Để theo dõi tin tức bình luận sinh hoạt nữ trí và văn học,
văn học và đại chúng, mời đọc:

NGƯỜI MỚI

Diễn Đàn Văn Học và Phụ Nữ - Nguyễn Tà Cúc chủ trương.

ÔN CỐ TRI TÂN:
SỬ TA SO VỚI SỬ CỘNG SẢN
Nguyễn Tà Cúc

Trước khi bị quân Pháp giết vào năm 1947, học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đang viết dở dang cuốn Sử Ta so với Sử Tàu mà ông đã viết thành từng kỳ, đăng trên hai tạp chí Thanh Nghị và Tri Tân.  Ông kết luận như sau ở cuối đoạn Mở Đấu cho cuốn sách này:

-“…Còn một việc nữa, làm ngay được, mà chưa ai để ý là đem sử chữ Hán của ta ra đối chiếu với sử Tàu.  Tôi định lấy những đoạn chưa ai chép ra quốc ngữ, so sánh xem hai đàng khác nhau thế nào : việc ấy rất dễ nhưng cũng không khỏi thiếu, song cũng nên làm, thì mới mong sau này bổ cứu dần dần để giúp vào việc tổng hợp.” (Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Đại Nam dật sử-  Sử Ta so với Sử Tàu, Hà nội, 1997, trang 421).

Một trong những đoạn sử ông đưa ra so sánh là việc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, mà ông gọi là “phất lá nghĩa kỳ cho nước ta đầu tiên”.  Ông duyệt qua các sách sử của ta như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký- tiền biên có chép câu “Trắc phu vi Định sở sá, Trắc thù chi” (nghĩa là “chồng bà Trưng Trắc bị Tô Định giết, bà Trưng Trắc sinh thù ”); hay như trong Đại Việt sử ký toàn thư có câu  “Vương khổ Tô Định thằng dĩ pháp, cập thù Định chi sát kỳ phu, nãi dữ muội Nhị cử binh” nghĩa là “bà khổ vì Tô Định bắt buộc phép tắc lạt thù Tô Định giết chồng bà nên cùng em là bà Nhị khởi binh”  vv để so với sử Tàu và chứng minh ở trường hợp này, Sử Ta sai lắm.  Theo ba cuốn quyển sách Tàu như Hậu Hán Thư (q. 24, tờ 2a, dòng 20), Việt Kiệu thư (q.3, tờ 6b) và An Nam chí nguyên đều chép hầu giống nhau là:

-“Trưng Trắc giả My Linh huyện Lạc Tướng chi nữ giá, giá vi Chu Diên nhân Thi Sách thê, thậm hùng dũng. Giao Chỉ thái thú Tô Định tham bạo, dĩ pháp thằng chi, Trắc nộ dữ muội nhị phản” nghĩa là “Trưng Trắc là con gái quan Lạc Tướng huyện My Linh, gả làm vợ Thi Sách ở huyện Chu Diên ; là người rất hùng dũng : thaí thú Giao Chỉ là Tô Định tham lam độc ác, bắt buộc luật pháp.  Trưng Trắc giận cùng em là Trưng Nhị làm phản…” (trang 491-492, sđd, chữ in ngả là cuả Nguyễn Văn Tố)     

Bởi vậy, theo ông: “Xem ba quyển sách Tàu chép như thế, rõ ràng là vì Tô Định tham bạo nên Bà mới khởi binh ; chứ không phaỉ vì thù riêng mà khởi binh như sử ta đã chép.” (trang 492, sđd)  Càng đáng chú ý là ba chữ “thậm hùng 
dũng” mà khi dịch ra, ông đã viết nghiêng “rất hùng dũng”. 

      Nhưng sáu mươi năm sau khi Nguyễn Văn Tố ngã xuống ở Bắc Cạn (1), người Cộng sản đã viết sử như thế nào về Hai Bà Trưng?  Hãy đọc cuốn thơ tuyển song ngữ Vietnamese Feminist Poems-From Antiquity to the Present (tạm dịch “Thơ Nữ quyền Việt Nam-Từ Thượng cổ đến Thời nay”) mới xuất bản năm 2007 tại New York.  Quyển này do bà Lady Borton - một đồ đệ trung thành của ông Hồ và các bà “nữ tướng” cộng sản- viết lời giới thiệu. Về Hai Bà Trưng, bà Borton viết như sau: 

-“Trưng Trắc và Trưng Nhị […] học võ khi còn niên thiếu.  Sau khi (hai) người chồng của hai bà tử trận lúc giao chiến với quân Trung Hoa, hai chị em Bà Trưng cưỡi  voi và nắm quyền chỉ huy của một đoàn quân mà nhiều nữ tướng vẫn được còn biết đến tên. Việt Nam nổi tiếng về truyền thống lâu đời với các viên võ tướng mà đồng thời cũng là những thi sĩ, nhưng ít người nhận ra rằng thói quen kết hợp võ và văn cũng đã bắt đầu từ một người đàn bà.  Vào năm 40 trước Công nguyên, Bà Trưng Trắc bước lên bục tại cuộc lễ chào cờ trước khi xuất quân chống  lại quân Trung Hoa.  Đứng trước các viên tướng của bà, bà rút kiếm ra khỏi vỏ và đọc bài thơ bốn câu lục bát  “Lời thề sông Hát” […]  (như sau):  Lời thề thứ nhất: đuổi sạch quân thù; thứ hai: Dựng lại karma(?) cho nhà Hùng; thứ ba: trả thù chồng; thứ tư: làm tròn lời nguyền này…” (2)

