Để theo dõi tin tức bình luận sinh hoạt nữ trí và văn học,
văn học và đại chúng, mời đọc:

NGƯỜI MỚI

Diễn Đàn Văn Học và Phụ Nữ - Nguyễn Tà Cúc chủ trương.

Những Lằn Ranh Văn Học 
Nguyễn Tà Cúc
1954.  
NGƯỜI Ở LẠI 

Một sông Gianh mới chia lìa hai bờ Nam Bắc. Người ở lại Phan Khôi, Trần Tiêu, Ðoàn Phú Tứ, Ðào Duy Anh, Trần Thanh Mại, Hữu Loan, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Mạnh Tường, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính... tưởng vẫn được làm thơ viết văn. Cho đến khi Trăm Hoa, Giai Phẩm, Nhân Văn và Văn bắt đầu có những bài của Nguyễn Hữu Ðang, Phùng Quán Trần Dần, Phan Khôi, Lê Ðạt đặt dấu hỏi về sự lãnh đạo của đảng cộng sản vào cả văn học nghệ thuật thì không còn tương nhượng giữa nhà cầm quyền và nhà cầm bút. Sự tương nhượng lúc đầu chỉ là thời gian chuyển tiếp. Khi tình trạng chính trị ổn định, khi miền Bắc thanh bình để sửa soạn một cuộc can qua mới, khi mục tiêu đã hoạch rõ, khi chương trình dài hạn đã thảo ra, văn nghệ sĩ miền Bắc không có lý do gì được đứng ngoài bộ máy chiến tranh, đi lạc khỏi chỗ mà người nắm quyền đã khuyên sẵn cho họ trong ván cờ sát phạt. Kết quả là những hoạn nạn rồi ra sẽ tàn phá văn học cũng như sự nghèo đói, túng thiếu về kinh tế đã tàn phá xã hội miền Bắc. Miền Bắc như một anh khổng lồ, dồn hết nguồn sống vào hai tay để đánh vật. 

NGƯỜI RA ÐI

Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, Mặc Ðỗ, Ðỗ Ðức Thu, Lê Văn Trương, Vi Huyền Ðắc, Tam Lang Vũ Ðình Chí, Nhất Linh, Vũ Bằng... góp phần xây dựng một nền văn học mới với các nhà văn trong Nam như Hồ Hữu Tường, Ðông Hồ, Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Hiến Lê, Sơn Nam...Ðây là một trong những thời cực thịnh của văn chương Việt Nam, cống hiến lớp trái đầu mùa tốt tươi của lớp mới, trẻ tưổi hơn, hoặc sinh trưởng ngay địa phương hoặc di cư từ Bắc vào: Bùi Giáng, Mai Thảo, Nguyên Sa, Thanh Nam, Lê Xuyên, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nhật Tiến, Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh, Lê Tất Ðiều, Nguyễn Ðức Sơn, Nguyễn Ðình Toàn...  

Ở miền Nam, một nửa nước còn được chọn tự do, thì văn chương không bị cầm tù, không bị chỉ đạo.  
 
Anh không phải viết về chiến tranh, về những hình nhân đang xuất hiện trên trang nhất nhật trình nếu anh không muốn. Anh có quyền tự cùm chân trong chiếc vườn địa đàng của riêng mình hay đi lang thang trong cõi phù sinh. Có khi anh viết những câu tối mù mù như chiếc đèn dầu con con anh thắp mỗi đêm để đọc sách. Viết xong anh ngâm ư ử, cười ha hả. Thập loại chúng sinh có phải nghe lây cũng không hề gì. Chẳng phải họ vẫn cho các anh là một đám cuồng "mơ theo trăng" và "thơ thẩn cùng mây" sao? Ngòi bút là vũ khí ư? Các anh có giết được ai với thứ vũ khí ấy bao giờ chưa? Ðám lê dân chỉ biết đến anh qua Thơ Say hay Mê Hồn Ca. Họ tin- mà có phần đúng- mỗi anh còn luẩn quẩn trong thị trấn của riêng anh nơi đôi mắt huyền của mỹ nhân vẫn còn long lanh, nơi cặp môi son ngậm chặt đươcï câu thần chú mở đuơcï cửa linh hồn các anh. Có điều linh hồn các anh không phải lúc nào cũng là anh hay ở với anh. Có khi nó là ma hay là Trời 
 
Gió mời lên phải may 
Trăng dìu lên phải đầy 
Trà đang lên phải là khói 
Thơ ngâm lên phải là mây 
Ðốt đèn lên phải ma hiện 
Trời vào khuya người phải nằm say 
Ma là Người...kiếp khác 
Người là Trời...đêm nay 
(Vũ Hoàng Chương, 1973) 
 
Có khi nó ở hẳn chỗ khác, trong tiếng súng ầm ì, các anh vẫn loay hoay, tý toáy với ngòi bút. Anh bàn chuyện thế sự, chuyện nhân tình. Văn chương các anh có lúc dịu dàng, có lúc cáu kỉnh. Ðám lê dân đọc các anh có lúc cũng dịu dàng, có lúc cũng cáu kỉnh. Xem chừng anh viết toàn những câu buồn rười rượi: 
 
Ở đây sầu đã tan tành 
Người đi chưa đủ về quanh chiếu ngồi 
(Viên Linh) 
 
Thế thì cái chí lớn, chí cả đâu rồi? Hồ Trường lại không biết rót về đâu chăng? Chính anh cũng tự thú: Tôi bây giờ chỉ chờ ngày chết thôi. Lắm lúc muốn tự tử. Thơ không viết nữa. Giá viết cũng không người đọc... 
 
Vũ Hoàng Chương trả lời thế khi Nguyễn Mạnh Côn phỏng vấn năm 1970. Ðó là năm 1970. Những văn nghệ sĩ miền Nam tự do có quyền chọn viết hay không, sáng tác hay ngưng, trình diễn hay thôi. Không ai đặt vấn đề. Mà nếu có, sẽ không phải là nhà cầm quyền. Khi chính phủ Nguyễn Văn Thiệu (đệ nhị cộng hòa) muốn cắt ngân khoản tài trợ cho hội Bút Việt (tức là Văn Bút Việt Nam) lấy lý do vài nhà văn trong hội đã chỉ trích chính quyền; linh mục Thanh Lãng, chủ tịch hội Văn Bút, lập tức có thái độ: 
 
-...từ 18 năm nay, tức là từ ngày có Văn Bút, từ đầu năm 1957, hàng năm ngân sách quốc gia vẫn đài thọ cho Văn Bút một ngân khoản để sinh hoạt nội bộ và để đi dự hội nghị quốc tế. Ngân khoản đó đã từng được đưa ra thảo luận tại quốc hội...Theo quan niệm đại học, ngân sách quốc gia phải đài thọ Văn Hóa cũng như đài thọ cho Y Tế... 
 
