Để theo dõi tin tức bình luận sinh hoạt nữ trí và văn học,
văn học và đại chúng, mời đọc:

NGƯỜI MỚI

Diễn Đàn Văn Học và Phụ Nữ - Nguyễn Tà Cúc chủ trương.

NHỮNG BĂN KHOĂN TRƯỚC THỜI CUỘC:

NÓI CHUYỆN VỚI  LUẬT SƯ HOÀNG DUY HÙNG, Chủ Tịch Cộng đồng Người Việt tại Houston, Texas, Hoa Kỳ--Từ Ý niệm Sống, viết sách, hướng dẫn cộng đồng Houston tới việc bảo vệ Đệ tứ quyền của Báo Chí
Nguyễn Tà Cúc 

Lời người viết: Cách đây mười mấy năm, người viết tình cờ được đọc một bài báo, đăng trên nguyệt san Xây Dựng, viết về Luật sư Hoàng Duy Hùng. Trong bài báo này, Luật sư Hoàng Duy Hùng nhiều lần nhấn mạnh về việc cần đoàn kết để hoạt động cho một Cộng đồng Biển-Ngoài [1] vững mạnh hơn, nhất là để ứng phó với tình hình trong nước. Đó là lý do người viết đã có chủ ý phỏng vấn ông. Một trong những mối quan tâm của người viết là ghi lại những sự việc đã xẩy ra từ năm 1954 (năm đầu tiên đánh dấu việc người Công sản Việt Nam chiếm được Miền Bắc và tiến hành cuộc Cộng sản hoá xuống Miền Nam) và sau này, sau năm 1975. Ở địa vị thắng trận, người Cộng sản đã chủ trương một cuộc viết lại lịch sử bằng những cuốn sách đầy những chi tiết sai trái hoặc bịa đặt để cổ võ cho chủ nghĩa của họ và cùng lúc, bôi nhọ những người chống lại họ. Chúng ta--những người sống sót và ra đi—không thể không quan tâm đến chủ trương ấy. Do đó, trước đây người viết đã có những bài phỏng vấn một số nhà văn hay nhân sự của Miền Nam và nay tiếp tục loạt bài này với Luật sư Hoàng Duy Hùng. Bài nói chuyện với Luật sư Hoàng Duy Hùng được thực hiện qua hình thức hỏi và trả lời bằng giấy bút qua hệ thống Internet. Một phần tựa đề của bài này là trích lại tựa 2 Tuyển Tập của Luật sư Hoàng Duy Hùng (Tuyển Tập Những Băn Khoăn Trước Thời Cuộc, Tập I, xuất bản năm 1998 và Tập II, xuất bản năm 2000, Việt Long xuất bản, Houston, Hoa Kỳ). 

   Nguyễn Tà Cúc: Thưa Luật sư Hùng, anh đã viết và xuất bản khá nhiều sách bàn về tương lai Việt Nam và những hoạt động của Cộng đồng Biển-Ngoài nhắm đến việc tranh đấu và hoạt động không những cho một cộng đồng mạnh mẽ hơn mà còn để ứng phó với những biến cố trong nước và chuẩn bị cho những biến chuyển ngoài nước. Trước khi bàn đến một số vấn đề quan trọng mà anh đã nêu ra trong những cuốn sách của anh, tôi xin được hỏi về tiến trình hành động của anh từ khi bị bắt giam trong nước vào đầu thập niên 1990 cho tới bây giờ hiện là Chủ tịch Cộng đồng Houston tại tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Theo tiểu sử, anh đã về Việt Nam hoạt động và bị nhà cầm quyền Cộng sản bắt, biệt giam anh mười lăm tháng trong khoảng 1992-1993. Sau đó họ phải thả rồi trục xuất anh và một số người khác về Hoa Kỳ. Tại sao lúc ấy, vừa mới tốt nghiệp cử nhân Triết ở Houston, anh lại chọn một con đường nguy hiểm như thế? Anh tin rằng anh sẽ tạo được cơ sở hoạt động trong nước hay là anh xem như là một thử nghiệm cần thiết thay vì những lời nói suông? Kinh nghiệm đó và những sinh hoạt khác mà anh từng tham dự giúp anh ra sao trong thời gian họat động và họat đông ở vị trí lãnh đạo trong mười lăm năm nay?

   Luật sư Hoàng Duy Hùng : Tôi là người con thứ 6 trong gia đình 10 người con. Thân phụ tôi, ông Hoàng Văn Đại, quê ở Đồng Vông, Nghệ An.  Ông cụ thân sinh tôi qua đời năm 2007 tại Houston.  Thân mẫu của tôi quê ở Cửa Lò, Quảng Bình, và mẹ tôi mất tại Houston năm 2003.  Hai ông bà trốn chạy nạn Cộng Sản nên đã di cư vào Nam, và chuyến di cư này đầy gian khổ.  Thời gian đầu ông bà ở Phan Thiết, sau đó dời về Phan Rang, cuối cùng năm 1966 về định cư tại Giáo Xứ Phước Long, Ban Mê Thuột, cho đến ngày miền Nam rơi vào tay Cộng Sản năm 1975 phải gồng gánh dẫn đàn con băng rừng vượt núi kinh qua đại dương đến Hoa Kỳ.

   Khi còn sinh tiền, hai ông bà hay kể cho con cháu nghe những cảnh đấu tố tàn nhẫn cũng như lột da trấn nước của Cộng Sản tại Nghệ An nên cả nhà tôi từ già đến bé ai cũng kinh tởm Cộng Sản.

   Năm 1975, tôi còn là một cậu chủng sinh 13 tuổi trong Tiểu Chủng Viện Lê Bảo Tịnh của Ban Mê Thuột, Cộng Sản tràn vào bắt đi các linh mục và các anh chủng sinh lớn tuổi. Tôi cùng với một vài em chủng sinh nhỏ tuổi khác băng rừng đi Sài Gòn.  Lý do chúng tôi quyết tâm đi Sài Gòn vì chúng tôi biết không thể sống với Cộng Sản và chúng tôi tin chắc cha mẹ và gia đình chúng tôi đã tìm bằng mọi cách đi Sài Gòn vì họ thà chết trong rừng sâu chớ không ở với Cộng Sản.  Trong niềm tin đó, chúng tôi lầm lũi đi về Sài Gòn và may cho chúng tôi, chúng tôi gặp lại cả gia đình trong đoàn chạy nạn.

   Như thế, ngay từ còn nhỏ, tôi đã hiểu sự tàn ác dã man và đã không chấp nhận Cộng Sản.  Qua Hoa Kỳ năm 1975, tôi quyết định học ngành nhân văn thay vì học kỹ thuật vì muốn trau dồi kiến thức để đấu tranh với Cộng Sản.  Trong lúc học Đại Học, tôi tham gia Mặt Trận Việt Nam Tự Do do cụ Hà Thúc Ký và ông Nguyễn Văn Kim sáng lập và lãnh đạo. Trong thời gian còn là sinh viên, chúng tôi tham gia nhiều cuộc biểu tình, vận động chữ ký, và dấn thân vào các công việc của Cộng Đồng vì biết rằng trách nhiệm của người trai trước thời cuộc quốc phá gia vong: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.

