Để theo dõi tin tức bình luận sinh hoạt nữ trí và văn học,
văn học và đại chúng, mời đọc:

NGƯỜI MỚI

Diễn Đàn Văn Học và Phụ Nữ - Nguyễn Tà Cúc chủ trương.

PHÊ BÌNH MÌNH VÀ PHÊ BÌNH NGƯỜI
Nguyễn Tà Cúc
Phê bình là một ngành chuyên môn đòi hỏi nhiều hơn một tài năng có sẵn. Khác với giới sáng tác mà tác phẩm còn có thể được tranh luận về giá trị tùy theo quan điểm (và họa hoằn, theo thời điểm) của người đọc, giới phê bình không thể phạm những lỗi lầm hiển nhiên để lộ ra sự thiếu hiểu biết về kiến thức chuyên môn. Bên cạnh một phương pháp làm việc bắt buộc có sự chính xác còn phải có một tài viết để chuyên chở những kết luận và kinh nghiệm rút ra từ những tài liệu ấy. Cuối cùng, người phê bình cần sự cảnh giác thường xuyên rằng những tài liệu mới hơn sẽ thay đổi hay có thể đảo lộn tất cả những nhận xét đã viết ra trước đó. Trong vòng mấy chục năm nay, cả trong lẫn ngoài nước đều có sự ta thán về sự yếu kém -và riêng trong nước còn kèm sự thiếu can đảm- của ngành phê bình. Bởi thế, nhiều nhà phê bình -nhất là trong nước- bị đẩy vào thế thụ động, là phải tự bênh vực bằng một cách rất oái oăm là phê bình chính các đồng nghiệp, đưa họ ra làm thí dụ để giải thích phần nào sự thiếu tiến bộ và yếu kém ấy. 

Người viết là người trong giới, lại bị giới hạn trong khuôn khổ của một bài báo, không có tham vọng đưa ra một quyết đoán nào, lại càng không có chủ ý phê bình các đồng nghiệp. Nhưng hy vọng sẽ đưa ra được một vài nhận xét thô thiển của một người, thứ nhất ở ngoài nước, thứ hai của một người chuyên tâm về Văn Học Miền Nam về tình trạng phê bình của chúng ta bên này và bên kia đại dương. 

I- Việt Nam, bên kia bờ đại dương.  

Khỏi cần phải nhắc đi nhắc lại như một dĩa hát quay hoài một điệu nhạc cũ, ai cũng đã biết ngành phê bình trong nước vẫn còn bị lệ thuộc vào chính sách của nhà cầm quyền. Có lẽ khó có ai phát biểu trúng vào tâm điểm của vấn đề như nhà phê bình Lại Nguyên Ân:

- [...]Đó là sự thống trị quá ư tuyệt đối của giọng phê bình quyền uy, của tư duy quyền uy trong phê bình...Đôi khi vẫn có tranh cãi và thảo luận, nhưng chỉ có những người phê phán lên tiếng, còn người bị phê phán thì không được phép đăng ý kiến trả lời. Bên cạnh những ý kiến quyền uy lại nẩy sinh ra những ý kiến phê bình xu phụ, nghe ngóng xem ý kiến của cấp trên ra sao để lựa lời viết tâng công hoặc lập công; tạo ra một loạt những công-thức -bẫy, dùng để đánh bẫy những ai vì nói hớ mà phạm phải những kiêng kỵ [...]Quy kết trở thành thủ đoạn chính yếu của loại phê bình xu phụ này; và phê bình xu phụ vừa là đầy tớ vừa là bạn đường của phê bình quyền uy....(Lại Nguyên Ân, trích từ Sống với văn học cùng thời, nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, 2003, đăng lại trên Diễn Đàn Talawas.)