(đăng ở Tạp Chí Nhà Văn, Saigon, số tháng 2.1975, trang 118- Trích lại từ Văn Học Miền Nam Tổng Quan, Võ Phiến, Hoa Kỳ, trang 41). 
 
Nghĩa là nhà cầm quyền có bổn phận phải nuôi dưỡng và khuyến khích sự sáng tác mà đại diện là hội nhà văn Văn Bút. Ngoài ra không thể chỉ định đề tài cũng như kiểm duyệt nội dung sự sáng tác. Ở một nước đang có chiến tranh, ông Bùi Giáng vẫn ngồi ở hậu phương làm những câu thơ cực kỳ bí hiểm:" Hãy mang tôi tới bất ngờ. Giết tôi ngẫu nhĩ trong giờ ngẫu nhiên" (Cầu Nguyện Ca). Oâng Thanh Tâm Tuyền hậm hực gọi tên mình: "tôi hét tên tôi cho nguôi giận..." Oâng lính trận Nguyễn Bắc Sơn công khai trình bày cảm tưởng: 
 
...Ði hành quân rượu đế vẫn mang theo 
Mang trong đầu những ý tưởng trong veo 
Xem chiến cuộc như tai trời ách nuớc 
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước 
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi 
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi 
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí 
(Chiến Tranh Việt Nam vàTôi) 
 
Toàn kiểu ăn nói của những người "ra vẻ" đứng ngoài cuộc chiến. Cái không khí sôi sùng sục đòi Bắc Tiến, những lời kêu gọi tha thiết kiểu "Anh đi chiến dịch xa vời. Lòng súng nhân đạo cứu người lầm than..." tự nhiên chìm hẳn trong bao suy nghĩ, thắc mắc khác về thân phận con người, về "cái tôi" tách rời khỏi chiến tranh. Trong khi miền Nam nhộn nhịp nhốn nháo với sự có mặt của nhiều người viết, tràn ngập với tác phẩm đủ mọi loại thì văn học miền Bắc yên lặng, âm thầm như những đoàn quân mang dép Bình Trị Thiên bí mật vượt Trường Sơn xâm nhập vào miền Nam. Ngoài những người cầm bút tự động đổi máu văn nghệ xanh thành chính tri đỏ, số còn lại hoặc bị tống vào tù khổ sai, hoặc bị đe dọa đầy ải đến nỗi ngưng sáng tác như Phan Khôi đã dẫn: "...Còn Thế Lữ, có lần tôi hỏi tại sao anh không làm thơ như trước kia. Anh trả lời rằng đợi đến bao giờ anh chỉnh lại được tâm hồn, cảm thông được với quần chúng quần lao, bấy giờ anh sẽ làm" (Phê Bình Lãnh Ðạo Văn Nghệ, 1956) 
 
Vụ án Giai Phẩm, Nhân Văn, Văn gây ra bởi sự chống cự của văn nghệ sĩ miền Bắc (1956-1958) kết thúc bởi sự im lặng hoàn toàn của họ. Ða số bị đem tới "học tập lao động" ở khu Việt Bắc âm u, "trước là trung tâm cách mạng, nay lại trở lại nơi giam cầm chính trị phạm" (Trăm Hoa Ðua nở Trên Ðất Bắc, Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản, Saigòn, 1959) 
 
Những kẻ sĩ miền Bắc nếu không tự tử suýt chết (Trần Dần) thì cũng lui về ẩn náu, hấp hối trong hang hốc của vườn địa đàng đã bị thiêu rụi. (Văn Cao). Bởi thế, khí thế dũng mãnh và ảnh hưởng của các nhà văn tiền chiến thời kháng chiến chống Pháp, điển hình là Nhượng Tống, Phan Khôi hay nhóm Tự Lực Văn Ðoàn thoắt cái bị tẩy xóa hoàn toàn. Sau hai mươi năm (1954-1975) có lá cờ đỏ bay trên Hà nội, không có nhà văn nào xuâát bản được mười mươi tác phẩm, chỉ khoảng vài ba. Sở dĩ có hiện tượng này vì nhà văn miền Bắc đuơcï đối xử như một thứ nhân viên của nhà nước. Các tác phẩm của họ có xuất bản được hay không là do sự quyết định cũng của nhà nước.  
 
Cho nên :"nếu viết lách thì phải có danh lớn, hoặc bồ bịch, hoặc bè phái thì mới hy vọng được in, vì vậy ta thấy có nhiều cuốn có lời đề tựa của một "anh lớn", thứù trưởng, viện trưởng nào đó, điều đó tối kỵ ở trong Nam...(Hồi Ký, Tập III, Nguyễn Hiến Lê, trang 177) 
 
"Ở trong Nam", ông Nguyễn Hiến Lê vừa viết, vừa dịch gần một trăm hai mươi tác phẩm, ông Bình Nguyên Lộc cho ra mắt bạn đọc hơn năm mươi tác phẩm từ khảo cứu đến tiểu thuyết. Thuộc vào hàng mạnh mẽ như Bình Nguyên Lộc, không thể bỏ qua Võ Phiến. Ðó là nói đến các người viết tương đối rảnh rang. Một số các tay viết mới, vừa cầm súng vừa cầm bút mà vẫn đều đặn sáng tác: 
 
Văn học ta từ mấy chục năm 
Viết trong khoiù lửa, đọc trong hầm 
Nhà văn cầm súng mau hơn bút 
Máu chảy từng trang mực cũng bầm 
(Thủy Mộ Quan, Viên Linh) 
 
Ngoài những nhà xuất bản của tư nhân như Khai Trí, Lá Bối, Nguyễn Ðình Vượng...rất nhiều tác giả kiêm nhà xuất bản như Nguyễn Hiến Lê (nhà Ðại Nam Văn Hiến), Bình Nguyên Lộc (nhà Bến Nghé), Võ Phiến (nhà Thời Mới), Sơn Nam và Ngọc Linh (nhà Phù Sa) nhóm Mặc Ðỗ, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng (nhà Quan Ðiểm)...  
 