Quyển tuyển tập trên do Nhà Xuất Bản Phụ Nữ hợp tác với một nhà xuất bản Hoa Kỳ ấn hành với hai phụ nữ Việt đồng chủ biên nên không thể nói là họ không đọc những đoạn trên.   Bà Borton viết là “những” (trong trường hợp này là hai) người chồng với chữ “their husbands”.  Lịch sử Ta và cả Tàu nữa đều không xác định về chồng bà Trưng Nhị. Hơn thế nữa, “dựng lại karma cho nhà Hùng” là ngụ ý gì?!  Tệ nhất, lập lại cái lỗi của những quyển sử Việt Nam mà Nguyễn Văn Tố đã chỉ ra, bà Borton đã viết  “sau khi chồng của các bà bị giết”, Hai Bà (mới) “nắm quyền chỉ huy” (sđd).  Thế trước đó Hai Bà không nắm quyền à?  Viết như thế là không hiểu gì về lịch sử Việt Nam cả.  Sự thiếu hiểu biết này còn bầy tỏ rõ ràng hơn nữa ở bài thơ “Trưng Nữ Vương” của Ngân Giang được chọn đăng (trang 114, sđd), có những câu …thậm vô lý như sau:

Thù hận đôi lần chau khóe hạnh 

[…]

Hồn người chin suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi

[…]

Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời

[…]

Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ loi.

Đọc bài thơ than khóc này thì khó ai biết rằng Bà Trưng đã được chính người Tàu phài nhận là “thậm hùng dũng” và bà đã chống lại người Tàu không để trả thù chồng mà để giải phóng đất nước.  

Chúng ta đã “ôn cố” nay “tri tân” xem Sử của Ta, của Việt Nam khác với Sử Cộng sản như thế nào, nhất là sử Văn Học. Chúng ta sẽ sử dụng chính tài liệu của họ để so sánh khiến cho thứ nhất họ không thể cho rằng chúng ta vu cáo họ, thứ hai để xét xem sự gian trá của Sử Cộng sản sẽ thuộc vào phần nào trong lịch sử Việt Nam.

I  -SỰ MAN TRÁ CỦA SỬ CỘNG SẢN

1- Sử Cộng sản từ thập niên 60

      Cho đến nay, sử sách trong nước vẫn gọi cuộc xâm chiếm Miền Nam là một cuộc “kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gìải phóng đồng bào Miến Nam” và trước đó, sự thống lĩnh miền Bắc là bắt nguồn từ cuộc khởi nghĩa kháng Pháp.  Giới cầm bút được huy động triệt để, bằng cớ là có hai loại tác phẩm liên quan trực tiếp đến những cuộc “kháng chiến” mỹ miều này. Loại thứ nhất là loại giáo dục họ về phương cách sáng tác.  Loại thứ hai là phó sản từ những sự “giáo dục” ấy, dĩ nhiên cũng cần phải cho họ một sự khoan dung rằng họ viết ra có khi không chỉ vì sự nô dịch hay khiếp sợ guồng máy quan thầy văn nghệ này, mà vì họ tin thực vào những lời tuyên truyền (rằng Miền Nam bị Hoa Kỳ chiếm, dân Miền Nam bị tước mất tự do và đói khổ vv và vv)

Quyển  Nâng cao chất lượng sáng tác  do Nhà xuất bản Văn Học phát hành vào năm 1960 tại Hà Nội là thí dụ cho loại thứ nhất.  Dở bất cứ trang nào, ngưòi ta cũng bắt gặp dễ dàng những giáo điều điển hình do những người tên tuổi của văn học và cả quân sự Miền Bắc phát biểu, tiện đây xin trích dẫn mỗi ông một câu như sau:

-“…Có lập trường quan điểm giai cấp đúng, đó là cái thìa khóa của việc viết văn, cũng như của mọi viêc5 ta làm trong đời sống.  Lập trường ấy, quan điểm ấy chỉ có được khi ta sống nhiều trong quần chúng, khi ta gian khổ học chủ nghĩa Mác-Lênin, và học chủ nghĩa Mác-Lênin trong đời sống quần chúng..”(Nguyễn Đình Thi, trang 13, sđd)”

-“…nhưng cũng có quyền tự hào về phong trào văn học chúng ta, tự tin vào khả năng của đông đảo người viết văn nước ta đang được sự chăm sóc bồi dưỡng ân cần của Đảng (Hoàng Trung Thông, trang 29, sđd)