      Sự thống trị quá ư tuyệt đối ấy không chỉ ở lãnh vực phê bình, nó trùm lên mọi sinh hoạt văn học nghệ thuật, không chỉ làm thui chột mà còn có ảnh hưởng tai hại đến ngay cả những nhà văn vốn được coi là cấp tiến và từng bị cái quyền uy ấy làm cho vất vả. Do sự thiếu thốn tài liệu tác phẩm thuộc Văn Học Miền Nam, nhiều nhà văn Việt Nam không có khái niệm rõ ràng về các tác giả và quan điểm của họ. Trong nước dĩ nhiên chưa thấy có một sự lưu ý nào tới các tác giả thuộc Văn Học Miền Nam còn ở lại mà ngay cả khi ra được ngoại quốc, các nhà văn được nuôi dưỡng và thành đạt  trong  bầu sữa Cộng Sản cũng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi  kiểu tư duy quyền uy này mà có những sai lầm rất nên lưu ý: 

      -[…]Vừa rồi tôi đi Mỹ là theo lời mời của Trung Tâm William Joiner thuộc trường đại học Massachssetts Boston [...]Có lẽ đáng chú ý hơn là chuyện này: cộng đồng người Việt và đặc biệt các nhà văn người Việt ở bên ấy biết và hiểu như thế nào về văn học trong nước. Tôi có chú ý tìm hiểu chuyện này, và nhận ra một số điều khá thú vị. Phải nói rằng trước đây (“trước đây” là bao giờ, tôi sẽ xin nói rõ sau đây) có thể nói những bà con đó rất coi thường và buồn về văn học trong nước. ...Nhưng từ khi có văn học đổi mới, ...thì gần như là có sự giật mình, nghĩ lại, nhìn lại...Nhiều người nói với tôi: Vậy ra trong nước vẫn còn có một nền văn  học...Người ta quay lại với văn học trong nước, tin tưởng và chờ đợi. Và còn quan trọng hơn, người (ta) quay lại không chỉ với văn học trong nước, qua văn học người ta quay lại với đất nước. Có cả một trào lưu muốn hòa hợp trở lại đã được nẩy sinh từ đó. Hình như ở trong nước, chúng ta chưa hiểu hết khía cạnh tác động tích cực này của văn học đổi mới...(Nguyên Ngọc, Văn chương phải có văn hóa, tháng 8.2003; đăng lại trên Diễn Đàn Talawas ngày 17.9.2003)

 Trước hết, nhà văn Nguyên Ngọc tiếp xúc với ai thì không biết nhưng có một điểm chắc chắn: ông không tiếp xúc với đa số các nhà văn thuộc Văn Học Miền Nam mà hiện nay không còn là bao nhiêu người. Số nhà văn mà ông được gặp nhiều phần là các nhà văn “made in Joiner” cho nên ông không có dịp tìm hiểu về những người vừa là nhà văn của Miền Nam vừa đã chọn để không sống và không hợp tác với người Cộng sản.  Với những người hay/và với những nhà văn này thì không ai giật mình, nghĩ lại, nhìn lại...như ông tưởng. Cụ Hoàng Văn Chí, một trong những người chống Cộng sản, đã cho xuất bản cuốn Trăm hoa đua nở trên quê hương cách đấy đã hơn mấy mươi năm về sự kháng cự của nhóm Nhân Văn, Giai Phẩm trước cái tư duy quyền uy mà sau này chính Nguyên Ngọc sẽ có kinh nghiệm trực tiếp. Khác với những người hợp tác với Đảng Cộng sản và chỉ tỉnh ngộ khi chính mình bị trù dập, người Việt Nam chống Cộng sản biết dư sự đàn áp đó ngay từ đầu. Họ cũng biết dư sự đàn áp ấy không sớm thì muộn cũng sẽ bị chống lại. Có điều chống lại bằng cách nào và tốn bao nhiêu xương máu mà thôi.  