Các tác giả có người như Viên Linh vừa là tác giả, vừa là chủ nhà in. Có lúc ông làm tổng thư ký tòa soạn tờ Tiền Tuyến, một tờ báo của quân đội. Lúc khác làm tổng thư ký tờ Khởi Hành tuy mang tiếng của hội Văn nghệ sĩ Quân Ðội (chủ nhiệm Ðại Tá Anh Việt Trần Văn Trọng) nhưng tuyền văn chuơng cũng như tờ Thời Tập mà ông làm chủ nhiệm. Có người như Nguyễn Hiến Lê chuyên chú vào việc biên khảo và dịch sách, không đả động gì đến chính trị hoặc thời sự. Trường hợp các tác giả này được dẫn ra đây như trường hợp điển hình, không phải về phương diện sáng tác mà về sự độc lập và tự do hầu như hoàn toàn mà các người viết miền Nam đã có, cũng từ 54 tới 75. 
 
1975.  
LẠI NGƯỜI Ở LẠI 
 
Tháng tư, 1975, nhà cầm quyền cộng sản trở thành nhà cầm quyền Việt nam khi quân đội miền Nam hoặc bị triệt hạ, hoặc phải buông súng.  
 
Cũng như 1956, Chính Trị sẵn sàng dậy lại bài học đẫm máu cho Văn Nghệ. Nhà nước vẫn đinh ninh rằng lần này hẳn càng không gặp khó khăn gì. Những kẻ có công với cách mạng như Phan Khôi, Văn Cao còn bị đầy đọa, làm cho cất đầu chẳng lên; những người từng trải mật phơi gan theo kháng chiến nay đã ngoan ngoãn phục tùng thì xá gì các anh nhà văn miền Nam?  
 
Các anh từng là những người bị kết án đồi trụy, hưởng lạc, quen thói hưởng thụ kiểu tiểu tư sản, chỉ biết làm thơ ái tình...thì sao dám chống lại nhà nước? 
 
Mở màn vẫn là những cuộc truy lùng và khủng bố. Tác phẩm chịu chung số phận với tác giả. Những nơi lam sơn chuớng khí lại có dịp tiếp đón những người tù văn nghệ mới.Trừ số đã thoát đi, số ở lại sẽ phải chịu đựng sự trả thù, đàn áp dai dẳng và dã man chưa từng có trong lịch sử Việt. 
 
Người cộng sản chờ đợi sự khuất phục toàn diện của họ. Nhưng câu trả lời là một sự chống lại can đảm và dai dẳng không kém. Vũ Hoàng Chương, môt nhà thơ gày gò yếu đuối, vẫn quen sống đài các, mài miệt cuộc đời bên Thơ và Khói mới năm năm trước đây tỏ ý chán làm thơ, bỗng làm thơ trở lại. Không phải thơ Say mà là thơ miệt thị giới lãnh đạo và cho phổ biến công khai. Oâng bị giam cầm đến kiệt quệ tàn hơi nhưng vẫn chịu đựng đến phút cuối cùng. Bùi Giáng, có những cơn điên rất tỉnh như mặc áo lính cũ rong chơi ngoài đường. Lúc không điên, ông có thơ tặng như sau: 
 
Thu Ba ngồi cạnh Thu Bồn 
Thu Bồn cảm động, sờ...tay Thu Ba. (Thu Bồn là một nhà văn thuộc hội nhà văn VN- Thu Ba là một nghệ sĩ) 
 
Ở trong tù, anh vẫn sáng tác. Sáng tác để tự nuôi dưỡng, tự sống còn. , Trước đó hầu như miền Nam không có văn thơ "sát cộng." Loại văn thơ này vẫn bị coi như một thứ văn chương "tâm lý chiến", "anh tiền tuyến, em hậu phương"...nhà văn đứng đắn không can dự vào loại văn chương- ăn- lương đó. Những trận chiến đẫm máu, kinh hồn chỉ để lại những dòng thơ chán ngán khinh bạc. Nhưng bây giờ, bị lôi ra khỏi vườn địa đàng và ném vào tù, anh chỉ nhớ mỗi một điều: anh không còn tự do nữa. Chung quanh anh là bằng hữu, những kẻ rồi ra anh sẽ bắt buộc phải kể tên kể tội trong bản tự kiểm thảo. Hóa ra ngòi bút anh chỉ để dùng vào những việc đóc hèn thế sao? Anh quẳng nó đi, anh chịu bị cùm. Bình thường có lẽ anh cũng chẳng can đảm hơn ai. Nhưng đứng ngay trên bờ vực tử sinh ấy, anh chợt nhớ lại những ngày anh còn đượcï viết những điều anh nghĩ. Và trách nhiệm với những điều anh đã viết khiến anh không thể ruồng bỏ chính anh và phản bội bạn anh, Vả lại, anh không nuôi dưỡng bất kỳ thứ ảo tưởng nào về người cộng sản sau khi đã biết quá rõ về cuộc trừng trị những người viết miền Bắc, cuộc trừng trị đã làm trăm hoa chết khiếp, trăm nhà tắt tiếng. Chính sự "taté tiếng" ấy làm miền Bắc chết dở. Không riêng gì người viết mà đám lê dân cũng bị ngược đãi, cũng bị tàn hại. Nhưng sau một thời gian trong tù, anh nghiệm ra rằng với bao khổ hình đáng khiếp ấy, anh lại người chứng nếu anh may mà sống sót. Anh nhặt lại ngòi bút. Ðó là thứ vũ khí duy nhất người cộng sản không thể tịch thu hay phá hủy. Không giết đuoc ai nhưng ngòi bút đã đuổi được giặc, dư sức làm sụp đổ một chế độ. 
 
Những câu thơ lầm thầm trong trí óc, những câu thơ anh không ngâm ư ử được như ngày xưa nhưng đã có người nhớ hộ anh, nhẩm hộ anh và rao truyền cho bá tánh. Những câu thơ như những mũi tên bay vụt khỏi vùng đất ung nhọt nơi anh đang sống. 
 
Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp 
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu 
Mười năm mặt sạm soi khe nuớc 
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ... 
(Ta Về, Tô Thùy Yên) 
 
Cho đến bây giờ, vẫn chưa có nhà văn nhà thơ nào từ miền Nam chịu đầu phục bằng tác phẩm mới ca ngợi cộng sản hay chối bỏ, mạt sát tác phẩm cũ như một số nhà văn thời Giai Phẩm, Nhân Văn phải làm để thoát thân. Ngược lại, bằng cách này hay cách khác, trong hay ngoài tù, họ đều tìm cách phản kháng. Học giả Nguyễn Hiến Lê, người vẫn có cảm tình và tin tưởng vào sự trong sạch của chủ thuyết và đảng viên cộng sản, sau 1975 "va...thân xác ông đã vùi xuống quê hương miền Nam, nhưng tác phẩm của ông, tâm hồn của ông vẫn hướng về chúng ta; sự lầm lẫn trong đời ông cũng hướng về chúng ta mà bộc bạch, vẫn tiếp tục trước tác, nhưng tuyệt nhiên không cho in một trang sách nào dưới chế độ mới. Mọi bản thảo, di cảo của ông, một khi viết xong liền được chuyển ra hải ngoại {(trang XIII, Lời Nhà Xuất Bản, Văn Nghệ, Hoa Kỳ, 1988)  
 
Chỉ trong vòng ba năm đã có ba lần người cộng sản ra lệnh tịch thu và tiêu hủy sách, đốt sách. Có bao nhiêu lệ "khốc thư" sau khổ nạn "phần thư" ấy? Có bao nhiêu người đòi chết theo sách như Vương Hồng Sển (sđd)? Ông Nguyễn Hiến Lê, tuy đã thấy số phận của sách và của tác giả khác, vẫn không ngần ngại "kể tội cộng sản Việt Nam khúc chiết và toàn diện" (sđd) trong tập Hồi Ký gồm ba quyển, một trong những tác phẩm cuối cùng, hoàn thành chỉ ba năm trước khi ông qua đời. 
 
LẠI NGƯỜI RA ÐI 
 
Sau 1975, những sáng tác được chuyển ra ngoại quốc của Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Hải Thủy, Tô Thùy Yên và nhiều người dưới các bút hiệu khác là sự đóng góp quý hóa cho nền văn học Việt Nam ngoài nước, duy trì bởi số người cầm bút rời khỏi quê hương,  
 
Lúc đầu, người đi không tránh khỏi cái day dứt, dằn vặt, cái bẽ bàng của nỗi sầu mất nhà tan nước. 

Có anh bẻ bút vất vào một xó. Anh thề không viết nữa. Chữ vô dụng. Nghĩa vô dụng. Viết làm gì? Viết đưa ai, ai biết mà đưa? Anh thấm thía cái đau của kẻ bỗng nhiên không còn đất đứng. Quê là quê người. Anh đi đã xa lắm rồi. Không thể trở về nữa, đã như Từ Thức lạc mất Thiên Thai. Muốn lắm màkhông được. Anh không muốn nhớ gì cả. Nhất là thời gian, những chuỗi dài giây phút kéo đi lê thê. Anh mắc cạn ở một lòng sông khô nẻ, anh ngồi trì trệ một góc trong phần thần trí tối ám.  
 
Anh hỏi làm chi ngày với tháng 
Ðầu râu chưa bạc trí đà xiêu 
Tâm ta ta gửi bờ sông hận 
Còn xác ta trôi tựa cánh bèo 
 
Có phải ta còn ta đã mất 
Mười điều trung tín chín điều điêu 
Quê người họ Nguyễn rơi khăn nhỏ 
Một bệnh u cư ít hóa nhiều... 
(Nước Mặn, Viên Linh) 
 
Anh không muốn nhớ nhưng anh tưởng anh quên được sao? Vũ tướng tiêu sầu duy hữu tửu. Văn thần thoái lỗ cánh vô thi. Anh không phải là tướng võ nhưng có lần anh cũng say khật khưỡng . Mà không tiêu nổi sầu. Tri giác tê liệt, anh không làm nổi thơ, huống gì thơ phá giặc.  
 
Nếu bạn anh ở lại, chỉ nghĩ đến một điều, là tự do; thì ra đi anh cũng chỉ nhớ mỗi một điều, là quê nhà. Quê nhà có những con đường bụi mù anh đi lên đi xuống trong một buổi trưa hâm hấp nóng. Có Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau (Nguyễn Du). Có người yêu đến tìm anh, đi với anh trong cơn mưa sầm sập đầu mùa. Có "Ðá mòn rêu nhạt. Nước chảy huê trôi" (Tản Ðà). Có những hình tượng, hình bóng, chính hình bóng của anh nữa, về luẩn quẩn, lộn đi lộn lại trong ký ức như những vòng quay chậm chạp không ngừng của một chiếc đèn kéo quân mỏi mệt.  
 
Khi các ông vào tôi bẻ bút.  
Không khi nào nữa có văn chương. Như Kiều đã đến bờ sông hẹn. Thôi có cần chi phải nói hơn. (Thủy Mộ Quan, Viên Linh)  
 
Trong giấc ngủ lơ mơ, anh "giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò" (Trần Tế Xương) Anh đã là giọt nước lìa khỏi dòng sông. Anh trở thành nhà văn nhà thơ lưu vong, viết ngôn ngữ mình trên một đất nước hoàn toàn xa lạ. Rồi cũng như bạn anh ở lại, viết để sống còn; anh ra đi cũng viết để sống còn. Viết không riêng gì cho anh mà cho người ở lại, cho quê nhà. Ðã bao người cầm bút trước anh đã hành xử hệt như thế vì những câu thơ cực kỳ lãng mạn trong Tống Biệt Hành không chuẩn bị cho cái chết khốc liệt của tác giả Thâm Tâm, mất tích bên bờ sông Ðuống trong một lần Pháp oanh kích. Vũ Trọng Luật, Khái Hưng, Lan Khai bị cộng sản triệt hạ ngay từ những ngày đầu. Rồi bao nhiêu cái chết tương tự ở miền Nam như Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường... 
 
Những nhà văn Miền Nam như Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyên Sa, Viên Linh, Lê Tất Ðiều...ra báo văn học. Những nhà văn trẻ hơn lớp này một chút như Hà Thúc Sinh có những cuốn như "Ðại Học Máu" ghi lại tình trạng khổ nhục trong tù mà hầu như cả nước phải chịu. Loay hoay với những ràng buộc , eo sèo của đời sống, họ vẫn viết và thêm một điều chưa từng làm ở miền Nam: họ thành lâäp, tham gia những tổ chức để gióng lên tiếng nói cho nhà văn, cho dân tộc: Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Trần Tam Tiệp, Viên Linh thuộc Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại; Phan Lạc Tiếp và Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Xương thành lập tổ chức UŒy Ban Báo Nguy Cứu Người Vượt Biển; Hà Thúc Sinh sáng lập phong trào Hưng Ca...Thanh Nam làm Ðất Mới; Võ Phiến dựng Văn Học Nghệ Thuật; Mai Thảo chủ trì tờ Văn không ngớt nhắc nhở, dóng dả về anh em của văn học miền Nam còn ở lại và cố gắng của anh em ra đi...  
 