-“…Đồng chí Trường Chinh đã viết : “Phải đem ngọn roi phê bình quất cho con ngựa sáng tác lồng lên”.  Điều đó rất đúng…” (Lưu Trọng Lư, trang 40, sđd)

-“..nếu không nói được cái tình cảm điển hình, tư tuởng điển hình, tức là tư tuởng tình cảm của Đảng , thì làm sao được quần chúng hoan nghênh…(Tế Hanh, trang 44, sđd)

-“…Ở chế độ ưu việt của chúng ta ngày nay, phê bình văn học là lãnh đạo văn học theo đường lối của Đảng…”(Vũ Ngọc Phan, trang 50, sđd)

-“…Có một số anh em chúng ta đây, (đây không kể bọn Nhân Văn Giai Phẩm) lập trưòng quan điểm không dứt khoát nên đã bị hạn chế nhiều…(Nguyễn Chí Thanh, trang 56, sđd)

-“…Một vấn đề quan trọng khác: trong chế độ của ta, sinh hoạt theo tinh thần của Đảng là rất tốt […]Cho nên rất không nên “sợ” sinh hoạt đoàn thể. Theo tôi, sinh hoạt Đảng sinh hoạt đoàn thể […]thấm nhuần tinh thần, tư tưởng của Đảng là điều quan trọng vô cùng…”(Tố Hữu, trang 73, sđd)

Ngoài những chỉ thị đã rõ không cần bàn thêm, cái đáng chú ý hơn nữa là việc Tố Hữu kêu gọi “sinh hoạt đoàn thể” trong tinh thần Đảng: đó là một cách “thông tin” rằng, trong chế độ cộng sản, không có gì là riêng tư cả.  Mà làm sao sáng tác được nếu không có “riêng tư” khi lúc nào ông Nhà Nước cũng để mắt vào những gì đang viết, thậm chí sắp viết? 

      Quyển Tuyển Tập Thơ Việt Nam (Giai đoạn chống Mỹ cứu nước) do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành năm 1999 là phó sản của sự lừa dối trên.  Cũng nên trích ra mấy câu của vài “thi sĩ” tên tuổi và không tên tuổi trong tập này mỗi người một vài dòng điển hình:

-“Các má, các chị Miền Nam đánh quần lên đầu nó…” (Xuân Diệu, Sự sống chẳng bao giờ chán nản, trang 142, sđd)

-“Bên kia đỉnh đồi chúng nó là ai, Là ngụy ở Đông Dương hay là giặc Mỹ…” (Phạm Tiến Duật, Những mảnh tàn lá, trang164)

-“…Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ […]Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn…”(Thanh Hải, Cháu nhớ bác Hồ, trang 278)

-“…Bên kia sông Mỹ, Diệm đang ngồi, Mắt cú vọ nhìn tôi khiêu khích, Hỡi cú vọ diều hâu, chúng bay phải cúi mặt quay đầu, Nghe thơ đây phải giật mình kinh hãi! Vì thơ đầy ý nguyện của  triệu triệu người đúc lại…”(Lưu Trọng Lư, Người con gái sông Gianh, trang 431, sđd).

-“…Lên đường đánh Mỹ anh em hỡi. Trên vai em Nam Bắc nối liền..”(Nguyễn Đình Thi, Nhớ Hải Phòng, trang 687, sđd).

2- Sử Cộng Sản sau 1975

      Những Tuyển tập này được xuất bản để góp vào sự nghiệp “chính thống” của người Cộng sản nhưng ác thay, chỉ ngay sau khi Miền Nam “được” giải phóng, lại có một loạt phát biểu và tác phẩm xuất hiện, đe doạ trực  tiếp đến Sử Cộng sản, do chính người của họ bầy tỏ hay viết ra.  Người lên tiếng đều đặn và phải nói là can đảm là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Ông đã bầy tỏ thằng thắn và thành thực những hậu quả tai hại của người Cộng sản mà thân phụ ông là một nạn nhân.  Gia đình Nguyễn Huệ Chi là một gia đình góp công rất lớn vào văn học Việt Nam qua những công trình khảo cứu kéo dài trong nhiều thập niên.  Nhưng họ không thoát khỏi cái vạ Cộng sản.  Giáo sư Nguyễn Đổng Chi bị giao cho việc phê bình Phan Khôi và ông đã viết rất nặng vì áp lực của cấp trên. Ông qua đời với lời dặn con (là Nguyễn Huệ Chi) cố rưả sự sai lầm ấy.  Phần Nguyễn Huệ Chi cũng công nhận đã dùng cái “roi phê bình” quất vào “con ngựa” Nguyên Ngọc. Ấy là chưa kể đến việc thư viện của dòng họ ông ở Hà Tĩnh đã bị đốt sạch ngay từ ngày đầu “cách mạng”.

Không riêng gì Nguyễn Huệ Chi, những người như (Đại Tá) Nguyên Ngọc đã vào Nam qua con đường mòn Hồ Chí Minh với rất nhiều nhà văn khác như Lê Minh Khuê, Dương Thu Hương…cũng nhiều lần phát biểu về tình trạng nguy cấp của văn học và văn hoá ngày nay tại Việt Nam.

