Để theo dõi tin tức bình luận sinh hoạt nữ trí và văn học,
văn học và đại chúng, mời đọc:

NGƯỜI MỚI

Diễn Đàn Văn Học và Phụ Nữ - Nguyễn Tà Cúc chủ trương.

NGUYỄN TÀ CÚC
PHỎNG VẤN NHÀ VĂN MẶC ĐỖ
Người phỏng vấn quen với nhà văn Mặc Đỗ bắt đầu từ cuối năm 1999 qua nhà thơ Viên Linh (và tạp chí Khởi Hành). Từ đó trở đi, vẫn có thỉnh thoảng thư từ. Như cái tên, ông là một người rất khiêm cung, dễ gây cảm tưởng ở những người mới hay không quen là ông dè dặt một cách khác thường. Nên việc phỏng vấn ông, nghĩa là buộc ông nói về chính ông, đi ngược lại bản tính và cái tên do người Thày đặt cho, là một việc rất khó xử cho ông. Nhưng ông đã trả lời một số câu hỏi sau đây bằng thư, rải rác trong gần nửa năm vì người phỏng vấn cố gắng thuyết phục, rằng trong tình cảnh hiện nay, ông là một trong những nhân chứng quan trọng của một thời kỳ lịch sử đau thương nhưng cũng là một trong những thời văn chương tươi đẹp nhất của Miền Nam, của Việt Nam. Là một trong những người đã và đang tiếp tục đóng góp, ý kiến của ông hết sức quan trọng cho những ai muốn khảo cứu về nó. 

NGUYỄN TÀ CÚC: Thưa anh, cảm ơn anh đã đồng ý cho Tà Cúc hỏi về một số vấn đề liên quan đến Văn Học Miền Nam và nhóm Quan Điểm. Có một vài câu hỏi được đặt ra không phải vì khinh thường anh đến nỗi bắt buộc anh phải chú ý đến những tác giả không lương thiện hay điều họ viết quá sai–nhất là khi hai người bạn thân trong nhóm Quan Điểm của anh đều đã qua đời- mà vì chúng ta quan tâm đến văn sử VN, đến những trường hợp mà kẻ khác có thể lợi dụng qua những cuốn sách ấy, những bài viết ấy để biến sự phỉ báng thành tài liệu khả tín cho người phê bình của những thế hệ sau phê phán chúng ta. 

MẶC ĐỖ: Tà Cúc hỏi, tôi chiều ý trả lời rõ ràng sau đây, điểm nào vượt quá thẩm quyền hay có thể xúc phạm tới quyền của người đã khuất tôi sẽ bỏ qua. Tôi rất yêu và trọng công việc Tà Cúc đang theo đuổi, vì nó cần cho người sau muốn tìm hiểu thời đại này. Những gì tôi viết ra với Tà Cúc đều là sự thật 100 phần 100, sự thật tôi nắm chắc, hồ nghi thì tôi sẽ không viết hay ghi rõ là dường như thế.

1.  Anh là một trong những dịch giả sớm nhất của VHMN (và trước đó một chút). Ra ngoại quốc anh vẫn còn tiếp tục dịch. Theo anh, dịch những tác phẩm Việt ngữ ra tiếng ngoại quốc có trở ngại gì?  So sánh với đời viết của anh, tại sao anh theo đuổi việc dịch lâu dài đến thế? 

Chủ đích của tôi là viết. Dịch là một cách tập viết rất tốt. Phóng bút viết dễ, vận dụng ngòi bút để cố lột được lời ý của nguyên tác khó. Tập như vậy cả đời vẫn chưa xong, nhưng có tập gân tay vừa dẻo vừa khỏe viết dễ, viết sáng sủa, chính xác. Tôi ghi lại ít tình tiết thời tập viết, trong đó dịch ngoại văn không phải là cốt cán. Nhìn vào mớ sách đã in của tôi thật rõ rệt lượng sách dịch trổi hơn hẳn lượng sách nguyên bản Việt ngữ, cân lượng như vậy mà xác định ngược lại cũng khó lọt tai nhưng sự thật nó đúng thế. 

      Tôi mê truyện từ ngày còn nhỏ lắm, chưa biết đọc biết viết. Mẹ tôi rất yêu truyện Tàu, cụ đọc từ nguyên bản chữ Hán vì cụ rất khinh thứ chữ mang tên quốc ngữ không thèm học, coi đó chỉ là một cách ghi âm chứ không đẹp và thâm thúy như chữ Hán mỗi chữ là một biểu ý rất xúc tích. Các con của cụ không thông chữ Hán để tự đọc được truyện trong khi cụ chẳng là một diễn viên vừa thông dịch vừa biểu diễn được tình tiết lý thú trong truyện. Trở ngại đó được giải quyết khi có những  bản Việt văn của những ‘Tái Sinh Duyên’, ‘Tam Quốc Chí’, ‘Thủy Hử’, v.v. Mỗi tối cả nhà xum họp trước giờ ngủ Mẹ chỉ định một bà chị ngồi đọc truyện cho cả nhà nghe. Tôi bé con phải vào giường sớm hơn nhưng đâu có ngủ được, mắt mở dán lên đình màn, hai tai vểnh lên để thu lọt hết từng chữ của đoạn truyện đang đọc. Tôi còn nhớ mãi một chi tiết truyện in sâu trong đầu tôi cho tới bây giờ. Ông tướng Tàu Hạ Hầu-Đôn hươi giáo dài, phi ngựa ra trận, bỗng bị trúng một mũi tên địch cắm vô một bên mắt. Ông tướng ghìm ngựa, đưa tay lên rút mũi tên , con ngươi bị rút theo, ông tướng thản nhiên đưa con ngươi vô miệng như ta đưa viên nem nướng, rút mũi tên quẳng ra xa và nuốt trọn con ngươi rồi thúc ngựa, hô quân tiến. Nghe đọc tôi thích quá, chỉ muốn chị đọc lại một lần nữa để nghe cho đã. Từ buổi đó tôi bắt đầu xây mộng, nhất định lớn lên sẽ viết truyện cũng ngon lành như thế.