   Học xong, tôi được giao công tác xâm nhập quốc nội, móc nối xây dựng cơ sở.  Tôi trở về nước 3 lần, xây dựng được rất nhiều cơ sở; tuy nhiên, vận nước còn đen tối, các bậc đàn anh của tôi có sự phân hóa nặng, giữa cụ Hà Thúc Ký và ông Nguyễn Văn Kim, để rồi tổ chức bị ngưng trệ và cuối cùng tin tức rò rĩ với hệ quả là tôi và khoảng 10 người khác ở trong nước bị Cộng Sản Việt Nam bắt ở tù.

   Trong 10 người ở tù có bác ruột tôi là Hoàng Văn Khoát, anh họ tôi là Hoàng Văn Khánh, em họ tôi là Hoàng Kim Hạ, và có các đảng viên cao cấp của Đại Việt Cách Mạng là giáo sư Nguyễn Lý Tưởng, luật sư Ngô Văn Vinh, và ông Hà Văn Thưởng. 

   Sau này trong sinh hoạt chính trị có những người thù ghét tôi, họ dựng chuyện nói rằng năm 1993 tôi bán đứng 320 đảng viên Đại Việt Cách Mạng để cho Cộng Sản Việt Nam trả tự do cho tôi.  Họ dựng chuyện có một người bác của tôi tên là Hoàng Đức Khâm ở một địa chỉ ma trên Seattle “tội ác của Hoàng Duy Hùng” mà trong thực tế trong dòng họ tôi không có ai tên là Hoàng Đức Khâm.  Ông Phạm Đức Khâm là một tù nhân chính trị sinh hoạt trong Cao Trào Nhân Bản của bác sĩ Nguyễn Đan Quế có tù chung trong giai đoạn này, và hiện nay ông Phạm Đức Khâm đã ở Hoa Kỳ.  Kẻ giả mạo đã mập mờ đánh tráo để quần chúng ngộ nhận Hoàng Đức Khâm là Phạm Đức Khâm.  Trong vụ án chúng tôi chỉ có khoảng 10 người, và như tôi đã trình bày ở trên, đa phần là họ hàng của tôi, chỉ có 3 đảng viên Đại Việt Cách Mạng đó là giáo sư Nguyễn Lý Tưởng, luật sư Ngô Văn Vinh và ông Hà Văn Thưởng.  Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng hiện định cư ở Nam California, luật sư Ngô Văn Vinh định cư ở Virginia, và ông Hà Văn Thưởng vẫn còn ở Việt Nam.  Ngoài những vị này ra, còn nhiều nhân chứng khác ở trong tù biết tư cách của tôi trong trại giam trong đó có Thượng Tọa Thích Không Tánh, anh Lý Tống, anh Trần Mạnh Quỳnh, ông Trịnh văn Thương v.v., nên tin vu cáo tôi bán đứng 320 đảng viên Đại Việt Cách Mạng dần dần mất tính thuyết phục.

   Năm 1993, Cộng Sản Việt Nam thương lượng để được Hoa Kỳ bãi vận.  Một trong những điều kiện để Hoa Kỳ bãi vận cho Việt Nam đó là phải trả tự do cho những công dân Hoa Kỳ, trong đó có tôi và ông Nguyễn Sĩ Bình.  Chúng tôi ở đúng thời điểm nên toàn thể vụ án chính trị của chúng tôi đã được CSVN xếp lại.  Thời điểm đó cũng là thời điểm CSVN chấp thuận cho các tù nhân chính trị Việt Nam đi Hoa Kỳ qua chương trình H.O. Nói chung, chúng tôi đã được sự may mắn độ phù của Ơn Trên nên mới hưởng được không khí của tự do.

   Khi về nước hoạt động thì tôi đã chấp nhận cái chết trong tay, nhưng tôi phải làm bổn phận của người trai trước cơn lâm nguy của đất nước.  Hoạt động đấu tranh của tôi không phải là một thử nghiệm hay một lời nói suông, mà là một Nghiệp (karma) và tôi cũng chỉ là một hạt nước trong giòng thác cách mạng của cả dân tộc, nhưng tôi đã lấy chính sinh mạng của bản thân và dòng họ mình để làm một chất xúc tác nhanh hơn cho công cuộc ấy. Tận sở năng, tri thiên mệnh, và không ai lấy thành công thất bại để đo lường cả một nỗ lực chân thành để quê hương sớm có Tự Do và Dân Chủ thật sự.

   Nguyễn Tà Cúc: Trong những cuốn sách mà anh đã viết, tôi nhận thấy anh sử dụng rất nhiều tài liệu để dẫn chứng, đặc biệt là khi anh viết về những nhân vật của Cộng sản, kể cả ông Hồ Chí Minh. Không những thế, anh luôn luôn đặt Việt Nam vào một bối cảnh quốc tế, chứ không chỉ hạn chế vào một điạ phương hay quốc gia sở tại. Anh viết một cuốn rất dầy bằng Anh ngữ có tựa là A Common Quest for Vietnam’s Future in the New World Order (2005) mà tôi nghĩ là rất tốt cho những bạn trẻ sinh trưởng ngoài Việt Nam để họ có một cái nhìn tổng quát về lịch sử chiến tranh gần đây nhất và về Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi đồng ý với anh khi anh phát biểu rằng: “However, to me, returning to Viet Nam physically is not as important as spiritually and mentally. That is the reason why I have done research about Vietnam, and to me, it is the trek for home, the trek for the Việt identity.”[2] Một trong những sách lược của người Cộng sản là cái identity mà anh nói đến đó. Thứ nhất họ dùng nó như một thứ độc quyền yêu nước; thứ hai, họ cố tình làm cho giới trẻ nhầm lẫn căn cước Việt (Việt identity) với căn cước Cộng sản Việt (Vietnamese Communists’s identity). Bởi thế tôi rất không đồng ý với một số nhà văn, Bắc có Nam có, khi họ nói rằng chỉ có nhà văn trong nước mới biết thẩm thấu và do đó, sáng tác được như một người Việt. Một người Việt ra đi mà văn hoá Việt vững vàng, mà thiết tha với quê hương thì người ấy chắc chắn không xa quê hương một chút nào. Nhưng với giới trẻ thì anh nghĩ sao? Làm thế nào để họ giữ được cái Việt identity đó?