      Điều đau đớn nhất vô tình ghi lại trong sử Cộng sản (và hậu quả sẽ được ghi laị trong sử Việt Nam) là nhiều “con ngựa” bị “quất” quá nặng đã gục xuống và không bao giờ còn đứng lên được nữa, nói chi đến sáng tác.  Hậu quả của sự đe doạ ấy khủng khiếp đến nỗi một người đã sống tự do ở Miền Nam như nhà văn Hoàng Khởi Phong khi đọc cuốn hồi ký “Ghi” của nhà thơ Trần Dần- ghi lại những năm sống trong cảnh bị trù dập với thái độ hèn nhát ty tiện của một số nhà văn từng là bạn của Trần Dần- đã phải kêu lên đó là một chén thuốc đắng” rất khó nuốt :

-“… Vốn trong lòng lúc nào cũng tâm phục với những người của Nhân văn, cuốn Ghi đến với tôi như là một liều thuốc quá mạnh, với đầy đủ những vị cay, đắng, chua, chát, mặn. Vị nào cũng quá đô, đến độ tôi vốn là người đọc sách nhanh, mà không thể nào đọc nổi cỡ hai chục trang một lần. Cứ đọc độ mươi trang, tôi lại phải ngừng lại, ngẫm nghĩ, mường tượng ra những sự việc và những cảnh đời, những con người mà Trần Dần đã ghi lại. Cảm giác của tôi khi đọc được nửa cuốn Ghi, hệt như một thanh niên mới lớn bị tình phụ. Ngoại trừ Hữu Loan đã bỏ về quê đi thồ xe, Nguyễn Hữu Đang bị bỏ tù, những người còn lại chỉ bị kỷ luật. Có nghĩa là chỉ bị kiểm thảo, đuổi ra khỏi hội nhà văn, rút biên chế, cưỡng bách lao động, học tập, chỉ định nơi cư trú... Chẳng lẽ những tính danh mà có một thời tôi đã coi như là chỉ dấu cho đời văn của mình, những Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Cung... lại có lúc cư xử với nhau tệ hại như thế sao?  
( Hoàng Khởi Phong, Nhân văn, "người và việc", Diễn đàn Talawas 27.6.2007)

Câu trả lời cho Hoàng Khởi Phong đến từ Nguyễn Huệ Chi:

-“Tôi chỉ muốn lưu ý rằng vào những năm 60-70, và cả đến 80, 90 cho đến gần đây nữa, trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa và sau này trên cả nước, khi nhìn lại những hiện tượng văn hóa nói trên, cách tư duy của rất nhiều người trong giới nghiên cứu chúng ta đều rốt ráo phủ định theo hướng “căng”, “cương” như đã dẫn. Nó là phương pháp tư tưởng quen thuộc của cả một thời. Nếu nói như anh Hoàng Ngọc Hiến là "cái nước mình nó thế", thì tôi cũng xin bắt chước anh mà nói "cái thời ấy nước mình nó thế". Tiếc thay mình lại không nhận thức ra cái thời ấy nó như thế, hay nếu có nhận thức ra thì cũng không dám ngay thẳng thừa nhận về một cái thời nó bó buộc mình phải làm như thế, chưa nói có đủ quả cảm để suy nghĩ cho đến tận cùng, rằng do đâu mà phần lớn trí thức lại tự nguyện bắt mình phải làm như thế!”

(Thụy Khuê phỏng vấn Nguyễn Huệ Chi, 7.2005)

Vì đó là chính điều Nguyễn Huệ Chi lo sợ nhất: người sau sẽ “khám phá” ra những bài viết như Giáo sư Nguyễn Đổng Chi đã phải viết và có thể cũng như Hoàng Khởi Phong nhận xét, sự thật ấy hết sức là khó nuốt cho họ nếu như không có một sự chính thức công khai nhìn nhận rằng Đảng Cộng sản đã gây ra tình trạng khốn cùng ấy cho bao nhiêu trí thức và nhà văn Miền Bắc trước 1975.