1989. 
KHÔNG THỂ VIẾT TỰ DO DÙ Ở NGOÀI TÙ 
 
Năm 1989, đại hội nhà văn Việt Nam họp lần thứ tư, đánh dấu lần đầu các nhà văn hội viên công khai chỉ trích chế độ. Cả người phê bình lẫn người bị phê bình đều là đảng viên hay cán bộ cao cấp, hoặc trung thành với đảng, có người tham dự trực tiếp vào cuộc đánh chiềm miền Nam mà họ gọi là "giải phóng miền Nam khỏi đế quốc Mỹ" dù cuộc đánh chiếm miến Nam này rõ ràng là một cuộc xâm lấn lộ liễu, nghiễm nhiên vi phạm tất cả những thỏa ước đã ký mà quan trọng hơn hết thảy là không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của dân chúng miền Nam là không muốn có sự có mặt của chế độ cộng sản. Hội nhà văn này dĩ nhiên không thu nhập các nhà văn tự do miền Nam. Trần Bạch Ðằng, người bị các nhà văn khác trong đại hội này ra mặt chống lại ("...Nhà văn Trần Bạch Ðằng là người mà trung ương cố đưa vào ban chấp hành hội nhà văn khóa này...lên diễn đàn cũng bị đại hội la ó không cho nói..."- Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương, trang 355) từng là Uûy Viên Trí Vận của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, từng thú nhận "nằm vùng " lén lút ở miền Nam khoảng 1956-1958: 
 
-[...] để phân tích "vụ án" kia vì bấy giờ tôi đang ở trong Nam, đang cởi trần truồng lội đêm giữa bốn bề đồn giặc để dự một cuộc họp Huyện Uûy ...(trang 464, sđd) .  
 
Người coi như can đảm nhất, có khí thế hăng hái nhất trong phong trào phản kháng là nhà văn Dương Thu Hương cũng tự xưng mình là một người lính "chống Mỹ" chống "đế quốc Mỹ", "xung phong vào Bình Trị Thiên"...(sđd, trang 194, 195).  
 
Phong trào phản kháng này gây sôi nổi một dạo ở ngoại quốc. Kẻ bênh người chống. Ðó cũng là lúc các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp rồi Bảo Ninh...bắt đầu có sự chú ý của độc giả ngoài nước. Một số tác giả mới viết ở ngoại quốc như Trần Vũ- được xem như có triển vọng văn chương (tài hoa, mạnh bạo... bởi những nhà phê bình như Ðặng Tiến trong phần nói chuyện với bà Thụy Khuê về "tình trạng văn học hải ngoại, việc giao lưu văn hóa, vai trò nhà văn Việt Nam ở nước ngoài..."-chữ của ông Ðặng Tiến- đăng trên Hợp Lưu số 18, tháng 8&9.1994, trang 57) đã hết sức thần phục những nhà văn này đến nỗi uốn lưng, giập đầu (Truyện Kiều, Nguyễn Du) mà "sáng tác " ra những câu sau đây : "Sợ, phục mê Nguyễn Huy Thiệp là mê trình độ, giá trị nghệ thuật của tác phẩm..." ,"...chính trình độ và tư duy cao đó làm người viết ở hải ngoại chùn tay...", "...sức tàn phá của văn chương quốc nội lên ngòi bút của những người ngoài nước..." (tài liệu của Bùi Vĩnh Phúc, Lý Luận và Phê Bình- Hai Mươi Năm Văn Học Việt Ngoài Nước 1975-1995, trang 623)  
 
Nhưng cũng riêng về khía cạnh văn chương ấy, các nhà văn kỳ cựu của miền Nam không ai lấy làm lạ. 
 
-... Những Thiên Ðường Mù là một phó sản của văn học miền Nam. Không có biến cố 1975, không "ngấu nghiến đọc văn chương miền Nam trong khi các bạn gái khác đi mua sắm son phấn, đồ lót " như cô từng xác nhận (tôi không nhớ nguyên văn), Dương Thu Hương không viết được cuốn sách đó...  (Nhà thơ Viên Linh tra ûlời Phỏng Vấn, Văn Học số 101, tháng 9.1994, trang 13) 
 
Nhà văn Mai Thảo, "trùm văn nghệ ", còn nói rõ hơn nữa: 

-...Tôi có đọc mấy cuốn của Dương Thu Hương, một hai cuốn của Phạm Thị Hoài, một vài truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Một số những sách của những tác giả vừa kể tôi thấy cũng là được thôi. Chứ không có gì là xứng đáng để gây chấn động hết....Và tôi chỉ thích có mỗi một điều là những lúc được trong văn của họ thì rất giống với văn chương mà họ gọi là "văn chuơng ngụy" của miền Nam Việt Nam...Tôi không nghĩ rằng mình nói như vậy là hơi quá, nhưng tôi nghĩ một phần như vậy là vì họ đã bắt chước cái cách viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn của những nhà văn miền Nam Việt Nam trước 1975...  (Mai Thảo trả lời Phỏng Vấn, 1993) 
 
Các nhà văn miền Nam trong nước có phản ứng gì về những dấu hiệu cho là "đổi mới, cởi trói" này. Ho suy nghĩ ra sao? Và phản ứng của nhà văn ngoài nước? 
 
1999. 
VĂN CHƯƠNG PHẢN KHÁNG? AI PHẢN KHÁNG? 
 
Hai mươi lăm năm là một thời gian dài, đủ để người ta có thể kiểm nhận những giả thuyết mà nếu không có yếu tố này và những biến cố đi kèm, sẽ không thể kết luận được. 
 
Chế độ cộng sản nay tuy đã biến đổi nhưng trên thực tế vẫn là một thứ bạo chúa, ngụy trang vào giáo điều cũ. Những người tù mới được thả ra như Thượng Tọa Tuệ Sỹ (hiện đang được Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất bổ làm Tổng Thư Ký Viện Hóa Ðạo) vẫn chưa được tự do phát biểu và di chuyển. Các người cầm bút miền Nam trước sau chọn một thái độ duy nhất: bất hợp tác và chống lại nhà cầm quyền cộng sản bằng cách hoặc không viết để không ai có thể tưởng lầm rằng đã có đổi mới hoàn toàn hoặc có viết thì (có khi) ký tên thật,viết sự thật và chuyển ra ngoại quốc cho in, cho phổ biến. Nhà cầm quyền không thể mỗi lúc mỗi cởi trói, mở rồi lại trói vì họ có để cho bị trói đâu? Họ có viết khi được "cởi trói" đâu?  
 
Ðó là thái độ mà nhiều nhà văn-dù can trường-không làm được, chỉ vì sức cám dỗ của văn chương: 
 
-.Nguyễn Quang Lập: [...] Tôi muốn hỏi lại, các anh đã bị đưa ra khỏi hội nhà năm, sau đó thành ba mươi năm. Tại sao khi người ta yêu cầu các anh viết đơn để được vào lại các anh lại viết?  
 