      Nguyên một truyện khác ghi bước tiến thứ hai của tôi trên đường nhất định viết. Đó là một cuốn sách nhỏ chỉ to hơn bàn tay, bìa đỏ, ít trang, dường như do nhà xuất bản Vĩnh Hưng Long ở phố Hàng Gai, Hà Nội, tôi không nhớ thật rõ, tên tác giả cũng không nhớ, tựa truyện nhớ mãi: ‘Một Cảnh Làm Dâu’. Nội dung truyện mô tả nông nỗi một cô gái bơ vơ, bỡ ngỡ về nhà chồng bị đủ thứ soi mói, kiềm chế, của tập đoàn các ‘bà cô bên chồng’, em chồng, do bà mẹ chồng dẫn đầu, trong khi ông chồng chỉ biết làm chồng, không biết dìu dắt, che chở. Truyện gợi xúc cảm rất mạnh nơi người con trai mới biết đọc. Hồi đó còn quá nhỏ tôi không biết truyện in ra có gây dư luận hay không. Sau này, ở Sàigòn, một dịp nói chuyện với anh Nhất Linh tôi có kể lại kỷ niệm đó và hỏi anh có đọc truyện đó không, khi anh còn nhỏ ở Cẩm Giàng. Hai mắt anh sáng lên cùng với trí nhớ bất đồ nhỏm dậy. Anh bảo, Có, có đọc, nhiều người cùng thời cũng đọc, nhưng sau đó ai làm chồng vẫn làm chồng, chẳng mấy ai nghĩ đến tình cảnh của vợ! Được thể tôi hỏi thêm, Truyện xưa có ảnh hưởng chi đến ‘Đoạn Tuyệt’? Anh cho biết có nhớ đến truyện đó khi sắp viết ‘Đoạn Tuyệt’ nhưng nội dung truyện của anh bao quát hơn, nặng về đề tài xung đột Mới Cũ trên đó bàng bạc mối tình lỡ dở của Loan.

      Tiến vững thêm trên quyết định, cùng với tuổi lớn tôi bắt đầu tự vấn, muốn nhưng phải làm sao. Tôi là thứ con ngoan biết noi theo nếp nhà, muốn chi cũng phải học đã. Đó là con đường tốt cho tôi, nếu không chịu mở mang kiến thức sao có thể viết được. Học đường đã giúp tôi rất nhiều, càng học càng tập được. Viên nem nướng của ông tướng  Hạ Hầu-Đôn luôn luôn nhắc tôi phải quan sát kỹ và nhớ thật rõ mọi thứ chung quanh. Mấy năm đi Hướng đạo cũng giúp tôi mài sắc con mắt quan sát. Nhờ quan sát kỹ những lúc xem mẹ dạy các chị học chữ Hán tôi  võ vẽ được khá nhiều chữ, chỉ ngắm Mẹ dạy viết chữ Hán tôi không được học mà còn nhớ mãi cho đến nay bí quyết nhớ mặt chữ và viết đúng cách: dùng ngón trỏ viết lên quãng không từng nét chữ ‘trên xuống dưới, nửa bên trái trước, nửa bên phải sau’. Những việc trong nhà, dưới bếp, tôi cứ theo dõi và nhớ, kết quả tôi vô tình biết làm nhiều thứ lắm. Một sự việc khá vui vui: Hồi tôi ở Đàlạt một mình, một năm Tết đến tôi thấy thèm bánh chưng Mẹ gói. Tôi thử nhớ lại Mẹ gói bánh ra sao và cứ theo trí nhớ xuống Chợ mua đủ thứ (may sao hồi đó Đàlạt khá đông bà con người miền Bắc nên có bán đủ món tết): trước hết là lá dong và lạt giang không có hai món này khó gói lắm, dĩ nhiên phải có gạo nếp, đậu xanh mảnh (nguyên hột không đãi vỏ được). thịt heo ba chỉ, tiêu, muối thì sẵn có ở nhà. Với bấy nhiêu vật dụng tôi cứ theo trí nhớ tuần tự làm những việc đã thấy Mẹ làm, chẳng hạn lá dong phải trần nước nóng cho mềm rồi lóc bỏ sống lá. Khi gói bánh tôi cũng nhớ cách xếp lá, đặt sợi lạt...Kết cuộc tôi gói được sáu cái bánh chưng chẳng vuông vắn đủ tám góc như Mẹ nhưng luộc xong đúng là bánh chưng Mẹ gói, ăn rất ngon.

      Ngoài chú ý quan sát và ghi nhớ để giúp chi tiết mỗi khi viết, việc quan trọng hơn nữa là tập viết. Tôi đã bỏ ra hai chục năm tập tành cho tới quá tuổi ‘bất hoặc’ mới thật sự viết. Hồi ở trung học tôi có may mắn được một bà thày vì biết tôi có xu hướng trở nên người viết nhà nghề đã hết lòng dìu dắt tôi viết...Pháp văn qua bao nhiêu khúc mắc của văn phạm và từ ngữ. Bao nhiêu hấp thụ mới nghe tưởng vô bổ nhưng sau này, cho đến bây giờ, khi tôi chuyển qua viết Việt văn những gì đã học được giúp ích tôi vô cùng. Ngôn ngữ nào cũng có văn phạm, lề lối viết riêng chỉ khác ở mức độ chặt chẽ hay lỏng lẻo, phức tạp hay đơn giản. Ngôn ngữ của chúng ta theo một khuôn phép khá lỏng lẻo, rất khó tranh cãi, viết thế nào đúng thế nào không đúng, miễn người đọc hiểu được là xong. Người viết phải tự mình phô diễn, độc giả tự tiện phê phán. Rất lâu trước khi thật sự viết tôi đã bị khựng lại trước điểm khó này và phải loay hoay tìm một lối thoát.