I I –TRONG NƯỚC: SỬ TA SO VỚI SỬ CỘNG SẢN

Sau những màn tung hô vạn tuế và những sáng tác ca ngợi sự toàn thắng của người Cộng sản, sử Cộng sản không ghi lại được điều họ rất muốn ghi: sự đầu hàng toàn diện của giới trí thức, quân nhân và nhà văn Miền Nam. Bởi vì -ngoại trừ một vài người- không một người Miền Nam nào có tiếng lại chịu đầu hàng và đấu tố bạn hữu cả.  Ngược lại, đại đa số đều vào tù và ở tù, nhiều năm tù hay chết trong tù.  Sự “thắng trận” của Miền Bắc trở thành vô nghĩa.  Dương Thu Hương đã ngồi sụp xuống vỉa hè của Sài gòn mà khóc khi nhận ra đã bị lừa một cách hết sức dã man. Miền Nam tràn ngập, tung tóe sách, ngay cả sách dịch từ Trung Hoa và Nga Sô.  Những đoàn xe chất đầy hàng hóa trở ngược lại Bắc thể hiện đúng câu “người Nam nhận họ, người Bắc nhận hàng” chắc chắn phải làm những người có chút lương tâm phải xấu hổ. Các chức sắc trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam như Trương Như Tảng, Dương Quỳnh Hoa bị cho về vườn không kèn không trống. Cô đào Kim Cương -vẫn có tiếng thân ái với “trong rừng trong núi”- nay nếu có khóc thì chắc nước mắt đó là nước mắt thật chứ không phải thứ nước mắt khi cô đóng kịch nữa.  Những gánh cải lương cũng xếp xó vì đào kép lớp thì đi kinh tế mới, lớp thì bôn ba ở chợ Trời. 

Cho nên, có nên nói rằng sự phản kháng của một số nhà văn Miền Bắc thực ra manh nha từ cái mốc của sự thực phũ phàng ấy không?  Một Miền Nam vẫn bị coi là Ngụy nhưng dù có bị chà đạp tới đâu cũng không phản bội anh em.  Một quân đội bị xem là hèn nhát nhưng có năm vị Tướng tuẫn tiết và hàng trăm sĩ quan cùng binh sĩ tự sát.  Giới phụ nữ Miền Nam cũng không chịu hàng và họ đã lăn lộn, phấn đấu để nuôi chồng trong tù và cả gia đình ngoài tù. 

Một điều quan trọng nữa là khác với giới nhà văn Miền Bắc mà thỉnh thoảng những cuốn hồi ký hay tự truyện của nhà văn được công bố lại gây rúng động, tạo thêm rất nhiều chén thuốc đắn (3. , Miền Nam không có hiện tượng đó.  Người ta có thể bảo đảm hầu như chắc chắn rằng, thí dụ không bao giờ sẽ phải đọc một cuốn “ghi” của nhà văn Phan Nhật Nam tố khổ nhà thơ Tô Thùy Yên, Thượng tọa Tuệ Sỹ vv đã chỉ điểm, bỏ rơi, hay viết kiểm điểm tố cáo…như đã xẩy ra trong trường hợp Trần Dần cả.  Sự khủng khiếp vẩn còn bao trùm đến nỗi trong một cuộc phỏng vấn cũng gần đây thôi, Dương Tường đã từ chối không trả lời câu hỏi về thời gian phải bán máu độ nhật của ông vào thập niên 70.

Người ta lại còn có cảm tưởng trái khoáy rằng nhà văn trong nước nay kiêm luôn cả bổn phận tranh đấu cho dân đen.  Nguyễn Huệ Chi viết về những cuộc cải thiện kinh tế chỉ có hại cho dân và không biết bao người đã phải báo động về nạn tham nhũng và cướp đất của dân.  Đó mới chỉ hơn 30 năm mà Sử Cộng sản chưa chi đã lộ ra hết những che đậy và man trá.  Chỉ vài chục năm nữa thôi là mọi sự sẽ hiện nguyên hình, không có gì thoát được sự kiểm chứng của thời gian.

I I I- NGOÀI NƯỚC: SỬ NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN VÀ SỬ CỘNG SẢN

Ngoài sự không đầu hàng của giới trí thức và nhà văn Miền Nam, người Cộng sản còn bị một sự bất ngờ nữa: một số trí thức và nhà văn Việt Nam thoát ra ngoại quốc.  Sự ra đi của họ quan trọng vì họ sẽ là những người trong số đầu tiên tiếp tục chống lại người Cộng sản, tiếp tục sự baó động của cụ Hoàng Văn Chí, người biên tập và cho phát hành cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Quê Hương.  Cho nên, người Cộng sản đương nhiên phải tìm cách đối phó.  Một trong những cách đó là qua ngả văn học.  

Năm 1992, họ đưa Phan Cự Đệ ra tiếp xúc với giới văn học ngoài nước qua một Thông baó kêu gọi hợp tác và xin tài liệu của Văn Học Miền Nam gửi về cho họ.  Hai lần Thụy Khuê gặng hỏi về những tác giả Miền Nam, hai lần Phan Cự Đệ tỏ ra rất công bằng.  Cuộc nói chuyện giữa Phan Cự Đệ và Thụy Khuê mới nghe qua thì rất phấn khởi và tốt đẹp cho lịch sử văn chương, nhất là cho Văn học Miền Nam.  Nhưng lời yêu cầu của ông Phan Cự Đệ- xin người ta gửi về cho ông những taì liệu của Văn học Miền Nam đã thoát ba lần ngọn lửa phần thư ở Việt Nam và những cuộc di chuyển cực nhọc- là một sự rất đáng nghi ngờ.  Có gì bảo đảm rằng Nhà Nước Cộng sản Việt Nam đã thay đổi hay đây chỉ là một ngón đòn ác liệt nhắm tịch thu càng nhiếu càng tốt tài liệu của Văn học Miền Nam may măn tồn tại ở ngoại quốc sau khi đã bị càn quét sạch sành sanh trong nước?  Người ta lại càng dư biết rằng Giaó sư Phan Cự Đệ sẽ không có quyền quyết định gì hết vì guồng máy chính trị mới là nơi có thẩm quyền sau cùng.  

