Nam Cộng Hòa không hề có mặt. “Không hề có mặt” thì những vụ Cải cách Ruộng Đất, tàn sát ở Huế hồi Mậu Thân, vi phạm các thỏa ước ngưng bắn lúc đang có cuộc Hòa đàm Paris, đầy ải quân dân Miền Nam vào tù sau 75, dung dưỡng cho công an bộ đội hà hiếp phụ nữ Miền Nam vv cũng sẽ không có mặt, nhất là các cuộc phát biểu ấy lại được dàn xếp tại các Đại Học HK, nơi những thế hệ VN ở ngoại quốc sẽ không đủ kinh nghiệm để có một cái nhìn toàn diện hơn.  

      Dĩ nhiên, khi đề cập đến những người như bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, người viết không nhắm vào quyền tự do phát biểu hay trình diễn của họ mà chỉ muốn trình bày một sự suy nghĩ đứng trên vị trí của một phụ nữ lớn lên ở Miền Nam (sinh ở Miền Bắc) về thứ “nghệ thuật” ồ ạt tải ra ngoại quốc không giúp gì cho sự hiểu biết chính xác về một cuộc chiến mà những người thiệt thòi nhất vẫn là phụ nữ, trừ những phụ nữ “chức sắc” hay thân thuộc của các chức sắc đó. Khác với tông đồ của ông Hồ như các bà Bình, bà Định và bà Thập, người viết hoàn toàn cổ võ cho quyền tự do tư tưởng dù rằng phải nói trong khi Việt Nam chưa có tự do, nhà văn chưa được viết, thậm chí phải đem tác phẩm ra ngoài nước in ấn mà lại có những màn kịch ca ngợi các bà du kích thì kể ra cũng hơi “cay nhục” đấy cho hai chữ nghệ thuật. Và cho cái liêm sỉ của nghệ sĩ. Nhưng sự thực bao giờ cũng là sự thực. Việc bà Nguyễn Thị Minh Ngọc đóng vai bà Bình “ráp nối hai miền Nam Bắc” hay đóng vai bà Mười Thập khóc con rồi ra cũng chỉ là một vở kịch có hồi hạ màn, nhưng hiện tượng phụ nữ hai miền Nam Bắc ùn ùn kéo nhau bỏ chạy ra khỏi VN sau khi bà Bình “thống nhất” đất nước dù biết trước có thể bị hãm hiếp hay mất mạng, mất cả gia đình thì diễn ngay ra trong đời, ghi lại trong lịch sử mà không có cánh màn nào che đậy được. 

      Cũng cần nói thêm là bà Nguyễn Thị Minh Ngọc đã muốn ngăn cản những bài viết như thế này vì trình bày ra một bề mặt mà có l ẽ bà ta không muốn cho ng ười ngoài nước biết.  Và o năm 2005, trong một thư riêng cho nhà thơ Viên Linh, bà Minh Ngọc đã “nhờ” ông “stop” (!) một bài khác của người viết, cũng có nội dung tương tự.  Dĩ nhiên không ai có thể “stop” bài của Nguyễn Tà Cúc, nhưng đưa trường hợp naỳ ra để làm thí dụ điển hình về một cuộc chiến dai dẳng mà ngay trên sinh hoạt văn chương đã có những trò hề không mã thượng.  

      Như thường lệ, Nguyễn Tà Cúc, Diễn Đàn Người MớiTạp Chí Khởi Hành sẵn sàng cho bà Nguyễn Thị Minh Ngọc một cơ hội để lên tiếng hay là cải chính (bài này có đăng trên Tạp Chí Khởi Hành). 