-Trần Dần: Lúc ấy, tôi thật khó xử. Nếu theo mạch của tôi, thì tôi ghi vào phản Nhật ký, là đốt hết và chết luôn, như nhà sư tự thiêu. Nhưng nghĩ lại mình tuổi già đã hết cái máu ấy rồi. 63 tuổi, nếu được hoạt động hai năm nữa cũng qúy rồi, cố mà ra khỏi đó. Sau đó có nhiều người chất vấn tôi mà tôi không trả lời được. Như thế quả là hèn thực. Ðáng lẽ là một Silence de la mort...  (Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương, trang 450) 
 
Tưởng tượng anh đã từng viết! Viết là sự quyến rũ réo gọi anh còn hơn đôi mắt thuyền của mỹ nhân. Không viết cũng có nghĩa là không được sống: làm sao anh ngoảnh mặt đi trước những chữ nghĩa mà anh từng ôm ấp? Nhưng anh tự nguyện không viết chỉ vì sự trung thành với chính lòng anh: khi không có tự do, là không viết. Mà nào anh đã có tự do.  
 
Cái không có tự do ấy được một nhà văn được coi là cấp tiến cả về văn chương lẫn chính trị, Nguyễn Huy Thiệp, bày tỏ trong một cuộc gặp gỡ độc giả tại phòng hội của Trung Tâm Nghiên Cưú Nam và Ðông Nam Á Châu thuộc trường đại học Berkeley để trả lời một số câu hỏi liên quan đến tình hình chung trong nước. Nhà văn này đã nói những câu nguyên văn như sau: " Tôi không liên quan gì đến Lưu Quang Vũ cả. Mỗi người có một số phận...", "...Khó khăn lắm. Bạn cứ viết đi rồi biết. Ðứng trong sự nguy hiểm về tình cảm, về tài chánh và nguy hiểm về chính trị nữa..." "...Tôi rất sợ nhà tù. Ở đâu cũng có trật tự của nó. Chuyện trong tù không phải thị hiếu của tôi"; "...Dương Thu Hương là người can đảm hơn tôi...Tôi không can đảm bằng bà ấy nhưng có thể tôi khôn hơn" vv... 
 
Một nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp mà không thể nói đến nhà tù, không thể bàn về một nhà văn khác mới qua đời (vì cái chết của nhà văn này có nghi vấn là dính dáng đến nhà cầm quyền), mà còn phải kêu lên về những "nguy hiểm chính trị" thì sự gọi là đổi mới hay phản kháng có từ năm 1989 quả không có kết quả là mấy. Nếu khi người cộng sản mới nắm quyền ở miền Bắc, văn học có câu nói tương truyền là của nhà văn Nguyễn Tuân "tôi nhờ biết sợ mà sống đến bây giờ" thì nay khi người cộng sản nắm được cả Việt Nam, nền văn học này lại có thêm một câu nói thành thực hơn, chua chát hơn mà cũng ê chề hơn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp " tôi không can đảm bằng...nhưng có thể tôi khôn hơn" . "Khôn hơn" để tránh không nói đến nhà tù hay những vấn đề có thể làm người nắm quyền giận dữ.  
 
Người ta phải nhận ra một điều rất rõ: là sự khác biệt giữa thái độ của nhà văn hai miêàn. Những nhà văn miền Nam được sống tự do, được viết tự do, không bao giờ phải luồn lách, e sợ trước kia nay sẵn sàng bỏ viết nếu họ không thể có sự tự do hoàn toàn ấy. Mà nếu họ có viết thì họ ký tên thực, viết rõ sự thực và gửi ra ngoại quốc. Như Nguyễn Hiến Lê đã làm cách đây mười mấy năm và Nguyễn Thụy Long mới làm năm ngoái. Khi họ lên tiếng dù trong hay ngoài nước, những người từng bị người cộng sản cầm tù còn ở trong nước hay thoát ra ngoài nước không hề dấu diếm ý nghĩ của họ: 
 
-[...] Thêm nữa, tôi cũng còn muốn, qua việc xuất bản đó, gián tiếp nói lên với nhà cầm quyền hiện nay ở Việt Nam rằng tôi, giữa đông đảo những người cầm bút khác của miền Nam trước đây, đã chẳng hề chối bỏ những tác phẩm đã được hình thành trong quá khứ của mình, rằng qua bao nhiêu dập vùi đày đọa, những thi sĩ vẫn còn sống, thơ vẫn còn sống..."  (Nói chuyện với nhà thơ Tô Thùy Yên , Nguyễn Tà Cúc, Khởi Hành số 26, 12.98, trang 20, Hoa Kỳ) 
 
-[...] Người dân sống vô cùng khổ sở đủ thứ tai ách đổ trên đầu trên cổ họ, y như sống dưới chế độ thực dân, tuy có được học tập tuyên truyền rằng đó là yêu nước. ...Tình thật phải nói ra như thế. Dù nói có đụng chạm có nguy hiểm cho bản thân người phát ngôn...  (Hồi Ký Trên Gác Bút, Nguyễn Thụy Long, Khởi Hành số 27, trang 23, 1.1999- Viết tại Việt Nam, gửi ra đăng trên Khởi Hành tại Hoa Kỳ) 
 
Sự chống đối của họ càng thuận lợi hơn so với thời Văn, Nhân Văn, Giai Phẩm vì sau 1975, nhà cầm quyền không thể bưng bít nguồn tin tức như xưa. Mà đầu tiên là nhà cầm quyền không thể tiếp tục dối trá về sự giàu có cả về kinh tế lẫn văn chương ở miền Nam. Tình hình chính trị lại càng rõ ràng hơn nữa: người dân miền Nam bỏ đi từng loạt bằng đường biển kéo theo người dân miền Bắc cũng ra đi ở những nơi gần biển như Hải Phòng...Và sinh ra một loạt văn chương dân gian như "Ðố ai đọ phấn với vôi. Ðọ l...con đĩ với môi chú Ðồng" (Thủ tướng Phạm Văn Ðồng vốn có đôi môi "cặp chả ") hay "Ngày xưa tướng Giáp giữ đồn. Ngày nay tướng Giáp giữ l... chị em" (Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp khi bị thất sủng, bị cử giữ chức nghiên cứu về kế hoạch ngừa sinh nở). Lần này thì trăm nhà không chịu im tiếng. 
 