      Phải mở đầu như vậy để có thể đề rõ sự khác biệt giữa Pháp văn và Việt văn, một trở ngại khá lớn đối với tôi thời chuyển tiếp. Đã quá quen với một thứ văn phạm khó tôi rất ngạc nhiên khi xét kỹ thấy văn phạm Việt quá giản dị, quá dễ, gần như tùy ý người dùng. Dễ dùng nhưng không dễ cho người viết văn. Điểm này được chứng minh qua những áng văn xuôi của tiền bối nó nhịp theo văn Tàu. Thời xưa nếu không viết như thế trang sách nói, chứ không phải để độc giả đọc và thưởng thức. Sau này do ảnh hưởng văn học Tây phương văn Việt biến dạng rất mau, cung đốn cho độc giả một nền văn chương thật Việt Nam. Nhưng khác biệt gIữa Việt văn và ngoại văn vẫn còn.

      Không có tư cách chuyên ngữ học và không đủ giấy, tôi không thể trình bày chi tiết ở đây về sự khác biệt. Căn cứ trên kinh nghiệm riêng và của nhiều người khác, dịch Việt văn qua ngoại ngữ rất khó, chỉ có thể dịch thoát (đứng đắn hơn kiểu dịch mang tên rất đẹp là phóng tác) không thể dịch thật sát. Nguyễn Văn Vĩnh dịch Kiều phải kèm bên phần dịch thoát một phần dịch từng chữ một (mot à mot), một dịch giả Pháp cũng phải làm thế. Bốn thập niên trước, khi mỗi ngày trên nhật báo Mỹ đầy trang nhất hai chữ “Viet Nam”, giới xuất bản Mỹ đua nhau vồ món hàng tin rằng bán chạy nhưng bao nhiêu tính toán dịch sách Việt đều hỏng, lý do khó dịch, ít dịch giả đủ khả năng (kể ra cũng còn một lý do nữa, hàng có ăn khách không). 

2. Anh nghĩ sao về sự sáng tác của riêng anh?

      Khởi đầu nhất định chuyên về viết tôi đã có ý niệm rõ ràng về lựa chọn đó: tôi viết cho tôi trước hết, và để nói với độc giả nhiệt tình của người viết gửi trong chữ nghĩa viết ra. Lớn lên giữa những biến cố cuối thập niên 20 và dài sau năm đầu thập niên 30 tôi chịu ảnh hưởng nặng từ thời thế bên ngoài nên viết không để mua vui (hồi nhỏ tôi cứ tưởng viết truyện là để mua vui) cũng không chiều theo thị hiếu của độc giả. Tôi viết cho tôi vì cảm thấy viết được xuống giấy như giải thoát được điều  gì đang dồn nén trên tâm tư. Điều dồn nén trong tôi không hẳn cũng tương tợ đối với mọi độc giả; độc giả nào không chia sẻ tất nhiên cảm nghĩ ngược lại, tôi rất hiểu và không buồn/tức giận nếu gặp một phản ứng đầy ác tâm, do đó tôi không hề tranh cãi. Cũng nên ghi ác tâm hầu hết từ một đám người cùng nghề. Tôi cũng có những dịp hởi lòng tình cờ gặp mặt, hay nhận được thư, để nghe hay đọc những lời chê rất đáng yêu hoặc những lời khen tôi không dám nhận.

3.  Anh rất chú trọng đến phụ nữ, từ trong sáng tác cho đến vài vấn đề lớn liên quan đến họ.   Cố ý hay vô tình?

      Có hai ấn phẩm khiến tôi chú trọng tới cái nửa già của nhân số Việt Nam (nơi khác cũng thế) là phe nữ. Tôi mê truyện từ thuở mới biết nghe đọc (chưa tự đọc được), mê vì truyện bắt nghĩ ngợi xa hơn tình tiết truyện. Khi bắt đầu đọc được quốc ngữ tôi bắt gặp một truỵên mỏng mô tả cảnh làm dâu của một cô gái giữa những mẹ chồng và bà-cô-bên-chồng, tựa truỵên 'Một cảnh làm dâu'. Ấn phẩm thứ hai là số đầu tập san 'Phụ Nữ Tân Văn' với trang bìa in hình ba phụ nữ, Nam bới tóc, Trung vấn tóc và Bắc vấn khăn, kèm hai câu sáu tám, 'Phấn son tô điểm sơn hà/ Sao cho tỏ mặt đàn bà nước Nam'. Hồi đó báo Nam (cởi mở hơn) không được lưu hành ngoài ranh giới thuộc địa Cochinchine nhưng tư nhân lén đưa ra Hànội được. Nội dung báo hưởng ứng phong trào phụ nữ đang lên ở ba miền, nó gãi đúng sự chú trọng của tôi. Địa vị và vai trò của người nữ trong gia đình và ngoài xã hội đáng chú trọng lắm chứ; ai chẳng có mẹ, chị, em gái, bạn/người yêu, vợ, con gái, để quan tâm và yêu thương. Bao giờ tôi cũng tin rằng phái nữ chỉ có một đường ra khỏi cũi của cụ Khổng là trở nên hữu ích không riêng cho gia đình nhỏ, chồng con và tứ thân phụ mẫu, mà hữu ích cho xã hội. Ra khỏi cũi Khổng bây giờ cũng có thể gặp nguy cơ là cái cũi do bọn International Socialist (cựu Đệ-Tứ còn sót lại sau những tàn sát của Stalin) liên minh với lũ thày liberal nắm giữ các đại học trên quốc tế đang ra sức engineering xã hội dưới danh nghĩa political correctness.