   Luật sư Hoàng Duy Hùng: Con người bao gồm 2 phần, phần hồn và phần xác.  Phần xác dễ dàng nhận diện nhưng phần hồn thì không phải đơn giản.  Chính phần hồn đó làm nên căn tính của một cá nhân hay của cả một dân tộc. Căn tính của một dân tộc, ngoài chủ quyền lãnh thổ và dòng máu ra, còn có tiếng nói, văn hóa và lịch sử.

   Một người mang dòng máu Việt mà lại không biết gì về lịch sử, văn hóa và tiếng Việt thì coi như căn tính Việt trong người đó đã không còn hoặc đã bị sói mòn cách đáng sợ.

   Cha ông ta có nói: “Vô tri bất mộ.”  Muốn xây dựng căn tính Việt trong con người, việc đầu tiên là phải đào luyện bản thân kiến thức về nước Việt.  Kiến thức đây gồm cả tiếng nói, lịch sử và văn hóa. Đào luyện cho mình có một kiến thức có nhiều phương cách như nhờ thày giảng dạy, cắp sách đến trường học, hay tự nghiên cứu tìm hiểu.  Nhà trường hay thày giáo chỉ có thể khai tâm chỉ vẽ cách mở sách và các tài liệu để tham khảo, nhưng bản thân phải dành thời giờ và tâm tư để nghiên cứu thì mới có kết quả.  Nói cách khác, thày giáo và nhà trường chỉ làm phong phú hóa tư chất của một học trò.  Trong gia đình cha mẹ nói nhiều về căn tính Việt thì con cái cũng dễ dàng mở lòng ra để đón nhận căn tính đó và từ đó tạo môi trường cho tư chất Việt trong bản thân ngày một thăng hoa hơn.

   Sau năm 1975, CSVN làm cho căn tính Việt bị tan nát cả vật chất lẫn tinh thần.  Vật chất thì ĐCSVN đẩy đưa đất nước trở thành một trong những dân tộc chậm tiến và nghèo đói nhất thế giới.  Họ còn bí mật cắt đất dâng biển cho Trung Cộng xé nát tan hoang đất Mẹ Việt Nam.  Trên phương diện tinh thần, xóa đi căn tính Việt bằng cách xuất cảng các cô dâu sang Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan.  Sau thảm cảnh của các cô dâu là thảm cảnh của các lao nô Việt Nam ở Đông Âu, Trung Đông, Mã Lai, v.v.  Và mới đây là bi hận ca sinh viên Việt tại Nhật Bản phải sống bằng nghề trộm cắp.  Chế độ gian dối tham nhũng và lừa lọc của CSVN đào tạo nên căn tính con vật Việt vô đạo đức đến độ người Nhật mới đây đã phải bàng hoàng thốt lên trong sững sờ đó là một dân tộc gần 5000 năm văn hóa lại cong lưng uốn mình làm những chuyện tồi bạo như vậy.  Người Nhật đã phải giận dữ gọi chế độ CSVN là bọn giòi bọ.  Chính những sự kiện này cho thấy người Việt sống lưu vong đang đóng vai trò tiền tuyến bảo vệ căn tính Việt chính thống mà cha ông chúng ta muốn trao truyền.  Đó là một kỳ vọng và cũng là một sự thách đố lớn lao cho người Việt lưu vong nói chung và cho các bạn trẻ nói riêng.

   Nguyễn Tà Cúc: Nay chúng ta sẽ bàn đến một vấn đề mà có thể tuy đa số thầm lặng đã quan tâm đến nhưng hiếm có người công khai bàn đến: tôi muốn nói đến vấn đề làm sao cho giới trẻ tham gia nhiều hơn vào các tổ chức và sinh hoạt Cộng đồng. Một trong những vấn đề lớn nhất mà chúng ta phải đối phó là có một thiểu số nhân danh Cộng đồng để phỉ báng, để bôi nhọ đến nỗi nhiều em-- sinh trưởng trong một môi trường có luật pháp, không quen với lối “sinh hoạt” rừng rú và lại càng không muốn tốn sức lực để tự vệ--đã quyết định rời xa thay vì tham dự. Nói như thế không có nghĩa là giới trẻ Việt Nam đã không tham dự, vì nếu họ không tham dự, Cộng đồng Biển- Ngoài đã không thể tồn tại và lớn mạnh như ngày hôm nay vì anh cũng là một trong những người trẻ đó. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Cộng đồng này sẽ càng lớn mạnh hơn nữa nếu thu hút được nhiều người trẻ hơn. Sau nữa, là những người gần-về-chiều như tôi và anh, chúng ta không thể chối bỏ khía cạnh bất lợi đó khi sửa soạn cho những tranh đấu với người Cộng sản trong tương lai. Trong cuốn Việt Nam Trong Những Biến Chuyển của Thế Giới, anh có một chương, tựa là Hiện Tượng Lão Hóa trong Sinh Hoạt Đấu Tranh, trình bày về vấn đề này. Tôi xin trích một vài đoạn coi như tiêu biểu cho sự suy nghĩ của một số giới trẻ: “Việt Nam có câu tre già măng mọc nhưng em thấy hiện nay nhiều tre già ngã đè búp măng non... Đấu tranh chống Cộng vừa tốn tìền, tốn công sức và thời giờ mà còn bị các bố nhà mình chụp cho nón cối cộng sản hoặc những từ ngữ dơ dấy thì mấy ai còn  hứng thú nữa….”, “Nhiều bực cha anh làm cố vấn thì lại đồng hóa cố vấn là lãnh tụ tối cao…Họ không chịu hiểu trong sinh hoạt dân chủ, cố vấn là cố vấn, còn biểu quyết đa số phải thi hành…”, “Tuy nhiên có lẽ sâu thẳm trong lòng chúng em ngại ngùng là vì không biết cuộc đấu tranh này sẽ đi về đâu khi thấy sự phân hóa của các tổ chức đấu tranh quá trầm trọng…”, “Điều đau lòng đó là có ai đó dám nói ra những chiêu thức mới có tính cách thực dụng hơn thì lập tức bị phe bảo thủ, nhất là những người lớn tuổi chụp cho cái mũ Cộng sản, làm cho giới trẻ nản lòng không có những tư duy sáng tạo. Và, khi không có sáng tạo trong tư duy thì đương nhiên giới trẻ ngại ngùng trong việc dấn thân.”, “Một vài cá nhân hoặc tổ chức đưa ra một vài sách lược có thể khả thi thì lập tức bị những người khác chụp cho cái nón cối là Cộng sản, đánh tơi bời, dùng nhiều từ ngữ hạ cấp…”. Anh kết luận chương này bằng những câu: “Tương lai của dân tộc Việt Nam nằm ở trong tay thế hệ trẻ mà thế hệ trẻ không chịu ra dấn thân thì quả thật tương lai này quá mịt mù…” Anh viết chương này vào ngày 28, tháng 2, 2007, nghĩa là chỉ trong vòng hai năm nay thôi. Nhận định của anh và cảm tưởng của các em đó còn đúng không, theo ý anh? Riêng tôi, đọc chương này, tôi không khỏi thấy buồn. Tôi không biết anh sẽ trả lời thế nào, nhưng tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của tôi: Tôi không cho những kẻ chụp mũ hay sử dụng những từ ngữ hạ cấp đó cái hân hạnh được “đại diện” bất cứ một điều gì cả. Bởi thế tôi hoàn toàn không quan tâm đến họ. Tôi chọn những người cùng tâm huyết và tâm niệm với tôi để hoạt động chung.