      Nhưng cái sai lầm lớn nhất ở đây của Nguyên Ngọc cũng như của một số nhà văn “made in Joiner” là cái lý luận “người (ta) quay lại không chỉ với văn học trong nước, qua văn học người ta quay lại với đất nước. Có cả một trào lưu muốn hòa hợp trở lại đã được nẩy sinh từ đó...” (sđd) Người ra đi chưa bao giờ quay đi với đất nước cả cho nên sẽ không có chuyện “quay lại”. Còn ai muốn hòa hợp và hòa hợp với ai? Cho đến nay, may ra thì cái trào lưu mà Nguyên Ngọc nhắc đến chỉ mới hòa hợp được với ông và các “sứ thần văn nghệ” từ Việt Nam gửi đi tại những trường đại học cây dài bóng cả tại ngoại quốc nơi người ta được toàn quyền phát biểu ý kiến chứ chưa thấy cái trào lưu nào hòa hợp được với các ông Mai Quốc Liên, Phan Cự Đệ vv... trong các nhà tù hay các nhà tù văn nghệ có những cái tên mỹ miều  tại Việt Nam cả. Cũng có cần đặt một câu hỏi chính thức rằng tại sao những người như ông Nguyên Ngọc cho tới nay vẫn hạn chế sự tiếp xúc vào với những nhà văn hoặc là đã được Mai Quốc Liên đóng dấu bảo đảm trên trán hay không thuộc Văn Học Miền Nam? Vì cái tư duy quyền uy ấy quyết định ngay từ đầu (ra đi đã được dặn rằng...) hay giản dị chỉ vì ông không có người hướng dẫn? 

      Vì lý do nào chăng nữa, đó cũng là một thí dụ điển hình cho sự yếu kém về những kiến thức phải có trong một tình trạng vẫn còn bất an  cho người cầm bút tại Việt Nam. Không có đủ kiến thức, sẽ không thể phê bình được. 

I- Ngoài nước, bên này bờ đại dương 

      Cho đến nay, xét trên những tác phẩm đã được xuất bản, chưa có một người phê bình nào ở ngoài nước đã cung hiến được một cái nhìn chính xác về tình hình văn chương ngoài nước và nhất là về Văn Học Miền Nam, một thời kỳ mà chắc chắn người trong nước hay những thế hệ sau sẽ không thể có một cái nhìn chính xác, giản dị chỉ vì không phải là chứng nhân tham dự hay có những quan hệ với các chứng nhân ấy đủ để có những tài liệu chính xác mà viết. 

      Người đầu tiên có tham vọng ghi lại thời kỳ ấy với một ngân khoản tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ và cũng là người đầu tiên thất bại một cách thảm hại là nhà văn Võ Phiến. Đó là một sự thất bại hết sức bất ngờ vì ông có quá nhiều điều kiện để ít nhất thì cũng có thể viết được một cách tương đối thành công. Võ Phiến thất bại vì hai nguyên do chính. Nguyên do thứ nhất, trái với sự tin tưởng của nhiều người, Võ Phiến không có một kiến thức đầy đủ về nền văn học này giản dị chỉ vì ông là một nhà văn ngồi nhà hay “ăn cắp giờ trong sở” (lời chính VP) để viết thuê cho các tạp chí.  Bởi thế ông hoàn toàn không có sự tiếp xúc rộng rãi và bao quát để phân tích sâu xa nhất là về những nhà văn đồng thời cũng là nhà báo trong một nền văn học mà báo chí đóng góp một cách hết sức mạnh mẽ. Hơn thế nữa, tạp chí mà ông cộng tác chặt chẽ lại là tờ Bách Khoa mà ai cũng dư biết từ Lê Ngộ Châu cho tới Vũ Hạnh (ký chung với Võ Phiến dưới bút hiệu Tràng Thiên) là những người hợp tác hay hoạt động cho Cộng sản nên những nhận xét của ông có khi rất bất lợi cho những nhà văn chống hay bất hợp tác với người Cộng sản (như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bình -Nguyên Lộc vv...) Thứ hai, quan trọng hơn, ông không có cái vốn kiến thức tối thiểu để luyện óc quan sát và sử dụng tài liệu. Cũng trái với sự tin tưởng của một vài người, vốn Hán Học của ông không có lắm mà vốn Tây học cũng không nên sự phê bình của ông lại càng có nhiều phần dựa trên cảm tính. 