4. Nhà văn Võ Phiến có viết về nhóm Quan Điểm (nghĩa là anh và các bạn anh) như sau:”Không làm cách mạng được thì làm dáng”. Anh nghĩ sao? Nhất là về hai chữ “làm dáng”?

      Cụm từ ‘làm dáng’ do chính tôi bày ra. Trong ‘Siu cô nương’ một nhân vật đi Paris tới khu Opéra mua một lọ nước hoa về tặng người bạn gái kể với bạn rằng bị cô đầm bán hàng bơm thử chút nước hoa đó lên áo làm cho anh chàng vội về hotel thay bộ áo khác sợ ai ngửi thấy bảo là chàng làm dáng. Thanh Tâm Tuyền, họp với vài người trong nhóm Sáng Tạo bàn chuyện dìm truyện của tôi, đã túm lấy cụm từ làm dáng đưa lên tựa bài đả tôi (Văn nghệ làm dáng). Ý độc của Thanh Tâm Tuyền tôi cũng bỏ qua. Thử hỏi mấy cừu a dua Thanh Tâm Tuyền dùng cụm từ ‘làm dáng’ rằng trong Việt ngữ làm dáng nghĩa là gì, một người nữ nếu không làm dáng liệu có ai làm thơ ca tụng sắc đẹp, chút hồng lên má chút son tô môi đều là làm dáng, nói năng êm tai cũng là làm dáng. Muốn chê nhè nhẹ thì kêu cô bé làm dáng QUÁ. Chê tôi nâng cao phẩm chất tác phẩm của tôi (nội dung và hình thức, tư tưởng, lời văn, trình bày) bằng cách ra ngoài khuôn mòn đặt ra từ ngày nhà văn VN bắt đầu viết theo kiểu tác giả Tây (xưa ít đọc ngoại ngữ khác) chỉ có ác tâm (bực vì nó đi trước!) mà thôi. Sau này có những anh em trẻ bảo tôi, Bị chê làm dáng là khen. Nội dung cũng như hình thức truyện của tôi rất khác với mọi truyện đã in ra thời đó. Tôi cố ý làm dáng cho tác phẩm của tôi, truyện đó cũng như mọi truyện ngắn dài khác của tôi. Tà Cúc ơi, tôi đã được Thày đặt cho bút hiệu Mặc Đỗ (họ Đỗ trầm lặng, khiêm cung) tôi rất chịu và cố giữ mãi như vậy, nhưng nếu tôi có lấy làm hài lòng về tôi thì do tôi đã làm-khác được truyện VN từ đó (Khoan kể lại với tôi Đỗ Đức Thu đã lấy làm ngạc nhiên hỏi Khoan, Sao anh ấy lại viết như thế nhỉ? khi bàn tới truyện của tôi, Khoan bảo, Tao chỉ cười thôi) Bây giờ được đại văn hào mỉa cả bọn làm dáng thì cũng hay! 

      Ngoài ra, vụ đó nằm trong một mẻ “ngu” lớn xuất phát từ xu hướng xô sang tả vì chớm phải bả ‘giải phóng thuộc địa’. Kéo dài cho tới khi ‘trắng mắt ra’ ai viết ngoài địa hạt bình dân nghèo khổ đều bị bài bác. Tôi nghĩ viết không phải để cãi cho đám đông nghèo khổ, viết để đưa ra mọi mặt của xã hội đương thời, để độc giả thấy và ngẫm. Hồi đó tôi mô tả xã hội mà tôi quan sát được (vì gần bên) cũng ngầm bêu cái xã hội đó và vô tình giải thích được tại sao cơ hội ngàn năm một thuở cả nước bỏ qua mất.

5. Xin anh cho biết thêm về nhóm Quan Điểm.

      Tôi luôn luôn nghĩ rằng ngả tìm hiểu anh em chúng tôi là ngả sách, bài đã viết in ra, đừng tìm tòi hơn làm gì, vì chúng tôi chỉ là những con người tầm thường, chẳng có gì đặc biệt (đúng như trong thư và 'tuyên ngôn' Viên Linh  công bố trong số chủ đề Vũ  Khắc Khoan)

      Chúng tôi không nhìn tiểu tư sản như một giai cấp. Đó là thành phần đông nhất trong một xã hội, thành phần năng-lưu (mobile) nên rất năng-động. CS thích phân chia giai cấp cho nên có vụ 'giai cấp mới' rồi bây giờ lại có 'tư bản đỏ'. Theo Simon Leys trong Ombres chinoises (Union générale d'Edition, Paris 1977) tại Trung Cộng nay có 30 (Leys viết rõ 'trente classes' trong sách) giai cấp căn cứ theo trình độ được thụ hưởng phúc lợi Nhà Nước, trong một giai cấp còn phân ra nhiều giai cấp. Lập trường tiểu tư sản luôn luôn được đề rõ qua những gì chúng tôi viết ra. Chúng tôi không làm cách mạng (như ông Võ Phiến buộc vô bằng) chúng tôi không lập hội kín (Tà Cúc và Viên Linh nắm tay cùng làm Khởi Hành có là làm hội kín không). Thí dụ, từ Plato với cuốn Republic đến Thomas Moore với cuốn Utopia, và sau đó bao nhiêu người khác, dùng sách đưa quan điểm chính trị, xã hội, ra đều làm cách mạng, lập hội kín chăng.