Quả y  như thế.  Phan Cự Đệ chứng minh bằng hai thí dụ không thể chối cãi được.  Thí dụ thứ nhất là bài mạt sát nhóm Tự Lực Văn Đoàn của chính Phan Cự Đệ. Mười ba năm sau, những câu gần như nguyên văn này lấy từ đoạn này được lồng vào một bài khác, cũng của Phan Cự Đệ (đăng trên tờ Văn Học tại Hoa Kỳ , chủ bút Nguyễn Mộng Giác, số 203&204,tháng 3- 4.)

-...Vì vậy ta có thể nói rằng cái kiểu thoát ly theo một cách say mê theo triết lý hành động để hành động (agir pour agir) của André Gide, cái tâm lý chán chường thất bại chủ nghĩa của Quang Ngọc...trong Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Dũng...trong Đôi Bạn chính là phản ánh tâm  trạng của KH, NL, đồng thời cũng là tâm trạng của lớp đàn em những người tiểu tư sản trí thức đã đi theo NTHọc, Ký Con Đoàn Trần Nghiệp và đã thất bại ở Yên Bái, Lâm Thao...Nhưng lý do chính là vì Phạm Thái ...vừa là khách chinh phu lại vừa là khách tình si....Không làm được anh hùng ngoài cuộc đời thì người ta làm anh hùng trong mộng tưỏng...(Phan Cự Đệ, Tiểu Thuyết Lịch Sử, trang 15, sđd)

Bởi thế người ta cũng không ngạc nhiên gì khi thấy sách của Nguyễn Mộng Giác, người lập tờ Văn Học ở California, xuất bản ở Việt Nam.  

Thí dụ thứ hai là bài viết về Thanh Tâm Tuyền của chính Thụy Khuê bị từ chối không được nhận vào tuyển tập mà Phan Cự Đệ quảng cáo. Đó là chỉ mới nói tới Thanh Tâm Tuyền, người đã không còn hoạt động nào chống họ sau khi được thả và lưu vong sang Hoa Kỳ.  

IV-CHÚNG TA VIẾT SỬ CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?

      Điều không thể chối cãi được là chúng ta ở ngoài nước, chúng ta hoàn toàn có tự do sáng tác và phát biểu ý kiến.  Nhưng chúng ta có viết sự thực không?  

      Người Miền Nam đầu tiên toan tính viết sử Văn học Miền Nam ở ngoài nước là Võ Phiến đã thất bại nặng nề. Trái với điều Thụy Khuê nhận xét, chưa chắc Võ Phiến là người đầu tiên lưu tâm đến VHMN, giản dị vì Võ Phiến viết cuốn Văn học Miền Nam Tổng quan là do được cấp một ngân khoản tài trợ của Hoa Kỳ.  Sau này, Võ Phiến tiếp theo bằng bộ sách sáu cuốn nữa.  Cách đây hơn bẩy năm, ngưòi viết đã phê bình sự tiểu xảo, và cắt xén tài liệu của Võ Phiến để chà đạp các nhà văn khác, nhất là những người có thể giỏi hơn ông, như Bình Nguyên Lộc.  (Bình Nguyên Lộc đoạt giải Văn chương toàn quốc hạng nhất. Còn Võ Phiến, nghe đâu chỉ là hạng nhì, sau Bình Nguyên Lộc nếu người viết nhớ không nhầm).  Nhưng sự lên tiếng của Thụy Khuê về những sở đoản của Võ Phiến (trong số Hợp Lưu mới đây) vẫn là cần thiết để soi sáng vấn đề hơn. 

Tiện thể, có vài vấn đề Thụy Khuê nêu lên có liên quan đến nhà văn Mặc Đỗ và nhóm Quan Điểm, người viết thấy cần nói rõ lại.  Theo Thụy Khuê thì:

-“… Về cuốn Tổng quan, trong chỗ riêng tư, Mai Thảo sinh thời đã có ý phàn nàn về những phán đoán thiên lệch trong sách, nhưng ông không phát biểu công khai. Nhưng sau khi Võ Phiến hoàn tất bộ Văn Học Miền Nam, nhiều người khác lên tiếng phản đối cách phê bình của Võ Phiến trong bộ Văn Học Miền Nam, nhất là về Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc..., đặc biệt những người cùng thời với ông như Viên Linh trong bài "Trăm năm thân thế" viết về Vũ Khắc Khoan, Khởi Hành số 47, tháng 9/2000, Nguyễn Văn Trung trong bài "Hướng về miền Nam Việt nam", Khởi Hành số 92, tháng 6/2004 và bài Mặc Đỗ trả lời phỏng vấn của Nguyễn Tà Cúc trong Khởi Hành số 98 tháng 11/2004. […] Ngoài ra còn phải kể thêm những tập hồi ký khác, như hồi ký của Huỳnh Văn Lang, chủ nhiệm sáng lập Bách Khoa; hồi ký của Mặc Thu, Mặc Đỗ, là những nhà văn Bắc di cư tiên phong trong việc xây dựng nền báo chí và văn học (nếu đã xuất bản). Hồi ký của Nguyên Sa, Thanh Nam... những người đã sống và viết trong suốt thời kỳ chia đôi đất nước, v.v...” (Thụy Khuê, Hợp Lưu)