      Tuy thế hai nhược điểm trên vẫn có thể chữa lại phần nào nếu ông biết dùng chữ (Việt). Khổ cho Võ Phiến là ông lại áp dụng cái lối viết có khi rất tủn mủn, sử dụng thứ chữ nghĩa có khi quá bắng nhắng vẫn dùng để viết tạp bút cho nên bộ sách về Văn Học Miền Nam của ông chỉ có giá trị như một tài liệu để tham khảo về những tác phẩm mà ông trích ra. 

      Nhắc tới Võ Phiến đương nhiên phải nhắc đến Nguyễn Hưng Quốc, người đồ đệ trung thành lẽ ra phải có một tương lai đẹp đẽ hơn nếu ông đủ bản lãnh giữ được sự độc lập và sáng suốt để chọn một con đường khác. Thay vào đó, ông mắc vào những lỗi lầm không đáng mắc. Hai thí dụ điển hình là vụ vu khống nhà thơ Lê Đạt (Việt Nam) và không nghiêm chỉnh với nhà thơ Phan Nhiên Hạo (Hoa Kỳ) qua thái độ của Hoàng Ngọc-Tuấn, người cùng chủ trương tạp chí trên mạng Tiền Vệ. Ở cả hai vụ, ông đều bị “trả đòn “ lịch sự nhưng đích đáng. Người viết có cảm tưởng rằng việc ông bị đuổi ra khỏi Việt Nam mới đây ngay khi mới xuống máy bay không hề có tính chính trị -ông chỉ là một người dậy tiếnng Việt trong những lớp chỉ nói tiếng Việt lại chưa hề có bài viết hay hành động nào có thể gây thiệt hại cho người Cộng sản- mà chỉ là một sự “dằn mặt”, một cách trừng trị công khai về sự vu khống một nhà thơ có tiếng của Việt Nam. Chỉ có điều trớ trêu là Nguyễn Hưng Quốc và đồng bạn của ông lại phải học cái bài học không thể dở thói côn đồ văn chương từ người Cộng sản. Đó là một điều đáng tiếc vì Nguyễn Hưng Quốc có một lợi thế rõ ràng: ông trẻ hơn, lại có dịp học hỏi những tay thầy ngoại quốc trong lãnh vực này và khi mới bắt đầu viết, ông chưa nhiễm nặng cái thói bắng nhắng của người thầy Võ Phiến. Nhưng cả cái lợi thế ấy cũng gây bất lợi khi ông chỉ đọc mà không biết áp dụng, cái kiểu “học đã sôi cơm mà chửa chín”. 

      Nguyễn Hưng Quốc không phải là người duy nhất bị “tẩu hỏa nhập ma” khi lạc vào khu rừng ngoại quốc đầy cạm bẫy. Trường hợp tương tự là Thụy Khuê. Nếu người phê bình Cộng sản “hồng hơn chuyên” thì Thụy Khuê tạm được gọi là “đa hơn chuyên”. Nếu Thụy Khuê dừng lại ở lãnh vực phỏng vấn thì bà là người tạo được nhiều cuộc nói chuyện độc đáo và đáng tin cậy, rất cần thiết cho văn sử sau này. Nhưng khi sang phê bình, Thụy Khuê cũng phạm vào lỗi lầm rất căn bản ấy của Nguyễn Hưng Quốc: không chịu nghiên cứu đến nơi đến chốn về Văn Học Việt Nam (và Miền Nam) đến nỗi sai những chi tiết đáng ra không thể sai được khiến người đọc phải tức anh ách (dễ quá mà, sao không giở sách ra mà tra?!)  cho đến việc áp dụng bừa bãi những kiến thức về văn học Tây phương vào trường hợp Việt Nam. Hãy lấy hai thí dụ. Thí dụ thứ nhất là câu trả lời của chính Thụy Khuê: 