   Luật sư Hoàng Duy Hùng: Trong bài “Hiện Tượng Lão Hóa Trong Sinh Hoạt Đấu Tranh,” tôi nhận định Lực Lượng Dân Chủ đang lâm vào khủng hoảng lớn đó là sự ngăn cách của một hay hai thế hệ và thế hệ trẻ không chịu dấn bước trong sinh hoạt của cộng đồng.  Nhận định này cho tới ngày hôm nay tôi cho rằng vẫn chính xác và có lẽ còn trở thành một vấn nạn nhức nhối hơn bao giờ hết.

   Nhiều người ứng xử khá lạ lùng đó là người khác phải có quan điểm đấu tranh và hành xử giống như tôi thì mới là Quốc Gia, còn không thì là Việt gian hay Cộng Sản.  Nạn chụp mũ bừa bãi đã và đang sói mòn tinh thần tập thể và sức mạnh chung của Lực Lượng Dân Chủ.  Có những người đòi hỏi đã là người Quốc Gia thì phải là người chống Cộng triệt để đến độ một ông thương gia cũng phải là một nhà cách mạng có lập trường dứt khoát!!!  Hầu như họ đòi buộc ai cũng phải là Phật là thánh cả.  Chính tâm tư chống Cộng không tương nhượng này đôi lúc lại trở thành cản trở vật trong đấu tranh, không huy động nổi được sức mạnh tổng thể, và làm cho nhiều bạn trẻ e ngại xa tránh cộng đồng. 

   Nếu muốn cho giới trẻ ra sinh hoạt cộng đồng, chúng ta cần phải điều chỉnh lại những quan niệm lỗi thời, những chụp mũ bừa bãi, và đặc biệt kế hoạch chương trình hành động hợp lý, khả thi, và hiệu quả, chớ không phải chống Cộng chỉ vì “chống Cộng” hay vì cảm tính.

   Nguyễn Tà Cúc: Xin anh chia sẻ “bí quyết” của sự thành công của Cộng Đồng Houston. Tôi đã có dịp nhìn thấy Trụ sở khang trang do Cộng đồng mua và làm nơi sinh hoạt. Là Chủ Tịch Cộng đồng Người Việt tại Houston, anh làm thế nào để dung hòa được hết các khuynh hướng và xây dựng được một Cộng đồng như vậy? Tôi xin đề nghị các Ban Chấp hành của các Cộng đồng người Việt Tỵ nạn khác tại Hoa Kỳ hãy đi một vòng thăm viếng nhau--nhất là tới Houston-- để rút tỉa kinh nghiệm chung.

   Luật sư Hoàng Duy Hùng: Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston & Phụ Cận được chính thức thành lập năm 1983.  Ngày 25/10/2008 vừa qua, Houston tổ chức trọng thể ăn mừng kỷ niệm Lễ Bạc 25 năm, hàng chục ngàn người tham dự, xổ số lô độc đắc là xe Acura 2009 trị giá $30,000.00. Anh Trần Quang Vũ đã trúng lô này và Cộng Đồng đã trao giải này cho anh.  Ngoài lô trúng độc đắc ra, còn nhiều lô trúng khác trị giá $15,000, $5,000, $1,000, v.v. thì đều đã có người lãnh giải.

   Cộng Đồng Houston đã vài ba lần suýt vỡ ra làm đôi hoặc làm ba cộng đồng như trường hợp những thành phố khác có đông dân Việt Nam.  Năm 2007, Houston trải qua một cơn sóng gió lớn, kiện tụng nhau tại tòa, và ai nấy đều cảm thấy mệt nhọc.  Chính vì điều này nên cá nhân tôi nể tình bạn bè và vì công việc chung, đã phải ra tranh cử thống nhất Cộng đồng Houston về một mối.  Đương nhiên, sự thành công nào cũng phải trả một cái giá của nó, và lẽ dĩ nhiên tôi cũng không là thành phần ngoại lệ.

   Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng của Houston gồm đa phần những người trẻ.  Yếu tố thành công của Hội Đồng là một sự hy sinh và nhẫn nhịn vô bờ bến.  Hầu như ngày nào chúng tôi cũng bị đánh phá, từ trên radio đến thư rơi và trên mạng, nhưng anh em chúng tôi quyết tâm đi tới, ai cắn ai sủa mặc ai, đoàn lữ hành phải tiến tới.  Đôi lúc cũng rất mệt mõi và nhiều khi anh em tưởng phải buông xuôi, chúng tôi lại động viên nhau tiến bước không để cho những kẻ đánh phá cười hả hê là chúng tôi bỏ cuộc.

   Mua được Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng là một chuyện rất khó, các vị trong Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng phải bỏ tiền ra ứng trước, dùng tài sản cá nhân để thế chấp mua cho Cộng Đồng và người chủ đứng tên chính là Cộng Đồng.     

   Yếu tố để Cộng Đồng Houston có thể có những ngày hôm nay là sự quên mình. Hầu như mọi chuyện quan trọng chúng tôi đều đưa ra Đại Hội Khoáng Đại để quyết định, phân công đồng đều, nên các khuynh hướng khác nhau cũng giảm bớt cường độ triệt hạ lẫn nhau. 

   Cách đây 2 tuần, có một vị ở Nam California đến thăm Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Houston, ông thích thú trước những thành quả của Houston, ông hỏi tôi bí quyết thành công, tôi trả lời: “Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng là mái nhà chung, trên và ngoài thì che nắng che gió đội sương cản gió, dưới và trong thì bị nhiều kẻ vô tình hoặc ganh ghét cầm súng bắn lủng hoài.  Không hy sinh và nhẫn nhịn thì chắc chắn phải tan vỡ.  Bí quyết thành công của Houston là biết mình làm gì và thản nhiên đi tới bất chấp mọi đánh phá.  Đi đấu tranh mà người ta khen có lòng yêu nước thì còn dễ.  Đi đấu tranh mà bị người ta đội nón cối, rủa sả ngày đêm, vẫn kiên quyết đấu tranh vì mình biết mình phải làm gì thì đó mới là đấu tranh thiệt.  Vàng thật không sợ lửa, gian nan không làm nản lòng những người con nguyện hy sinh cả cuộc đời cho Mẹ Việt Nam Tự Do.” 

   Nguyễn Tà Cúc: Trước khi tôi hỏi anh một câu khác thì tôi cần hỏi anh câu này: Tại sao anh chọn ngành Luật và trở thành Luật sư Tố Tụng?