      Thứ nhất, nhà văn Mặc Đỗ không hề lên tiếng phản đối Võ Phiến. Vị thế của Mặc Đỗ trong Văn Học Miền Nam khiến ông không cần phải để ý đến những tiểu xảo đó.  Đoạn mà Thụy Khuê nói đến là đoạn ông trả lời người viết khi người viết hỏi ông và cái cách trả lời của Mặc Đỗ thì lại càng không thể nhận xét là “phản đối” được.  Thứ hai, Mặc Thu quả có một cuốn hồi ký chờ in, nhưng trường hợp Mặc Đ thì hãy đợi đến khi nào nhà văn Mặc Đỗ công bố hồi ký của ông rồi hãy nói cũng chưa muộn, khỏi cần mở ngoặc “nếu có” làm gì cho mắc công nếu không đúng sự thực.  Thứ ba, căn cứ vào đâu mà hoạ sĩ Phạm Tăng nói rằng Như Phong Lê Văn Tiến là “linh hồn” của tờ Tự Do?  Cả hai người đều không có thẩm quyền nói những điều như thế vì cả hai người đều chỉ được mời cộng tác (cũng như Mặc Thu, Hiếu Chân vv) chứ không phải là người lập nó (như Mặc Đỗ), hoặc thân cận cùng là bạn hữu thâm giao lại cùng nhóm Quan Điểm (như Vũ Khắc Khoan) hay đứng đầu đàn (nhà văn Tam Lang).  Cái lối nói khơi khơi đó nếu không được ít nhất là vài người cùng làm việc xác nhận thì không nên nhắc đến. Đây cũng là một thí dụ cho thấy chỉ có chúng ta mới viết Sử về chúng ta được, có nghĩa là người khác có thể viết sai hay đúng về chúng ta, nhưng chúng ta chịu trách nhiệm hoàn toàn  nếu thấy sai mà không lên tiếng với tài liệu và nhân chứng.  Vì khác với họ, chúng ta có tài liệu và nhân chứng. 

      Cuối cùng, để kết thúc, người viết cũng muốn nhắc đến một thứ lý luận rất thông thường, xuất hiện dưới nhiều hình thức nhưng tựu chung là sự “xa quê hương” và “không hội nhập được với văn học bản xứ” vv và vv. Hãy lấy một mẩu viết của nhà thơ Hoàng Hưng để làm thí dụ:

-“…- Trước đây, ở trong nước, tôi cũng đã có dịp tiếp xúc với một số văn nghệ sĩ hải ngoại. Đi ra bên ngoài, được chứng kiến cuộc sống và lắng nghe những tâm sự của họ, tôi rất cảm thông. Khác với tâm thế của những Việt kiều giàu có, tự tin sau khi đã thành đạt tại nước ngoài, giới nghệ sĩ luôn mang bên mình những trăn trở, suy tư về thân phận. Một hoạ sĩ xa xứ trạc tuổi tôi, từng giành được thành công ở nước ngoài cũng như đã có không ít triển lãm tại Việt Nam, trong những lúc thân tình nhất đã bộc lộ: “…mình cảm thấy mình là kẻ bơ vơ”. Nói là "công dân hạng hai" ở xứ người thì hơi quá đáng nhưng quả thật họ không thể được tiếp nhận như người gốc bản xứ. Trở về quê hương, họ cũng cảm thấy mình là người xa lạ.” (Lưu Hà phỏng vấn  Hoàng Hưng: 'Không có gì mới thì tôi không viết', eVan.com.vn 19/10/2006) 

      Người viết đương nhiên kính trọng quyền phát biểu của ngưòi bạn hoạ sĩ của Hoàng Hưng nhưng mạn phép được bày tỏ một điều hết sức quan trọng như sau: Thế anh viết (hay vẽ, hay làm thơ) để làm gì? Nếu anh làm cho nghệ thuật, cho đồng bào anh, cho tổ quốc anh và cho chính anh thì nơi nào cũng là nơi “đất lành chim đậu” cho anh cả. Tại sao anh phải được người bản xứ chấp nhận thì anh mới nghĩ là anh thành công và anh mới vui được?  Tại sao anh lại thiếu tự tin đến nỗi phải cần con dấu chứng nhận của người-bản-xứ?