-[...] “Văn hóa hiện sinh” mà tôi nói đến, là tinh thần hiện sinh, tức là tinh thần tìm về mình. Sự tìm hiểu, mổ xẻ bản chất con người, cách tự nhận thức về mình,...phát xuất từ triết học hiện sinh. Tinh thần ấy tôi thấy trực tiếp bàng bạc trong hầu hết gần 20 cuốn truyện của Dương Nghiễm Mậu mà tôi đã đọc, cũng như trong các tác phẩm thơ văn của Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Mai Thảo, Nguyễn Đình Toàn, Duy Thanh, Huỳnh Phan Anh, Trần Thị NgH, vv...Hoặc gián tiếp qua các tác phẩm của Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ,...những nhà văn này đã tạo được một dòng văn học táo bạo khi viết về mình; một cách nào đó họ “đã” giải phóng” người phụ nữ khỏi mặc cảm Khổng Mạnh. Có thể họ không tiếp nhận lý thuyết hiện sinh một cách trực tiếp, nhưng họ đã gián tiếp nhận hiện sinh trong tinh thần: nhìn nhận bản thân mình như một hiện tượng để khảo sát, và do đó, họ đã có những nhận xét độc đáo, đôi khi trắng trợn, tàn nhẫn, chế diễu chính bản thân mình. Và đó là cái mới mà họ đem đến cho văn học miền Nam trước 75...(Thụy Khuê trả lời Đoàn Xuân Kiên và Khế Iêm, diễn đàn trên mạng Talawas) 