   Luật sư Hoàng Duy Hùng : Như tôi đã trình bày ở trên, tôi chọn ngành nhân văn và sau này thêm ngành luật vì tôi nghĩ rằng đất nước cần có những người con am tường về lãnh vực này.

   Ông nội của tôi là một nhà nho và là một thầy thuốc. Ông cụ thân sinh của tôi chỉ muốn tôi trở thành một bác sĩ. Tôi và ông cụ tranh cãi với nhau rất nhiều về vấn đề này, theo tôi, kẻ tốt người xấu không phải do nghề nghiệp mà do lương tâm của mỗi người.  Lương y như từ mẫu là câu châm ngôn ngàn đời, nhưng cũng có những bác sĩ làm ẩu để kiếm tiền.  Luật sư mang nhiều tai tiếng nhưng có rất nhiều luật sư tốt.  Xã hội dân chủ cần phải có pháp trị thì phải có người giỏi về ngành luật, tôi chọn học triết, sinh ngữ, và sau này luật là lý do đó.  Học những môn này là để tu luyện nghiệp tính con người trở thành người phục vụ hơn là kẻ được phục vụ.  Đất nước Việt dưới bạo ách Cộng Sản đã phá tan hoang căn tính Việt thì cần có những con người suy tư xây dựng lại căn tính Việt, và những con người đó phải thấm thấu Việt triết, Việt luật và Việt sử thì may ra mới tạo vận hội mới cho căn tính Việt có căn cơ để phát triển.

   Nguyễn Tà Cúc: Chúng ta đã nói chuyện về những vấn đề chung, nay tôi xin được nói chuyện với anh về một vấn đề tuy có liên quan đến tôi (và Tạp chí Khởi Hành), nhưng cũng là một vấn đề không riêng vì có liên quan đến luật pháp. Tôi muốn được anh cho chúng tôi và độc giả biết rõ hơn về luật pháp Hoa Kỳ tại Texas qua việc bà Luật sư Dương Như Nguyện kiện tôi (cùng với Khởi Hành và “một số người không rõ danh tính trong cộng đồng”) về tội “vu khống và mạ lỵ” bà ta qua hai bài báo tôi viết.

   Tôi xin được phép anh nói sơ qua về nội dung vụ kiện trước khi anh trả lời tôi về tính cách pháp lý của nó để độc giả tiện theo dõi sự trả lời của anh. Số là tôi đã viết hai bài --đăng trên Khởi Hành số tháng 100 và 11, năm 2005-- phê bình và nhận định về những sai trái trong cuốn Daughters of the River Huong (DORH) và cả về những lời phê bình Cộng đồng của tác giả cuốn này (tức là bà Nguyện) mà tôi cho là không đúng. Hai bài tôi viết đều có trích dẫn đầy đủ. Bà Nguyện không gửi bài đến Khởi Hành để yêu cầu được phản bác mà lại gửi thư tới Diễn đàn Nuoc_Viet trên Internet, chủ ý nhắm và việc ngăn chận sự phổ biến của hai bài báo ấy. Nguyên văn của bà Nguyện như sau: “xin quy vi giup toi dung de cho bai bao cua NTC duoc pho bien trong cong dong chung ta…” (message # 58083, ngày 20 tháng 11, 2005). Thú thực, tôi không thấy tức giận mà chỉ thấy khôi hài: một nhà văn, nhất là một nhà văn tự nhận thuộc vào dòng chính (mainstream), đáng lẽ phải biết rằng một khi đã xuất bản sách thì sẽ có lời khen hay chê. Nếu thấy lời chê (hay lời khen) không đúng, nhà văn ấy nên sử dụng quyền phản bác để bộc bạch ý nguyện của mình và chỉ ra sự sai lầm của người phê bình để cho cả người phê bình lẫn độc giả biết, nghĩa là sẵn sàng đón nhận sự xét đoán của công luận.  Đằng này, lại tìm cách ngăn chận “đừng để cho bài báo” của tôi “được phổ biến”! Dĩ nhiên bà Nguyện và độc giả có quyền đặt dấu hỏi, rằng tôi có tư ý gì chăng?

   Câu trả lời là không vì hai lý do. Lý do thứ nhất, giám đốc nhà xuất bản cuốn DORH gửi cuốn DORH đến cho Khởi Hành mà tôi là người giữ nhìệm vụ điểm sách khoảng sáu năm nay. Thứ hai, đây không phải là lần đầu tiên tôi phải đặt vấn đề với một cuốn sách mà tôi có nhiệm vụ đọc: trong quá khứ, có lúc tôi đã nêu vấn đề dù tác giả là bạn rất thân với tôi. Tôi đã hành xử như thế vì tôi quan niệm tôi có trách nhiệm với người Chủ bút (nhà thơ Viên Linh) và độc giả. Tôi cũng xin mạn phép được nói rằng tôi không chủ trương hạ nhục hay cố ý làm đau đớn một tác giả mà tôi phê bình. Nếu như tôi là người ác độc, tôi đã có thể đề nghị bà Nguyện nên đổi tên  cuốn Daughters of River Huong (“Những người con gái của Sông Hương”) thành Bastards of the River Huong (“Những Đứa Con Hoang của Sông Hương”). Tại sao vậy? Theo mục lục tên tuổi nhân vật in ngay trên mấy trang đầu của bản tiếng Anh thì nhân vật Huyền Phi sinh năm 1895, vào cung khoảng 15-16 tuổi nhưng lại sinh hai đứa con gái song sinh vào năm 1905, nghĩa là lúc ấy bà Phi này mới có 10 tuổi! Chưa hết, bản dịch tiếng Việt đề năm sinh của bà Huyền Phi là 1985 (trang 17), (nghĩa là kém ông vua-chồng 110 tuổi và kém hai cô con gái đến …80 tuổi mà anh đã phải nêu ra sau này trong một văn kiện gửi lên Tòa)! Nhưng tôi đã nhân nhượng và chỉ đề cập đến những chi tiết quan trọng mà tôi cho rằng cần phải lên tiếng vì chúng liên quan đến cộng đồng và văn hoá Việt Nam. Gần hai năm sau khi gửi thư lên Diễn đàn Nuoc_Viet vận động độc giả, bà Nguyện khởi đơn kiện như đã kể trên. Riêng tôi, tôi chưa bao giờ làm cái việc mà tôi gọi là đôi co như thế, là gửi thư lên các Diễn đàn bàn tán lỉnh kỉnh một cách vô căn cứ về người phê bình mình, hay nhẩy vào “ăn có” về những vấn đề mình không có chút kiến thức hay hiểu biết nào cả.