Nhưng tôi rất buồn rằng nhóm nuôi kỳ vọng nhưng chưa làm được gì đã lần lượt lá rụng, vì thế tôi chán chỉ muốn quên đi không muốn nhắc chuyện cũ (chúng tôi in được gì thì đó là chúng tôi/đừng tìm hiểu thêm) Chúng tôi là một nhóm anh em quen biết nhau từ lâu, tuy mỗi người là một quả núi nhưng có một quan điểm chung (loài người mang nặng bịnh tham, trong mọi xã hội thành phần trung lưu vì năng-lưu trên những nấc thang xã hội nên năng-động, tạo hạt nhân cho tiến hoá về mọi phương diện), chúng tôi ngồi lại cùng khai triển quan điểm đó, ôn hoà KHÔNG CÁCH MẠNG. Hồi tôi tìm hiểu để viết cuốn ‘Thế giới TTS' nhận thấy vấn đề nặng tính kinh tế hơn mọi cạnh khác trong khi anh em hiện không có ai chuyên ngành đó (vấn đề còn nhiều phần rộng hơn điểm thiếu này) nhóm có khựng lại là vì thế, cần tìm thêm anh em. Thế rồi hoàn cảnh chung đổi thay. NHÓM không có hoạt động công khai với tư cách một nhóm, chỉ có cá nhân mỗi người ở một cương vị có những hoạt động công khai. Chúng tôi cũng có những thế hệ sau, tương lai tùy nơi cố gắng của những em đó, cũng tùy hoàn cảnh nữa. 

      Anh em trong nhóm Quan  Điểm có những người có một quá khứ riêng nếu đem gom những hoạt động TRƯỚC KhI THÀNH NHÓM và bảo rằng của nhóm thì sai. Chúng tôi ngồi lại với nhau vì là bạn và thấy đồng một quan điểm, mạnh ai người ấy phát huy quan điểm (thật ra quan điểm của Quan Điểm chẳng riêng gì của Quan Điểm, nó là của chung của đa số người Việt Nam, chúng tôi chỉ có tham vọng tập đại thành quan điểm chung đó)  Điểm rõ nét của nhóm Quan Điểm, anh em chúng tôi chẳng ai giống ai. Chúng tôi ngồi lại với nhau được vì ai cũng biết trọng tự do của người khác. Có một điểm giống, ai cũng tin nơi cái lẽ THAM Phật dậy;  con người sinh ra để tham cho nên không thể nào vô sản, nhưng ấn định cái mức có như thế nào thì chưa ai trên mặt đất này định được, nhất là thực hiện cái mức lý tưởng đó. Còn tham con người còn khổ, viết để mô tả nỗi khổ. Khi cầm bút chẳng ai giống ai được, vả lại nếu hai người viết giống nhau thì một người phải vội vàng vứt bút đi. 

      Còn nhà xuất bản Quan Điểm do tôi lo, chẳng có Duy (tức là Duy Dân -chú của người phỏng vấn) nào ở sau lưng hết. Sách in tại nhà in nào tôi quen và giá rẻ. Mãi sau có mấy người bạn lập nhà in Hợp Lực mời (tôi ghét dùng chữ Mời) đặt trụ sở tại đó với điều kiện độc quyền in.

6. Anh nghĩ sao về Văn Học Miền Nam? Đã có sự kêu ca rằng Văn Học Việt Nam luôn luôn thiếu người phê bình. Văn Học Miền Nam càng thiếu người phê bình có những tác phẩm cho trọn vẹn mà lý do lớn nhất là sau khi MN mất, họ đã không được tiếp tục viết nữa. Tại hải ngoại đã lục tục có vài người nhân danh nền văn học ấy như Võ Phiến hay xuất hiện một vài tay em (“em” ở đây có nghĩa là chưa đủ bản lãnh văn nghệ và kiến thức qua sự truy cứu một cách nghiêm chỉnh) để phê bình VHMN. Người phỏng vấn anh, cũng là một người phê bình, rất muốn biết ý kiến của anh về vấn đề này.

      Cho tới nay, tôi chưa hề đọc những đại luận văn học của nhà văn Võ Phiến. Ông bạn Võ Thắng Tiết có hảo ý gửi cho cùng với mấy cuốn khác mới ra lò của nhà xuất bản Văn Nghệ trong số có cuốn đầu trong bộ phê bình văn học lừng danh. So tư cách tác giả (tôi biết khá rõ) với bề dầy của công việc toan làm tôi đã không muốn đọc nhưng cũng thử xem chú-thợ-giầy-của-La Fontaine-muốn-leo-cao-hơn-giầy-dép có tự đánh giá cao không, đọc mươi trang thấy quả là có, tôi buông sách và từ đó không bao giờ biết có bộ sách danh tiếng, mãi khi đọc Tà Cúc trên Khởi Hành tôi mới thấy nó to quá. 

      Tôi chỉ đọc một ít trang, vì tôi tò mò thử xem Võ Phiến luận về Võ Phiến ra sao cho nên sau đó, trả lời thư một ông nhờ tôi lựa một số truyện ngắn các tác giả Việt Nam để dịch ra Anh văn (chắc hẳn rấp ranh có một vụ grant nào đó), tôi trả lời rằng tôi cũng viết truyện ngắn nếu tôi lựa hay không lựa truyện của tôi sẽ lâm cái nạn Võ Phiến-thẩm- định-về-Võ Phiến, tốt hơn nên nhờ một vị giáo sư đứng ngoài vòng. Đọc thư phỏng vấn của Tà Cúc, tôi mới biết Võ Phiến không những chê tôi làm dáng còn chê chung cả bọn. Viết truyện không hiểu nghề viết truyện lại đòi phê bình người khác. Tôi từng đọc thấy qua lời viết của một số con-chiên hiểu cụm từ làm dáng qua giáo huấn của “thày” Thanh Tâm Tuyền, nay được biết đại văn hào cũng là con chiên của “thày” đó. Thái độ của tôi như vậy nhưng tôi sẵn sàng, và vui, đứng bên Tà Cúc trong công việc Tà Cúc đang theo đuổi. 