-Nhờ biến cố 1975, các nhà văn miền Bắc mới được thở không khí của thế giới tự do, qua cửa ngõ Sàigòn, và luồng không khí này thổi một sinh khí hồi sinh cho những người cầm bút miền Bắc.[...]Lần đầu họ thấy được tâm hồn và đất nước người, cũng như tâm hồn và đất nước miền Nam. Lần đầu họ thấy sản phẩm của nền văn học tự do. Từ sự mở mang này mà có Những Thiên Ðường Mù, có Dương Thu Hương và các thứ. Nền móng của văn học phản kháng chính là văn học miền Nam (đương nhiên cũng chỉ xảy đến cho những người cầm bút ý thức)... 
(Viên Linh, Trả Lời Phỏng Vấn "Hai Mươi Năm Văn học Hải Ngoại", Văn Học số 101, trang 14, 9.94, Hoa Kỳ) 
 
May mắn hơn nữa là biến cố 1975 giúp cho một số nhà văn miền Nam thoát đi trước. Chính số nhà văn này-như đã dẫn- là những người duy trì nền văn học đa dạng, rực rỡ của miền Nam và là một hậu thuẫn lớn lao khi họ cho phổ biến sáng tác của những người cầm bút còn ở lại. Như Thời Tập (chủ nhiệm Viên Linh, Hoa Kỳ) đăng bài Hoàng Hải Thủy, nhà thơ Viên Linh cho in lại tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ, Văn (chủ nhiệm Mai Thảo, Hoa Kỳ) cho đăng lại thơ văn của người cầm bút miền Nam còn ở lại trong nước hay các sáng tác ký dưới bút hiệu khác, Khởi Hành (chủ nhiệm Viên Linh, bộ mới, Hoa Kỳ) đăng thơ Vương Ðức Lệ, văn Nguyễn Thụy Long...  
 
SẼ CÓ LÚC VĂN CHƯƠNG KHÔNG PHẢI Ở LẠI HAY RA ÐI  
 
Như thế, cho đến nay, vẫn còn hai dòng văn học ngay ở trong nước: một của những Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phan Thị Vàng Anh, Hoàng Phủ Ngọc Tường... và một của những Nguyễn Thụy Long, Văn Quang, Thế Phong...Thứ "văn chương" của những người "quản giáo văn nghệ" như Trần Bạch Ðằng, Tố Hữu không thể gọi là "dòng" được. Bởi thế, cho dù không nói rõ ra, ông Nguyễn Huệ Chi, giáo sư phó Viện trưởng viện Văn Học Việt Nam, hẳn phải quan tâm đến mà viết ra rằng:" [...] trong xu thế hòa hợp, giao lưu hôm nay, giữa những người Việt trong nước với trong nước..." (Nguyễn Huệ Chi, Và Cảm Nhận Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, Hợp Lưu, số 18, trang 41). Nhà thơ Viên Linh trong bài đã dẫn, chỉ ra như một bằng chứng là vẫn có sự đàn áp nhà văn miền Nam trong nước: 
 
...Chỉ vài chữ thôi, ít ra ông Nguyễn Huệ Chi cũng có cái gan của một kẻ sĩ, Ngay ở trong nước mà không hoà hợp giao lưu được, thì giao lưu với hải ngoại nghĩa là gì? Chỉ là một khía cạnh kiều vận, kiều vận trên mặt trận văn hóa... 
 
Cho nên, sự kêu gọi hợp lưu văn nghệ là một sự kêu gọi không nên đặt ra, giản dị chỉ vì trong văn chương miền Nam, ngay từ những năm đầu ra đi hay ở lại và tới cả bây giờ, đã không bao giờ có sự nhầm lẫn giữa nhà cầm quyêàn cộng sản và dân tộc Việt Nam ở cả hai miền, không bao giờ có sự quy trách nhiệm vào những nhà văn trong nước đã không thể tách bạch hơn khi chỉ trích cộng sản. Ngay cả khi một số nhà văn (miền Bắc) như Dương Thu Hương nhiều lần nhắc đi nhắc lại là cuộc chiến chống "đế quốc Mỹ" dù trên thực tế, đây là một cuộc chiến xâm lược rõ ràng để lấy nốt miền Nam, gây ra xiết bao điêu linh cho không riêng gì dân miền Nam mà còn cho cả hai miền, đã không có nhà văn miền Nam nào nặng lời thóa mạ cá nhân Dương Thu Hương. Vì trách nhiệm không ở những người bị bịt mắt bắt cầm súng như bà ta, mà ở những người chủ trương cuộc chiến này: 
 
-[...]Dân tộc Việt Nam bao giờ cũng vẫn chỉ là một. Không có vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc. Chỉ có các chính quyền hay phe phái mới noí đến chuyện đó...[...] Văn chương không có lằn ranh nên cũng chẳng cần hòa hợp hòa giải... 

(Thảo Trường trả lời phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh, Văn, trang 30, 12.1996- Thảo Trường, quê ở Nam Ðịnh, có thân mẫu bị đấu tố trong vụ Cải Cách Ruộng Ðất, di cư vào Nam năm 1954, vào lính khóa 6 trường Sỹ Quan Thủ Ðức, cựu sĩ quan pháo binh, cựu sĩ quan nghiên cứu ở cục An Ninh Quân Ðội, là một trong những nhà văn miền Nam bị cầm tù lâu nhất, 17 năm, chuyển qua 18 trại tù từ Nam ra Bắc, sang định cư với gia đình tại miền nam CA sau khi được thả khoảng một năm - Chú của NTC). 
 
-[...] Hãy giao lưu với bằng hữu của chúng tôi hiện còn ở trong nước trước. Ðó là những người đồng chí hướng và từng thuộc vào một dòng văn học với chúng tôi, Khi những Doãn Quốc Sỹ, Tuệ Sỹ, Vương Ðức Lệ, Mai trung Tĩnh, Hoàng Hải Thủy, Cao Huy Khanh, Bùi Giáng chưa in được tác phẩm ở trong nước, chưa viết được trên báo chí xuất bản ở trong nước thì thế nào là giao lưu? Cho tới giờ phút này tôi vẫn chỉ thấy họ muốn giao lưu với những người mà họ chưa bỏ tù được, còn với những người họ bỏ tù được thì vấn đề tự nhiên triệt tiêu, đối tượng đã không còn thì làm gì còn vấn đề mà đặt ra nữa. Một sự thật lớn lao như thế mà không chịu nhìn nhận, thì là lấn lướt giả trá, không có gì nên bàn đến nữa...  (Viên Linh, Trả Lời Phỏng Vấn, Văn Học số 101,trang 17, 9.94, Hoa Kỳ ) 
 