   Phần Khởi Hành, tôi sẽ xin được dành cho ông Chủ nhiệm Viên Linh phát biểu tự sự về vụ kiện và sự liên lạc với anh. Phần tôi, tuy anh không quen tôi, nhưng sau khi được sự giới thiệu của nhà thơ Viên Linh và sau khi đọc hai bài đó, anh đã tỏ ngay sự hào hiệp và nhận lời bênh vực không công cho tôi. Cách đây đúng một năm, cũng vào mấy ngày trước Lễ như thế này tôi đã rất mừng và hết bối rối khi anh xác nhận với tôi, là để bảo vệ quyền tự do phát biểu, anh sẽ chu toàn mọi sự và tôi chớ nên nghĩ ngợi gì xa xôi. Trong hơn một năm qua, anh đã phải tốn kém nhiều công lao đối phó với một vụ kiện dai dẳng nhưng lúc nào anh cũng vui vẻ và trấn an chúng tôi. Tuy không thuộc ngành Luật nhưng tôi có thể hiểu rằng công việc của anh trong vụ án này không dễ dàng vì tính cách khúc mắc của nó. Một người rất thân của tôi, cũng hành nghề luật sư tố tụng với nhiều năm kinh nghiệm ở California, nói rằng để đại diện cho tôi ở Houston, tôi sẽ cần tới một luật sư thông thạo cả hai ngôn ngữ, hiểu biết về cả hai văn hoá và bén nhậy ở pháp đình. Ngày 19 tháng 7 năm 2008, nhà thơ Viên Linh và tôi có dịp gặp anh khi chúng ta ra hầu tòa tại pháp đình Houston. Người Việt mình có câu “Vô phúc đáo tụng đình” nhưng với tôi, chưa chắc đúng. Nếu không có vụ kiện này, tôi sẽ không có dịp hiểu rõ anh hơn, biết thêm tới một khía cạnh tích cực của những người Việt có bằng, dấn thân hoạt động cho cộng đồng mà lại sẵn sàng bỏ thêm công sức, hy sinh thời giờ đáng lẽ dành cho gia đình mà làm việc một cách vô vị lợi để cứu giúp người khác.

   Anh có xuất bản cuốn Luật Pháp Hoa Kỳ tại Bang Texas (2003) giải nghĩa rành mạch về hai ngành luật Hình và Hộ tại Texas. Tôi xin anh giảng nghĩa cho chúng tôi biết thêm trước là về diễn tiến vụ kiện để thông báo cùng độc giả và thân hữu Khởi Hành, sau là cho chúng tôi học hỏi về loại kiện tụng này, coi như một kinh nghiệm chung.

   Luật sư Hoàng Duy Hùng: Ở Hoa Kỳ có nhiều ngành luật nhưng chung quy chỉ có vài nhánh chính đó là luật gia đình, di trú, hình sự và dân sự (hộ).

   Hình sự (criminal) là do sự truy tố của chính phủ trên các bị can để trừng trị các tội ác như trộm cắp, cướp của giết người, ẩu đả, bạo hành trong gia đình, sờ mó trẻ em dưới vị thành niên, uống rượu say lái xe, v.v.  Hộ hay cũng được gọi là dân sự (civil law) là do sự truy tố của người dân với người dân về các vi phạm khế ước, thiệt hại danh dự, bất cẩn gây thương tích v.v.  Cũng có đôi lúc hình sự và dân sự trùng lắp với nhau, thí dụ như chính phủ truy tố hình sự giết người không đủ bằng chứng thì gia đình nạn nhân có quyền nộp hơ sơ truy tố dân sự cái chết sai trái (wrongful death) như trường hợp gia đình của người vợ quá cố Nicole Goldman đã làm với cầu thủ bóng dục O.J. Simpson. Tiêu chuẩn bằng chứng ở bên hình sự cao hơn nhiều, ở mức độ beyond a reasonable doubt, tức là vượt quá sự nghi ngờ bình thường, còn ở bên dân sự thì chỉ cần có preponderance of the evidence, tức là có đôi chút lý chứng là đã đủ.  Ở bên hình sự cần có 12/12 bối thẩm viên kết án đại hình thì bị can mới có tội, còn bên dân sự thì chỉ cần 10/12 bồi thẩm viên kết án là đã đủ.

   Ở Hoa Kỳ, làm thiệt hại danh dự (defamation) người khác là dân sự.  Có những quốc gia quy định làm thiệt hại danh dự là hình sự như ở bên Anh, Canada, Làm thiệt hại danh dự bằng lời nói, tức là dựng chuyện đi nói xấu người khác qua các câu chuyện thường ngày, điện thoại, hay ngay trên các đài phát thanh thì đó gọi là vu khống (slander).  Làm thiệt hại danh dự trên giấy trắng mực đen thì được gọi là mạ lỵ (libel). Những yếu tố để làm nên vu khống hay mạ lỵ là nói một điều sai sự thật về người khác với ác ý làm tổn thương danh dự của người đó.  Thí dụ, ông A nói rằng “bác sĩ B trong lúc chữa bệnh đã hiếp dâm cô C” mà trong thực tế không có điều đó thì câu nói này là vu khống.  Tuy nhiên, nếu ông bác sĩ B làm chuyện này thiệt thì đây không còn là sự vu khống mà là tố cáo tố ác.  Ý kiến về việc làm hay tác phẩm của một người khác, dầu đó là ý kiến tồi tệ, không phải là vu khống hay mạ lỵ.  Thí dụ, ông A cho rằng bác sĩ B là một bác sĩ không giỏi tay nghề không phải là vu khống.  Thí dụ khác, ông A cho rằng bác sĩ B viết sách quá tồi, nội dung không hấp dẫn thì cũng không phải là vu khống hay mạ lỵ.

   Sau khi học xong và thi đậu bằng hành nghề, các luật sư chọn ngành thích hợp với cá tính của mình.  Trong 100 luật sư thì khoảng 10 luật sư là luật sư tố tụng (lititigator) vì phải ra tòa trong các buổi điều trần (hearings) và các phiên tòa (trials).  Luật sư tố tụng đòi hỏi năng khiếu tranh cãi, nhạy bén, và hùng biện. Đa phần các luật sư chọn làm cố vấn cho các công ty, đi dạy học, hoặc ở nhà làm giấy tờ vì làm luật sư tố tụng rất mệt óc, biết nhiều và suy nghĩ nhiều.  Nếu không phải là luật sư tố tụng thì nhiều khi sơ sót rất nhiều trong các thủ tục.  Luật sư hùng biện hay tố tụng giỏi không phải là luật sư viết đơn dài dòng, mà chỉ cần cô đọng lại trong vài trang, xoáy thẳng vào những điểm mình muốn nói.  Nhiều người cứ tưởng viết dài thì tỏ ra kiến thức và mình “có cơ sở” nhưng thật ra những luật sư tố tụng chuyên nghiệp thấy rằng đó chỉ là những “tay mơ” bước vào nghề. 