2. Cũng về phần nội dung, cuốn này có những lỗi không thể tha thứ được. Sơ sơ đã có mấy cái lỗi tầy đình, xuất phát từ sự thiếu khả năng của người dịch (mà có khi người dịch lại chính là các nhân viên của TT Joiner  như Nguyễn Bá Chung và Kevin Bowen).

a-Dịch sai: 

-Trang 127, tất cả những chữ “đàn bầu” đều được dịch thành “Dan bo” như trong ngay tựa đề “Song of the Moonlight and the Dan Bo” (thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khắc Viện dịch)

-“có con dê ăn bên rào cấm..” dịch thành “On the perimeter a calf chew on grass” (trang 130-131, thơ Van Lê, Nguyễn Bá Chung và Bruce Weigl dịch). “Dê” phải dịch là “goat” và nguyên bản không có chữ “cỏ” để mà thêm vào chữ “grass”. 

-“Đem nhan sắc tặng cho nhau. em giăng cái đẹp ngang cầu ban mai...” dịch thành “She carries her beauty like a gift she offers. I want to stretch it all across in the morning...” (trang 189-199, thơ Nguyễn Duy, Nguyễn Bá Chung và Kevin Bowen dịch). Trong trường hợp này, “em” biến thành “tôi”, thêm chữ “want” cũng không có trong nguyên bản mà lại sót chữ “cầu” (cầu ban mai)  làm mất hẳn cái ý rất đẹp của tác giả. Câu đầu dịch không sát nghĩa.

-“Em không đến mà tim anh thổn thức. Anh phải tiếp những kẻ vô tình. Sự giả vờ làm tim anh đau nhức..” dịch là “But you never came. My heart had to wander. I had to talk to whoever stopped by. This killing time opened old wound...” (trang 220- 221, thơ Phạm Tiến Duật, Nguyễn Bá Chung và Kevin Bowen dịch). “Thổn thức” phải dịch khác với thơ thẩn (“wander”). Câu “This killing time opened old wound” thì hoàn toàn do hai “dịch giả” ...bịa ra vì không có trong nguyên bản. Không hiểu nhà thơ Phạm Tiến Duật có khám phá ra cái “nỗi đau cũ càng” trong “trái tim thơ thẩn” do hai dịch giả tặng cho ông chưa?!

b-Dịch thiếu

Dịch thiếu câu “Ai biết cầu Ô ở chỗ nào” (câu thứ tư của đoạn một) trong bài Đêm Sao Sáng của Nguyễn Bính-Thuy Hunt, Norm Oppegard và Bruce Weigl dịch, trang 34-35)

[Đáng ngạc nhiên hơn nữa là cuốn này lại được ông Ngô Như Bình thuộc ĐH Harvard, MA khen là “bản dịch tuyệt hảo” (dịch phóng câu “The quality of the translation is excellent”)] và trân trọng in ra bìa sau để quảng cáo! Người viết quả thực không hiểu các ĐH rất danh tiếng của HK đào ở đâu ra những người thiếu khả năng đến thế.  Sau kinh nghiệm đau thương này, hy vọng các nhà thơ VN sẽ nghe theo lời cố vấn của nhà văn Nguyên Ngọc mà học thêm ngoại ngữ để thơ mình không bị dịch sai. Nhất là dịch sai bởi chính đồng minh của mình thì đau quá. Quả là một sự trớ trêu khi các bạn Cộng sản Việt kết án Việt Nam Cộng Hòa là “tay sai của Đế quốc Mỹ” thì nay các bạn lại bị một vố đích đáng vì những “giúp đỡ” nhân danh sự thực và “hàn gắn” vết thương chiến tranh do chính các “đồng minh văn chương” HK của các bạn gây ra.  

3-  “...Calling the war with Saigon ‘the American war’ in another chronology on page 109, and not mentioning the Republic of Viet Nam anywhere, are pure cant. She does refer to some country called ‘South Viet Nam’ once on page 106. Not even the Front makes it in... Lady tells the story of the disastrous land reform, on page 100. I wonder why, since anyone who has heard of it will disagree with her version. She stresses Ho Chi Minh’s apology, reprinting selections on page 101. I object to her interpretation, laying the fault of “excesses” at the feet of “local firebrands.” I think that the cruelties of the land reform were part of an effort by the Party to eliminate or neutralize smart people who had joined the revolution. Some say that Ho was one of them...(Dan Duffy)