      Đó chính là câu trả lời cho người Cộng sản và những đồng nghiệp của “thế hệ chống Mỹ” như Hoàng Hưng từng tự nhận: có những người viết ở ngoài nước viết cho quê hương chứ không phải vì thiếu vắng nó mà phải  viết.  Họ cũng viết vì những trang Sử Ngoài Nước mà chỉ có họ mới có thể viết được, những trang Sử dẫn đi từ những ngày tù và những cái chết của nhà văn không chỉ của Miền Nam tự do mà còn của Miền Bắc nữa.  

      Môt vấn đề cần nêu ra nữa là cho tới nay, chưa thấy những người trong nước- vẫn đặt vấn đề lớn lao về Nhân Văn Giai Phẩm, về trí thức bị trù dập như Nguyễn Đổng Chi…- đã có sự phát biểu mạnh mẽ tương tự về những cái chết của Khái Hưng, Nhương Tống vv là những người đã chống lại Cộng sản ngay từ đầu.  Tại sao vậy? Hay vì vẫn còn là một sự huý kỵ? Hay tệ hơn nữa, vì Khái Hưng, Nhượng Tống vv đã chống lại ngay từ đầu nên trên thực tế họ vẫn xuất hiện trong Sử Ta mà thôi? Cho tới nay, chỉ thấy có kêu gào ầm ỹ đòi “chiêu tuyết” cho những người đã theo Cộng sản, theo ông Hồ và đã bị lừa (mà cũng vần còn theo đấy chứ).  Đừng quên rằng bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần đã có mấy đoạn phê bình người Bắc di cư vào Nam với những lý luận không đẹp chút nào.

“[…] Tôi muốn kêu lên – những tiếng cộc cằn…  
- Không! Hãy ở lại  
Mảnh đất ta hôm nay dù tối  
Cũng còn hơn 
non bồng Mỹ
triệu lần…
Mảnh đất dễ mà quên? 
Hỡi bạn đi Nam
Thiếu gì ư? Sao chẳng nói thực thà?  
Chỉ là: 
- thiếu quả tim, bộ óc! 

  Nhưng nếu không có Hoàng Văn Chí làm Trăm Hoa Đua Nở trên quê hương thì làm sao những thế hệ sau vào trong Nam (như Hoàng Khởi Phong) biết được mà ngưỡng mộ họ, viết về họ, than khóc cho họ?!

Cho nên, nếu nói tới sự “sòng phẳng” của một thái độ nghiêm chỉnh (với lịch sử) thì hãy bắt đầu nghiêm chỉnh ngay từ những cái chết của Khái Hưng, Nhượng Tống vv ..và cũng đừng quên rằng, dù muốn dù không, dù bị lỡm hay bị lừa, đã có một số trí thức và  nhà văn Miền Bắc phải chịu trách nhiệm gián tiếp về những cái chết của họ.  Cũng như dù muốn dù không, ông cựu Đại tá nhà văn Nguyên Ngọc có thể nào nói là ông không chịu một chút liên đới trách nhiệm nào về những cái chết của Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường hay những năm tù dài dằng dặc của Tô Thùy Yên, Phan Nhật Nam?  Người Việt Nam vốn có tiếng hào hiệp, họ có thể bỏ qua nhưng chớ nghĩ rằng họ không biết.

      Nguyễn Huệ Chi nhắc đến vấn đề “Chiêu tuyết”.  Ngưòi viết bài này không tin nhà nước Cộng Sản có  tư cách gì “chiêu tuyết” cho những Khái Hưng, Nhượng Tống, Lemur Cát Tường,  Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Hồ Điệp  và nhiều nhiều nữa, với những người dân đã bỏ mạng trên đường vuợt biển vượt biên.

      Chỉ có một cách để chúng ta giải oan cho họ: hãy viết Sử chúng ta cho chính xác. 

      Nguyễn Tà Cúc.

      CHÚ THÍCH:

1- Theo tài liệu của cuốn sách  đã dẫn trong bài Tựa của giáo sư Hà Văn Tấn.  Nhưng cũng có nguồn tin cho rằng học giả Nguyễn Văn Tố đã bị chính người Cộng sản hạ sát sau khi ông không muốn hợp tác với họ nữa.  Tin này chưa được kiểm chứng.  Chúng tôi xin ghi lại để tồn nghi.

2-“[…]The sisters studied martial arts while young.  After their husbands died fighting the Chinese, the Trung sister mounted elephants and took command of the army with its many officers, whose names are still known.  Viet Nam is famous for its long tradition of poet generals, yet few people realize that the practice of combining military arts (vo) and literary arts (van) also began with a woman.  In 40 C.C., Trung Trac stepped onto the platform at the flag-worshipping ceremony before the battle began against the Chinese.  Standing in front of her officers, she unsheathed her sword and recited her “Oath at Hat River,” a quatrain in six-eight meter- a six words line followed by an eight-words line:

      First pledge: Wash away the enemy
      Second pledge: Rebuild the Hung Family’s ancient karma;
      Third pledge: Revenge injustice against my husband;
      Fourth pledge: Excute this oath beginning to end…”
      (Lady Borton, Introduction, sđd)

3- Hồi ký của nhà văn Nguyễn Đình Thi -theo con trai ông- sẽ được xuất bản.