      Về trường hợp viết sách phê bình tôi nghĩ rằng làm ngự sử văn học cần nhiều điều kiện kiến thức và tư cách (làm thơ viết văn có thể do có khiếu và cũng chịu học tập kỹ). Kiến thức của ông nhà văn quèn, công chức tỉnh nhỏ học hành đến đâu, lương tâm chức nghiệp (phê bình) có tương xứng không, liệu có đủ tin? Tư cách hạng bét mà dám đứng ra xin tiền để làm một công việc xét định về tác phẩm của bao nhiêu người khác, xét định không những về tác phẩm mà còn về con người và đời sống, hoạt động của những người khác (làm vậy là định bôi xấu, vu cáo người chứ không phải phê bình văn học). Người chẳng có bao nhiêu kiến thức vớ được tiền ăn xin tức thì nhẩy lên địa vị phê bình để phê bình toàn thể người cùng nghề với mục đích rõ rệt đội mình lên địa vị độc tôn với ý mong sử sách sau này ghi nhận mãi. Tham cỡ đó chẳng đổi được, chỉ khi nào bị đau quá tỉnh ngộ vội nhờ cõng vô emergency để y sĩ giải phẫu cắt cái tham đi. 

      Chúng ta có một lợi điểm rất nặng: bọn viết báo viết sách đó THIẾU TƯ CÁCH để làm việc đó. Thí dụ có người viết 'hồi kí' nhưng tuổi tác và thân-phận-thật có tư cách gì  để BIẾT bao nhiêu sự việc trong 'hồi kí'. Đại văn hào vỗ ngực chịu ảnh hưởng Proust nhưng nhìn vào sự nghiệp của ổng không thấy một lông chân của Proust. Từ tuổi lớn, đi học, Proust khâm phục Freud và thuyết phân tâm của Freud, vì bịnh Proust lui về vùng quê, để áp dụng triệt để phân tâm vào tác phẩm, gốc gác của Proust là giai tầng quý-phái Pháp, môi trường truyện cũng là đó. Mơ hồ về Proust thì làm sao hiểu nổi bao nhiêu người viết khác để phê bình.  Hơn nữa không ai phút chốc nhẩy tót lên bàn vỗ ngực nhận là phê bình gia, phải học nhiều lắm, kinh nghiệm nhiều lắm! 

7.  Trong tạp chí Văn Học, số đặc biệt “Văn Nghiệp Võ Phiến”, có đoạn như sau: ”Võ Phiến chủ trương tạp chí Văn học Nghệ Thuật...Cùng làm việc với ông có Lê Tất Điều, Mặc Đỗ.” (Trần Long Hồ, VH  số 150-151  trang 134, tháng 10&11. 1998, sđd). Sự kiện này rất lạ. Tà Cúc chưa bao giờ đọc thấy ở đâu là anh “làm việc” với hai người này cả. Sự thực ra sao? Nếu không đúng thì càng lạï hơn nữa vì VP  phải đọc chi tiết này trên bài của Trần Long Hồ. Như thế tại sao Võ Phiến không cải chính? Trần Long Hồ lấy tài liệu này ở đâu mà viết? Từ Võ Phiến chăng?

      Hồi mới qua đây anh em còn loạc choạc ai ra báo tôi cũng sốt sắng góp bài góp ý nếu hỏi, nhưng tôi chẳng ngồi trong báo nào hết, vì ở xa cũng có và cũng vì còn phải lo mọc rễ trên đất mới, bận lắm. Tôi nhớ tờ 'Bút Lửa' (?) của LTĐiều ra số đầu gửi tặng tôi, tôi liên tình gửi tiền mua một năm, Điều trả lại tiền, viết thêm đại khái 'anh có công với văn học Miền Nam lắm, tặng anh chứ đâu lại để anh mua'. Khi tờ 'VHNT' ra tôi cũng có viết một hai bài, báo có gửi biếu cho tới khi có ông chủ trương mới gì đó thì thôi. Ông Trần Long Hồ viết như thế hân hạnh cho tôi quá!

8 . GS Nguyễn Văn Trung là người nhắc đến việc một số các tạp chí văn học của Miền Nam đã nhận sự tài trợ của chính phủ Ngô Đình Diệm hay Hoa Kỳ với một thái độ điển hình như sau “Bây giờ viết lịch sử văn học, báo chí thời Đệ Nhất cộng Hòa, thiết tưởng về xuất xứ, phải trả Sáng Tạo cho USIS, cơ quan chủ trương Sáng Tạo..” (Văn Học Trong Vòng tay Chính Trị). Thái độ ấy lại được bầy tỏ cách khác nữa qua một vài người  viết lách ở hải ngoại, thiếu hiểu biết về Văn Học Miền Nam mà lại bị nhược điểm là không quen biết sâu xa với nhiều nhà văn Miền Nam hay có khi chỉ quen biết với cặn bã của nền văn học này, đã lập lại như con vẹt : "Giảm mối âu lo tài chánh để rồi tai tiếng như tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo đã nhận trợ cấp của phòng Thông Tin HK...” (Trần Vũ, Hợp Lưu số 67, trang 30). Chúng ta có thể biết rõ hơn về hoàn cảnh, sự suy nghĩ của những nhà văn MN từng làm báo-như Mai Thảo với Sáng Tạo- qua kinh nghiệm của anh với tờ nhật báo Tự Do hay không?