   Cá tính tôi thích xông pha nên tôi trở thành luật sư tố tụng.  Tôi hành nghề đã 12 năm, trong 12 năm đó tôi đã có nhiều phiên tòa của cả hình sự lẫn dân sự, thắng có, thua có, vui buồn lẫn lộn.  Thân chủ của tôi là người da trắng, da đen, Iran, Iraq, Mễ và đa phần là Việt Nam.  Tôi tính tiền thân chủ Việt Nam rẻ hơn người ngoại quốc vì lúc nào cũng phải bớt giá cho đồng hương.  Một năm tôi dành ra 40 giờ để làm luật sư miễn phí giúp đỡ cho những người nghèo.

   Sau khi tôi đọc qua 2 bài viết trên báo Khởi Hành ý kiến về tác phẩm của giảng sư luật Dương Như Nguyện, tôi quyết định biện hộ miễn phí vì những lý do sau đây:

   1.     Hai bài viết đó không có sự kiện tấn công cá nhân (personal attacks) mà chỉ là những ý kiến về tác phẩm của bà Dương Như Nguyện.  Những ý kiến này chính là Đệ Tứ Quyền của báo chí được bảo vệ bởi Hiến Pháp Hoa Kỳ và Texas. 

   2.     Những bài viết đó không có gì là quá đáng, chỉ giúp cho chính tác giả và độc giả thấy những sai lầm để mà sửa chữa lại.  Nếu ai chỉ cho tôi thấy những sai trái trong bài viết của tôi, tôi mừng và cám ơn để sửa chữa và tôi cho rằng người đó giúp tôi hơn là làm thiệt hại cho tôi.  Nhân vô thập toàn, nếu mình sai thì mình sửa, làm như vậy theo thiển ý của tôi độc giả thay vì coi thường mình họ càng kính trọng mình hơn.

   3.     Tôi thấy những góp ý trong hai bài viết đó rất chân thành, đúng đắn, và rất chuyên nghiệp.

   4.     Báo Khởi Hành làm công việc của giới cầm bút gắng cung cấp những món ăn tinh thần bổ ích cho các độc giả lại phải gặp cơn bão dữ tố tụng tại tụng đình, làm báo đã nghèo mà không có người giúp đỡ thì coi như người khác sử dụng khả năng chuyên môn để bịt miệng truyền thông, bịt miệng tự do ngôn luận.  Tôi chống lại Cộng Sản là chống bất công, chống đàn áp ngôn luận, ngay trước mắt tôi, tại xứ sở này, có người dùng khả năng chuyên môn để bịt miệng tự do ngôn luận của kẻ khác, tôi phải đứng ra bênh vực kẻ yếu thế.

   Bà Dương Như Nguyện là một giảng sư luật ở Denver, Colorado.  Nếu bà chơi đẹp thì bà kiện báo Khởi Hành ở Nam California để cho báo Khởi Hành dễ dàng đi lại thuê mướn luật sư. Nhưng đàng này bà lại về Houston nộp hồ sơ kiện, báo Khởi Hành phải tốn kém rất nhiều.  Báo Khởi Hành không có khả năng tài chánh thuê luật sư, mà thủ tục tố tụng thì lại phức tạp, báo Khởi Hành chỉ có nước giơ hai tay chịu trận, thua về thủ tục, và có thể bị xử khiếm diện.

   Thêm vào đó, đây là vụ thiệt hại danh dự mà bài viết lại bằng tiếng Việt.  Người đâm đơn kiện lại là một giảng sư luật, nhà văn, từng làm chánh án của thành phố Houston, lướt qua trên bề mặt, Tòa dễ có cảm tình với nguyên đơn (plaintiff).  Bị đơn (Defendants) là những nhà văn và Khởi Hành thì ở mãi phương trời xa xăm, Nam California, không tài chánh, mà cũng có những nhà báo tung tin thất thiệt “làm báo nói láo ăn tiền” dễ dàng làm Tòa không có thiện cảm.  Bài viết chưa được dịch sang tiếng Anh, chỉ thấy hồ sơ kiện cả trăm trang đính kèm cả hàng ngàn trang tài liệu, cả luật sư Mỹ và chánh án Mỹ không đọc được tiếng Việt phải rùng mình, chắc báo Khởi Hành viết gì ghê gớm lắm nên hồ sơ mới “dữ dằn” như vậy.  Khởi Hành mà không có luật sư giỏi tiếng Việt thì chỉ có nước “đi mò tôm” mà thôi.

   Ôi, âu đó cũng là cái số của Khởi Hành, tôi cảm thương nên tôi nhận giúp đỡ với ý nghĩ là bảo vệ tự do ngôn luận cho các cơ quan truyền thông báo chí Việt ngữ.

   Có người hỏi tôi không thù không oán với giảng sư luật Dương Như Nguyện thì tội gì mang họa vào thân, không sợ bà ấy giận à?  Tôi là luật sư tố tụng, hành nghề chuyên nghiệp, tôi làm theo đúng nguyên tắc thì có giận tôi tôi cũng chịu.  Có người hỏi tôi bà Dương Như Nguyện là giảng sư luật, tôi có đủ khả năng để “đụng” với giảng sư luật hay không?  Như tôi đã trình bày ở trên, luật sư tố tụng khác với các giảng sư luật cũng như các luật sư ở nhà làm giấy tờ.  Tôi đã từng thụ lý nhiều hồ sơ tranh tụng về Defamation, tôi đã từng làm cho các luật sư Hoa Kỳ đã phải lúng túng ngay tại phiên tòa, tôi tin vào khả năng của tôi, và nếu không có tự tin, tôi không nhận hồ sơ giúp Khởi Hành.

   ***

   Lúc đầu, tôi phân vân làm thế nào giúp báo Khởi Hành mà lại có thể giảm bớt đi nghiệp quả giữa bà Dương Như Nguyện và tờ báo nên tôi đã nói rõ với chị Tà Cúc là tôi chưa muốn aggressive ngay.  Đơn trả lời đầu tiên và tố ngược tôi viết chỉ có vỏn vẹn 2 trang giấy. Đọc qua thì thấy rất tầm thường, nhưng đầy đủ thủ tục pháp lý.  Như tôi đã trình bày với ông chủ nhiệm Viên Linh, Tòa rất thích có thẩm quyền xử (jurisdiction) trên các nguyên đơn, nhất là Khởi Hành đã phát hành tại Houston, do đó, Tòa đã có phán quyết tòa có thẩm quyền trên vụ án này. 

   Sau khi Tòa phán quyết có thẩm quyền để xử vụ án, tôi làm Đơn Yêu Cầu Nguyên Đơn Viết Lại Đơn Kiện (Motion For Special Exceptions).  Tôi yêu cầu chuyện này vì trong hàng trăm trang giấy bà Nguyện viết đơn, tôi không thấy bà nêu ra một sự kiện nào cho thấy Khởi Hành đã sai trái, tấn công cá nhân bà ấy hay mạ lỵ bà ấy.  Tòa đồng ý với nhận định của tôi, buộc bà Nguyện phải viết đơn lại.