Bùi Giáng mà “hiện sinh” cái nỗi gì?! Khoan chưa nói tới Duy Thanh và một dây tác giả Thụy Khuê chưng ra kế đó, hãy nói tới cái sai lầm căn bản và trầm trọng nhất là đem ảnh hưởng-hiện-sinh áp dụng quá cẩu thả vào trường hợp các nhà văn nữ mà Thụy Khuê đã dẫn. Chỉ cần đọc vài tác phẩm của họ cũng thấy ngay điều này: họ viết về mình không phải vì đã nhìn nhận bản thân như một hiện tượng để khảo sát mà giản dị chỉ bởi vì họ không đủ tài để vượt lên được chính bản thân, cuộc đời chồng con họ. Có hai lý do đưa tới kết luận chắc chắn đó. Lý do thứ nhất là tác phẩm. Hầu như tác phẩm nào của Nhã Ca cũng có cùng một nội dung, bố cục: những cuộc tình dang dở, những cái chết gây ra bởi những bức thư không đến kịp vv...Còn tác phẩm của Túy Hồng thì còn rõ hơn nữa: hoàn toàn là một thứ nhật ký về cuộc sống vợ chồng với nhà thơ Thanh Nam. Chính vì thế mà họ (Nhã Ca, Túy Hồng và cả Thụy Vũ nữa) đều phạm vào một lỗi tối kỵ: có lúc đã dùng văn chương như một vũ khí trá hình để hạ nhục tình địch hay chính người chồng của mình. Thật là ngạc nhiên mà Thụy Khuê không nhận ra được sự thực hiển hiện này nhất là sau khi nhà văn Hồ Trường An (em ruột Thụy Vũ) sau 1975 đã viết toạc ra về lý do đằng sau những “tác phẩm” đó. Theo Hồ Trường Anh, chính Thanh Nam (nạn nhân của Túy Hồng) đã phải khuyên Thụy Vũ ngưng viết tố khổ Tô Thùy Yên. Lý do thứ hai lại càng chắc chắn hơn nữa: các nhà văn nữ này đều ngưng sáng tác hoặc xuống dốc thảm hại sau 1975. Đó là vì họ cạn vốn, cái vốn đời và vốn học sau khi đã viết chán chê về mình, thế thôi. Còn Thụy Khuê nêu ra rằng họ “đã có những nhận xét độc đáo, đôi khi trắng trợn, tàn nhẫn, chế diễu chính bản thân mình” như một ảnh hưởng khác của sự gián tiếp nhận hiện sinh trong tinh thần lại càng không đúng: đó chỉ là một thứ bản năng tự vệ phản ảnh từ chính đời sống họ, một đời sống bất thường và bất an vì bất lực trước hoàn cảnh, vì không làm chủ được số phận của mình, vì bị cảm xúc đẩy đưa (ném lao phải theo lao) chứ chẳng phải nẩy sinh vì một thứ tinh thần tự giác mạnh mẽ tạo được nhờ kiến thức và kinh nghiệm nào cả. Người đọc còn phải cười lớn khi đọc câu “những nhà văn này đã tạo được một dòng văn học táo bạo khi viết về mình; một cách nào đó họ đã ”giải phóng” người phụ nữ khỏi mặc cảm Khổng Mạnh...” (sđd)  Không phụ nữ nào ở Sài Gòn hoặc vài tỉnh ngoài Sài gòn lúc đó có dịp đọc cái loại văn học táo bạo đó mà lại ngây thơ đến độ bắt chước  bằng cách bỏ nhà ra đi, chung sống với đàn ông trước khi có hay không có cưới hỏi như hay đem những thói quen của chồng và quê quán chồng ra nguyền rủa vv.. để giải phóng người phụ nữ khỏi mặc cảm Khổng Mạnh cả. (Nói thế cũng có nghĩa không biết Khổng Mạnh là gì!) Các tác phẩm này hoàn toàn không gây được tiếng vang hay kết quả cụ thể nào với phụ nữ Miền Nam thời bấy giờ. Đằng khác, nhiều tác phẩm của một số nhà văn nữ trước 1975 còn là bằng chứng phô diễn sự kém hiểu biết của họ trước những cao trào thế giới đồng thời với một sự thiếu căn bản rõ ràng về văn minh Á Đông và Việt Nam. Bởi thế, cho rằng  “đó là cái mới mà họ đem đến cho văn học miền Nam trước 75” thì lại càng sai hơn nữa, sai như khi mới đây Thụy Khuê viết Thanh Tâm Tuyến là “cha đẻ của Thơ tự do” vậy! Rất nhiều người đã nhận ra hàng loạt các sai lầm ấy. Một tác giả, Đinh Bá Thi, đã có mấy lời nhận xét: 

-.Thụy Khuê là cây bút năng động, nhiệt tình, bàn đến nhiều lĩnh vực khác nhau: triết học, văn học Việt, văn học Pháp, hội họa, âm nhạc, sử học, hán nôm học,...Trong các bài viết của Thụy Khuê từ trước đến nay, không phải người ta không thấy có nhiều sai lầm. Nhưng quả là với bài cuối cùng, các sai lầm đó nhân lên gấp bội, kể cả về số lượng và chất lượng [...] Tôi đoán rằng Thụy Khuê đọc qua loa ở đâu đó về Déconstruction, nhưng vì trình độ ngôn ngữ (cả Pháp lẫn Việt) và hiểu biết (văn học, triết học) có hạn, nên không hiểu và không diễn đạt nổi ...(Đoàn Cầm Thi, Phê bình văn học có cần chính xác không? Từ Thụy Khuê đến Phạm Xuân Nguyên, viết tại Paris, đăng trên Diễn Đàn Talawas, 14. tháng 2. 2003) .  

      Hơn hai năm sau, Phan Thanh Nhị ở Sài gòn, trong bài Xin trao đổi với Thụy Khuê đã tha thiết “mong nhận được hồi âm” sau khi viết một bài phân tích “nhiều sai lầm rất sơ đẳng” trong bài viết mới đây của Thụy Khuê về Thanh Tâm Tuyền. Bài viết đó đã có những cái sai đau sai đớn về các mốc thời gian quá sơ đẳng như Phan Thanh Nhị đã chứng minh chứ chưa cần nói đến những cái “cao siêu” vội. 