      Nghị định cho phép Tự Do chính tôi ký (Công Báo VNCH, CS còn giữ đủ bộ tại thư viện SG), tôi tập hợp ban chủ trương, suốt thời kỳ TD hoạt động, mọi sự việc hoàn toàn do chúng tôi. Khởi đầu trào di cư có một số là chuyên viên báo, để bày một nơi làm việc cho những anh em đó, đồng thời dựng lên tiếng nói của người di cư và đề cao lý tưởng tự do dân chủ, tôi bàn với Khoan (hồi đó cùng ở bộ Thông tin) nên cho ra một tờ báo. Tôi đứng ra mời anh Tam Lang vì ảnh to đầu nhất trong đám nhà báo di cư và rất đứng đắn. Có giấy phép rồi phải lo tìm vốn. May sao có tổ chức quốc tế International Rescue Committee (IRC) đại diện tới SG là ông Joseph Buttinger sẵn sàng tài trợ cho tờ báo. Nếu chúng tôi không biết rõ về gốc gác và chủ trương của IRC thì nhất định không tìm và nhận tài trợ và đã không có tờ Tự Do, hoàn toàn không có chuyện  chính phủ Diệm can dự. Tuyệt đối chính quyền VN không bỏ ra một xu nào. Từ phút đầu tôi nghĩ ra, bàn với Khoan đồng ý cho tới ngày cuối cùng của tờ báo tuyệt đối không một ảnh hưởng nào từ bất kỳ đâu tới đường lối và hoạt động của tờ Tự Do. Chính quyền VN cử ông Bộ Trưởng phủ Thủ Tướng đứng ra nhận tiền. 

      Ban chủ trương (in rõ mỗi ngày trên măng-xét) chỉ có Tam Lang, Vũ Khắc Khoan, Đinh Hùng, Mặc Thu, Như Phong và tôi; có bốn người quen biết từ lâu, MT và NP mới gặp ở SG di cư. Anh Tam Lang chủ nhiệm lo điều hành, Mặc Thu lo trị sự tiền bạc, Vũ Khắc Khoan là người trực tiếp liên lạc với J. Buttinger của IRC, tôi không dự. Sau một lượt tài trợ ban đầu, TD tự nó đứng vững (lập trường hợp với độc giả di cư, tài tổ chức bán báo lo trị sự) còn có lời là khác. Tuy ở trong ban chủ trương VKK rất ít đến tòa báo và không hề viết một bài. Tôi lo cho TD chạy đều rồi thì để anh em làm vì Khoan với tôi không chờ đợi dùng tờ báo vào mục đích nào khác hơn là như ngay từ đầu (công việc cho một số ký giả từ Bắc rút vô, đưa tiếng nói di cư, đề cao dân chủ tự do chống CS), gần như liên tục từ đầu đến đuôi (đôi khi tôi đi vắng xa) mỗi ngày tôi viết một bài ngắn in ở góc trái cuối trang nhất, viết xong ghé tòa báo nộp anh TL rồi đi lo công viêc; ít khi tôi ngồi lâu ở tòa báo trừ một thời kỳ trưa nào tôi cũng phải đến để gợi ý cho họa sĩ Phạm Tăng vẽ tranh ngạo chính trị mỗi ngày (họa sĩ này ít gần chính trị nhưng vẽ được). 

      Tờ báo thành công rực rỡ đồng thời với chính quyền quốc gia di xuống Hải phòng rồi rút lui hẳn khỏi miền Bắc. Có một số nhân viên Thông tin Bắc việt muốn nhẩy vào ban chủ trương Tự Do nhưng không được, lý do dễ hiểu: mọi sự khởi đầu nan, nhóm ban đầu có công gây dựng phải được giữ, với công việc đang chạy khó thay đổi lớn, tuy nhiên hết thảy nhân viên Thông tin ở Bắc vô ai muốn đều có công việc trong tòa báo. Lâu ngày, tôi không nhớ rõ bao lâu sau, tôi hay tin chính quyền hội Ngô đang muốn nắm giữ tờ báo. Tôi bàn với Khoan nếu muốn gỡ thế kẹt sau đó sẽ khó chi bằng chấm dứt hoạt động để mặc họ sau đó ra báo khác hãy tiếp tục. Quyết định bỏ Tự Do tôi bàn với Khoan, Đinh Hùng rồi hỏi ý anh Tam Lang, anh đồng ý tiến hành. Bỏ Tự Do có nghĩa là bỏ lại hết những sở hữu, sở đắc của tòa báo. Một thời gian ngắn sau đó báo được tái bản với một chủ nhiệm (không có Ban Chủ trương) và một ban biên tập chọn lọc. Tự Do mới thừa hưởng những gì sẵn có. Tự Do cũ với tài trợ của IRC để thực hiện ba mục đích trên. Sinh hoạt của tờ báo về mọi phương diện ở trong một tình thần hoàn toàn tự do, không có sự kiểm soát hay ảnh hưởng của tổ chức tài trợ cũng như bất kỳ ai khác ngoài nhóm chủ trương.

      Bọn cán bộ của Nga sô tại VN hay mỉa mai chuyện cầm tiền của người ngoài!!! Tôi nghĩ rằng thời đó Mỹ dàn trận ngăn Cộng (tất nhiên mưu lợi cho Mỹ trước hết) ta có cầm tiền của Mỹ để chống Cộng thì có sao, miễn  là đừng không chống Cộng lại bỏ túi riêng. Báo Tự Do nhờ có tiền của tổ chức IRC (không phải nước Mỹ) mới có mặt ở Sài Gòn chống Cộng và tay sai của Pháp, tôi chẳng thấy xấu ở chỗ nào. Đến khi Tự Do vào tay điều khiển của Trần Kim Tuyến thì khác, nó im tiếng sau khi nhà Ngô hết. 