-...Về mặt chính trị, nếu VNCH có mờ nhạt trên trường quốc tế trong cuộc chiến vừa qua là vì chế độ đó không được chơi bựa trong khi phía đối phương thì mánh nào họ cũng có thể giở ra...[...]Tôi bị cộng sản bỏ tù lâu vào tận đáy vực của họ để thấy một điều rõ ràng là họ gỉả dối một cách thiệt tình, họ tàn nhẫn rất nhiệt tâm, độc ác nhân danh lòng nhân đạo. Những người cộng sản cấp dưới không biết việc họ làm, vì thế tôi không thù hận họ. Song những lãnh tụ của họ thì phải chịu trách nhiệm về những tan nát của quê hương Việt Nam (Thảo Trường, bđd, trang 21) 
 
-[...] Trong hai mươi năm chiến tranh, người cộng sản tấn công phe tự do bằng súng đạn và bằng cả bùn đất nữa. Ðể thủ thắng, họ vừa bắn phá, vừa nỗ lực bôi trát bùn đen lên mặt mũi chúng ta. Nước Mỹ giúp miền Nam tự do thì hóa thành anh đế quốc gian ác. [...} Còn mặt mũi miền Nam Việt nam thì ôi thôi: Bẩn thỉu hết chỗ nói... 
(Lê Tất Ðiều, Thư Về Bloomington, Illinois, trang 124, 125, Văn Nghệ xb, 1997, Hoa Kỳ) 
 
Văn chương của người cầm bút miền Nam không hề có những "hiện tượng" như những chữ "ngụy" xuất hiện trong tác phẩm của Bảo Ninh. Trong lời phát biểu của họ, không hề có việc họ không đếm xỉa gì đến một nửa dân tộc trên vĩ tuyến 17, như cảm tưởng mà các nhà văn miền Bắc đã cho người đọc về nửa dân tộc ở miền Nam. Khi tranh đấu, các nhà văn miền Nam tranh đấu cho quyền tự do tư tưởng của mọi nhà văn không kể là từ Nam hay Bắc. Ðiều này hoàn toàn không thấy có ở những nhà văn miền Bắc: 
 
-...Những Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Phan Nhật Nam, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng...nay bắt mai thả. Không một ai dưới mười năm đầy ải. Mai Thảo nêu lên một câu hỏi: Những người như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Nhật Tuấn...cùng những nhà thơ, nhà văn khác của miền Bắc đâu? Họ giữ thái độ mũ ni che tai. Tuyệt không có một lời nói, một cử chỉ gọi là có một tấm lòng...  
(Hoàng Khởi Phong, Gối Ðầu Lên Chữ Nghĩa, Nói Chuyện với Nhà Văn Mai Thảo, Văn Học số 102, trang 6) .  
 
Những người mà nhà văn Mai Thảo liệt kê đã có thái độ "mũ ni che tai" vì hai lý do. Hoặc là vì lý do chính trị: họ vẫn tin là họ có "chính nghĩa" hơn các "Mỹ Ngụy". Hoặc giản dị chỉ vì sợ liên lụy mà kết quả có thể nhẹ thì "nhà tù" như Nguyễn Huy Thiệp đã nhắc hay nặng thì thảm khốc như vụ Nhân Văn, Giai Phẩm hay như cái chết của cả gia đình Lưu Quang Vũ. Một nền văn học xây dựng trên sự đe nẹt như văn học miền Bắc thì lâu lắm mới cởi được những cái mũ ni này và cũng lâu lắm mới ngừng sản xuất ra những nhà văn bằng lòng cầm lấy mà che tai. Ðó không phải là một nền văn học nhân bản đã tạo ra được những nhà văn "dũng lực" (chữ của nhà văn Mặc Ðỗ) hay có tư cách văn chương có thể đại diện cho một dân tộc như nền văn học miền Nam. Lần nữa, thời gian lại là yếu tố rất cần thiết để người ta đo đạc sự chính xác của nhận xét trên. Nhà văn mới lớn như Trần Vũ không nghĩ đến yếu tố này nên đã vội vàng kết luận rằng "...đại đa số các tác giả nổi tiếng của miền Nam truớc 75 đều đã về hưu ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng....  (Thụy Khuê phỏng vấn Trần Vũ, Hợp Lưu số 18, 1994) 
 
Trước hết, "nổi tiếng" chưa chắc đã có thực tài. Nếu không có "thực tài" thì chính độc giả mới là người cho họ "về hưu". Còn nói chung chung thế thì không đúng. Nói không đúng là còn lịch sự. Vì ông Trần Vũ mới lớn nên thương hại mà nhân nhượng. Lẽ ra, phải dùng "sai hoàn toàn". Sau 1975, Viên Linh có Thủy Mộ Quan, Thanh Nam có Ðất Khách, Lê tất Ðiều có Thơ Cao Tần, Võ Phiến có ...nhiều bài luận nhỏ nhỏ, đếm không xiết . Sao lại bảo họ "về hưu"!? Ngoài những tác phẩm kể trên, họ còn viết những bài phê bình hay viết lại về những vấn đề văn học liên quan đến chính cuộc đời họ. Một trong những người "trước 75" viết rất xuất sắc về thể loại này là nhà văn Lô Răng Phan Lạc Phúc. Những bài viết của ông, phảng phất như một thứ hồi ký văn chương, nhưng là một thứ tài liệu rất cần thiết cho chúng ta về thời gian các nhà văn bị cầm tù ra sao, thế nào sau 1975.  
 
Chính tài năng của họ- đã được chứng tỏ qua nhiều năm, qua nhiều biến cố, thử thách- là sự bảo đảm cho nền văn học "của chung", một nền văn học không có khẩu hiệu ("chống đế quốc Mỹ") hay phí thì giờ tìm cách hòa giải với dân tộc vốn là những người không bao giờ là mục tiêu đòi sửa đổi của họ. 
 
Ngoài phương diện văn chương, sẽ không thể bỏ qua hay coi nhẹ những hoạt động mà những nhà văn miền Nam, trong hay ngoài nước, đã làm để bảo đảm mỗi một điều: văn chương có thể ra đi hay ở lại nhưng phải là sự lựa chọn của chính tác giả, không phải của nhà cầm quyền.  
 
"Khi nhà vua biết trị nước thì thi sĩ tự do làm thơ, kép hát tự do đóng trò, các viên thái sử chép đúng sự thực..." Thiệu Công khuyên vua nhà Chu, Lệ Vương, năm 845 trước Tây Lịch. 
 
Ông Nghè về lại trong dinh 
Tướng quân giữ ải thư sinh dưới đèn 
Từ Thức lại trở về Tiên 
Sĩ phu giảng huấn, người hiền bình văn... 
Viên Linh, Thủy Mộ Quan, Hoa Kỳ. 1982.

Nguyễn Tà Cúc