- [...]Cách đấy mấy năm trên Talawas tôi đọc được một nhận xét gay gắt của Nguyễn Trung về Thụy Khuê: “Theo tôi, kiến thức của Thụy Khuê có lẽ không hơn bậc Trung học của Sài gòn cũ [...] Các cụ có câu; ‘dốt mà hay nói chữ’ ...” Lúc đó tôi chưa đọc Thụy Khuê nên nghĩ là Nguyễn Trung quá nặng lời. Gần đây cũng trên Talawas tôi đọc được một nhận xét khác về Thụy Khuê...Nguyễn Mộng Giác trả lời một cuộc phỏng vấn: “Bộ môn phê bình ở miền Nam trước kia và hải ngoại bây giờ rất yếu. ...Bây giờ điểm lại người có uy tín nhất hiện nay là Nguyễn Hưng Quốc, tiếp theo là Đặng Tiến,...Thụy Khuê...” Tò mò trước những ý kiến đối ngược như vậy, tôi tìm các tác phẩm của Thụy Khuê để đọc...Nhưng tôi càng đọc càng thất vọng. Bài viết nào của bà cũng chứa nhiều sai lầm rất sơ đẳng. Tôi xin dẫn bài viết mới nhất của bà, bài Thanh Tâm Tuyền đăng trên báo Văn Học xuất bản tại bang California, Hoa Kỳ số 231 ra tháng 5 và tháng 6 năm 2006 để chứng minh....(Diễn Đàn Talawas, sđd, 8. 7. 2006)

 Y hệt như trường hợp Nguyễn Hưng Quốc, các sai lầm nhân lên gấp bội, kể cả về số lượng và chất lượng và chứa nhiều sai lầm rất sơ đẳng đó không ngăn cản việc Thụy Khuê xuất hiện thường trực không phải trên chỉ một tạp chí mà tới ba tạp chí ở Hoa Kỳ và vẫn được coi như một nhà phê bình có “uy tín” (!) theo lời một ông cựu chủ báo vẫn đăng bài Thụy Khuê. Còn Đặng Tiến? Sự nông cạn của Đặng Tiến vừa bầy ra lồ lộ qua một bài viết tựa cho phái Tân Hình Thức mà không biết Tân Hình Thức là gì!   

      Sự xuất hiện ấy đưa tới một nhận xét hoàn toàn khách quan: những người-hay nhóm- chủ trương các tạp chí ấy lắm khi không nắm vững được vấn đề để mà yêu cầu sửa đổi hay đặt dấu hỏi thỏa đáng trước khi đăng lên. Ấy là mới nói về Văn Học Miền Nam, chưa nói tới văn học Việt Nam hay thế giới. Khiến đặt ra một vấn đề: trách nhiệm của chủ bút hay của nhóm chủ trương. Bởi lẽ nếu những bài sai lầm ấy không được cho đăng, người ta sẽ không mất thì giờ để nói đến. Trước đây, trong Văn Học Miền Nam không thể xẩy ra những trường hợp như thế vì đã có những Thư  Ký Tòa Soạn, những Chủ Bút mà tên tuổi là đại diện cho linh hồn một tờ tạp chí. Họ có đủ khả năng văn chương để đánh giá một bài viết dù của bất cứ một tác giả nào. Thí dụ Trần Phong Giao. Ông ra khỏi tờ Văn năm 1972 và tạp chí này không bao giờ gượng lại được nữa. Tờ Văn nay tái bản ở Hoa Kỳ nhưng quả có đôi lúc người ta đã phải tự hỏi về trách nhiệm người Chủ Bút khi chỉ cách đây vài tháng đã cho đăng một bài phỏng vấn hết sức tệ. Chưa kể một bài viết cũng tệ không kém vào một dịp khác, dịp tưởng niệm Trần Phong Giao (!) 