9 . Những người đã từng viết, đã từng tham dự vào một giai đoạn lịch sử qua ngỏ văn chương dĩ nhiên không thể tránh được sự nhận xét hay phê bình. Nhưng có những sự mà chúng ta phải gọi là phỉ báng khi người viết bịa đặt quá sức với một ác ý rõ rệt, là nhắm tiêu hủy danh dự của người bị nhắc đến. Một trong những cuốn như vậy đã nhắc đến những người như Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, cho rằng họ có dính líu tới việc thành lập Đảng Cần Lao và cũng viết rằng anh là đảng viên đảng Duy Dân. Có đúng không? Anh nghĩ sao về những cuốn sách đại loại như thế? Phản ứng của anh?

      Tôi đã biết cuốn sách đó nhưng không đọc và tôi đã bắt chước, dùng lời của ông Tướng Nguyễn Khánh tự nhủ, rồi yên bụng quên vụ đó đi. Số là trong một dịp họp nội các sau khi ông tổng trưởng Ngoại Giao tường trình về một vụ gì đó ông tướng ra huấn lệnh, Cứ coi như nơ-pa. Ông Tổng trưởng ậm ùa nghe lời và vội về Bộ hỏi ông Đổng lý, Cứ coi như nơ-pa là thế nào? Cũng may ông Đổng lý là người trẻ thạo thứ Pháp ngữ hè phố đó, nếu không đã phải chờ cuốn Tầm nguyên Từ điển Lê Ngọc Trụ! 

      Tôi bắt chước danh ngôn coi cuốn sách như nơ-pa vì một lý do trọng đại gấp trăm lần hơn. Tôi nghĩ rằng từ Thế chiến II và sau đó bao nhiêu triệu người Việt già trẻ lớn bé nam nữ, có mặt đã đánh mất cơ hội ngàn năm một thuở đất nước có thể khôn khéo và đoàn kết tìm cách thoát được đô hộ; đánh mất vì bên trong đa số lo vinh thân phì ra, rời rạc mạnh ai nấy lo thân, bên ngoài một phần thờ ơ, quên gốc, một phần say bả ‘giải phóng thuộc địa’ của Nga sô. Cơ hội đến đã không nắm được  lại tiếp tục xâu xé nhau, tàn phá hương hỏa, đưa tới thảm trạng ngày nay, chưa biết gỡ khỏi cách nào trong khi tình hình quốc tế bất lợi và ngày một trầm trọng. Nông nỗi nhục nhã đó tôi nghĩ hết thảy mọi người Việt, đối diện với những dân tộc khác trước đây đồng cảnh, đều phải cúi mặt chịu nhận đừng đổ thừa cho ai. Bao triệu đồng bào chịu nhục như thế thì một người hay một số nhỏ người có bị bôi nhọ, kết tội, đến đâu có thấm gì. 

      Nhưng Tà Cúc đã hỏi thì: có vài ba người là đảng viên Duy Dân kỳ cựu (Lê Quang Luật là bạn thân của mấy anh em chúng tôi, nhưng không ở trong nhóm). Anh em tuyệt đối tôn trọng tự do của nhau về mọi phương diện , trong khi nhóm tuyệt đối không chịu ảnh hưởng của bất kỳ một đảng phái nào. Riêng tôi xác định rõ, Tôi không là đảng viên Duy Dân, không cả đảng nào khác, tuy có quen khá thân với nhiều anh em ở các đảng; tôi không thích ép mình vào một kỷ luật đảng. Đảng viên Cần Lao không đến nỗi ngu phải đi mua lý thuyết của đảng khác, họ thiếu gì người đủ kiến thức. Khoan, Hồng với tôi khá thân, đủ thân đến độ anh nào có món tiền to là anh em biết ngay. Tập lý thuyết được bảo là của đảng ‘Bình sản’ do mấy anh em ban đầu viết ra, nó chẳng ghê gớm đến độ Cần Lao phải đánh đổi đủ thứ để có. Tôi có một bản, xếp trên kệ cùng mọi sách khác, nếu hồi đó ai muốn có thì cũng dễ lấy cắp lắm, can chi phải bày chuyện hoang đường như trong cuốn sách kia.

      Tôi coi cuốn sách đó như nơ-pa vì tôi cũng biết và tin rằng sử học bây giờ đang tiến rất xa, sử gia có trong tay những phương tiện truy cứu trước chẳng thể có, sự thật dễ dàng được phanh ra, lo gì những trò spinning đủ kiểu luôn luôn được đưa ra trước công luận. Điểm quan trọng là mỗi người trong cuộc khi đứng trước gương nhìn thẳng được vào mắt thằng (hay con) trong gương không chớp mắt, thế thôi

10. Cuối cùng, ý của anh về Văn học Việt Nam hải ngoại?

      Người trong cuộc biết ăn nói sao cho phải phép? Tôi không thể nằng nặc khen, tôi cũng không thể đột nhiên nhảy tót ra ngoài cuộc để vểnh môi chê bai đủ thứ. Tôi nghĩ việc phê phán cho thật đúng, thật lương thiện, phải để dành cho đời sau. Bây giờ ai chê ta biết liền tại sao, mưu toan gì mà chê. Ai khen ta thành thật với chính ta phải cười xòa bảo, Gớm! cái đuôi của tôi dài có bây nhiêu mà Mèo khen quá khiến tôi phát ngượng!

      Điểm đáng nêu ra là: từ 1954 đến 1975 người ở ngoài nhìn bằng con mắt khách quan phải nhìn nhận rằng những người Việt Nam từ Bến Hải tới mũi Càmau có tự do (không có thứ tự do nào tuyệt đối cả) và những người làm văn học nghệ thuật cũng như mọi sản phẩm của họ đều  có màu sắc, tư cách, tự do.

      Nguyễn Tà  Cúc : Cảm ơn anh./.

***Những tài liệu trong bài phỏng vấn này sẽ được sử dụng trong một bài viết về nhà văn Mặc Đỗ (và nhóm Quan Điểm)  năm tới.