   Sau khi bà Nguyện viết đơn lại, tôi thấy bà cũng không nêu lên được sự kiện nào gọi là mạ lỵ, tôi viết Đơn Xin Xử Chung Thẩm (Motion For Summary Judgment).  Sau khi đọc đơn của tôi, nghe tôi và bà Nguyện điều trần trước Tòa, Tòa phán quyết bà Dương Như Nguyện không có gì để mà kiện báo Khởi Hành cả.  Hôm ấy chủ nhiệm Viên Linh và chị Tà Cúc có mặt để quan sát và chứng kiến những lời Tòa đã  “răn đe” bà Dương Như Nguyện là đừng có ex-parte với tòa, tức là, mọi vấn đề trình nộp tại tòa là phải trao một bản hồ sơ cho luật sư đối phương. Tòa “dismiss all of Plaintiff’s claims,” nghĩa là, Tòa bác bỏ tất cả những khiếu kiện của nguyên đơn Dương Như Nguyện.  Trong khi đó, đại diện cho báo Khởi Hành, tôi nộp đơn tố lại bà Dương Như Nguyện tội harassment (quấy nhiễu), frivolous lawsuit (kiện tụng cách nhỏ mọn), và declaratory judgment (phán quyết minh bạch). 

   Đang là nguyên đơn bà Dương Như Nguyện trở thành bị đơn.  Phiên tòa tới, bà Dương Như Nguyện không có quyền nói đến những khiếu kiện của bà ấy, bà chỉ có trả lời về hành vi quấy nhiễu của bà ấy đối với Khởi Hành.

   Sau khi thắng Summary Judgment vào tháng 7, 2008, tôi viết thư cho bà Dương Như Nguyện đề nghị bà ấy đừng quấy nhiễu Khởi Hành nữa, nhất là đừng có hù dọa đem nộp đơn kiện ở các tiểu bang khác như Colorado vì như vậy là vi phạm nguyên tắc Res Adjudicata, và nếu bà Nguyện đồng ý điều này, tôi sẽ tha cho bà, nộp đơn bãi nại.  Tôi muốn giải trừ nghiệp chướng (karma) giữa bà và báo Khởi Hành, nhưng bà không chịu.  Tôi hơi ngạc nhiên vì bà đã thua, bà bị kiện lại chớ đâu phải là nguyên đơn. 

   Bà Dương Như Nguyện thuê Tổ Hợp Luật Sư Mendell để đại diện cho bà.  Tổ hợp luật sư này xin Tòa hoãn lại phiên tòa vì bà Dương Như Nguyện bị bệnh rất nặng.  Tòa đồng ý dời ngày tòa lại sang tháng 5/2009.  Luật sư Mendell nộp hồ sơ Xin Tòa Xét Lại Quyết Định Chung Thẩm.  Đáng lẽ đơn này Tòa cứu xét vào ngày 29/12/2008, nhưng sau khi tôi nộp hồ sơ phản bác, thì chiều áp ngày Noel, luật sư Mendell lật đật fax cho văn phòng tôi thông báo rút lại hồ sơ này, đợi một ngày khác.  Như thế, cho tới ngày hôm nay, bà Nguyện là người bị kiện chớ không phải là người đi kiện kẻ khác.

   Đầu tháng 12 năm 2008, theo TRCP 42, tôi đã gởi cho văn phòng luật sư Mendell lời đề nghị giải nghiệp cho bà Dương Như Nguyện, báo Khởi Hành cho bà hạn 14 ngày để nhận điều kiện không được quấy nhiễu báo Khởi Hành nữa thì báo Khởi Hành tha cho bà.  Trong một buổi điều trần, tôi gặp luật sư đối phương, báo cho luật sư đối phương hạn ấy đã hết.  Như vậy, thiện chí giải nghiệp cho bà Dương Như Nguyện với báo Khởi Hành coi như chấm dứt, bà không thể trách tôi đã không tiên lễ hậu binh.

   ****

   Đó là những điểm chính của vụ kiện báo Khởi Hành, và như tôi đã viết ở trên, hiện nay Tòa đã phán quyết bà Nguyện không có gì để kiện báo Khởi Hành cả, và báo Khởi Hành đang là nguyên đơn kiện bà Nguyện về tội quấy nhiễu. 

   Lời Kết:  Bản thân tôi trong 20 năm qua bị người ta dựng chuyện vu khống là cộng sản nằm vùng, gian ác, nhận tiền của Việt Cộng, giật tiền, v.v. không biết bao nhiêu mà kể.  Có những vụ án, kẻ dựng chuyện đã phải viết thư công khai xin lỗi tôi.  Có vụ án Tòa phán quyết kẻ mạ lỵ tôi có ác ý.  Cách đây vài năm, tôi ngẫm nghĩ đi nghĩ lại, đời người chóng qua, thôi, tôi bỏ qua hết, nộp hồ sơ tại Tòa tha cho những người Tòa đã ra phán quyết.  Khi làm xong điều này, lòng tôi cảm thấy nhẹ hẳn lại.  Trong 2 năm nay, không biết bao nhiêu người dựng chuyện mạ lỵ tôi, tôi cảm thấy an nhiên tự tại vì vàng thật không sợ lửa, miệng người đời nói bậy về mình mà mình không phải như vậy thì lo gì.

   Hạt ngọc bị người ta lầm tưởng đem đi trét bùn nó vẫn là hạt ngọc.  Cục đá mà người ta lầm tưởng là hạt ngọc đưa lên cao thì nó vẫn là cục đá.  Hạt ngọc đẹp là hạt ngọc đã được mài dũa.  Những lời chói tai và những phê bình chính là đôi dũa tinh xảo giúp cho ngọc được sáng đẹp hơn.

   Nguyễn Tà Cúc: Xin cảm ơn Luật sư và xin Ơn Trên ban phước cho Luật sư và gia đình cùng lời chúc Cộng Đồng Houston tiến mạnh.         
 

  •  Nguyễn Tà Cúc.
[1] Người viết sử dụng chữ Biển –Ngoài (thay cho chữ “Hải ngoại” vẫn thường dùng) vì nhận thấy rằng chữ Biển –Ngoài vừa là tiếng Việt, vừa có ngụ ý xúc tích hơn. Chữ “Hải ngoại” có thể dùng bất cứ lúc nào nhưng theo ngu ý của người viết, chữ Biển-Ngoài nói lên được tình cảnh hai lần vượt thoát bằng đường biển của người Việt khỏi ách nạn Cộng Sản (một vào năm 1954 và một vào những năm trong hai thập niên 1970 và 1980). Chữ “Biển-Ngoài” là của nhà văn Mặc Đỗ.

[2] Hoàng Duy Hùng, trang xiii