Theo thiển ý người viết, việc các ông chủ báo như ông chủ báo vừa cho đăng bài Thụy Khuê, Đặng Tiến (và các nhân sự tương tự), vừa chê giới phê bình “yếu” là không lương thiện và qúa khôi hài.  Khôi hài như dân Miền Nam vẫn nói “chuyện dài nhân dân tự vân mà chưa chết”. Anh không thể vừa chỉ trích tình trạng phê bình vừa góp phần đắc lực, quá đắc lực là đằng khác, vào tình trạng ấy bằøng cách đăng những bài quá kém như thế. Là người chủ trương một tạp chí, anh có toàn quyền chọn bài đăng, thậm chí còn có quyền không đăng bài của những người anh không ưa (dù thế có vẻ không anh hùng hảo hớn chút nào) nhưng không thể dở đến nỗi không biết người anh chọn đã bị chỉ trích ra sao, đúng hay sai và nếu cần, chính anh phải lên tiếng nhận lỗi hay bênh vực bỉnh bút của anh. Sau nữa, quan trọng hơn, người ta đánh gía một nhà phê bình không chỉ trên khả năng mà còn trên tinh thần phục thiện. Điều làm người ta nhớ nhất về Võ Phiến, Nguyễn Hưng Quốc (và nay cả Thụy Khuê) là sự im lặng khi bị chứng minh là sai. Không có nhà phê bình “uy tín” nào có thể quên  điều này: nếu sáng tác là một bộ môn dựa trên sự sáng tạo (nghĩa là có sự tưởng tượng) thì phê bình là một bộ môn cần sự chính xác. Sự nghiệp một nhà phê bình sẽ chấm dứt khi người đọc không còn tin cậy được ở tinh thần chính xác và phục thiện ấy.

      Để kết luận, liệu chúng ta có nên bi quan về tình trạng phê bình trong và ngoài nước không? Người viết nghĩ là không. Cái họa Cộng sản đã tàn hại Việt Nam hơn nửa thế kỷ thì không phải một sớm một chiều mà phất ngay lên được. Lợi thế của trong nước là thời gian. Luôn luôn sẽ có nhiều người viết can đảm và đủ khả năng để tạo được những công trình mới hay tiếp tục những nghiên cứu của họ. 

Riêng ở ngoại quốc, vấn đề thiếu thốn tài liệu sẽ là trở ngại lớn nhất. Bù lại, còn một số nhân chứng sẽ là những tài liệu vô giá nếu được sự hợp tác của họ. Nhưng thời gian không đứng về phía các nhà phê bình ở ngoại quốc vì thế hệ nhà văn thuộc Văn Học Miền Nam sẽ lui dần vào với lịch sử và sự hợp tác của họ phải nói là hiếm hoi. Nhưng một người hết sức cố gắng cũng có thể phối hợp số tài liệu và nhân chứng tuy ít ỏi mà vô cùng quan trọng này để không chỉ làm công việc phê bình cho nghiêm chỉnh mà còn thêm một  phần quan trọng nữa: chính người phê bình đó sẽ nhận trách nhiệm cung cấp tài liệu qua bài viết của mình bằng những nhận xét và phán đoán căn cứ trên dữ kiện, tác phẩm và nhân chứng đã thu thập được. Đó là một  trách nhiệm đòi hỏi một thứ can đảm khác: sự can đảm để tìm kiếm và công bố những tìm kiếm ấy dù có đi ngược lại sự tin tưởng và thói quen của người khác. Nhưng viết đã luôn luôn là một sự can đảm duy người phê bình cần tới hai lần can đảm: can đảm để có một cách nhìn riêng và can đảm để nhận sự phê bình của người khác dù đúng hay sai.

Nguyễn Tà Cúc