Để theo dõi tin tức bình luận sinh hoạt nữ trí và văn học,
văn học và đại chúng, mời đọc:

NGƯỜI MỚI

Diễn Đàn Văn Học và Phụ Nữ - Nguyễn Tà Cúc chủ trương.

TỪ MỘT GÓC CALIFORNIA
THẤM THOÁT THOI ĐƯA
NGUYỄN TÀ CÚC 
Mới đây, đi tìm một tài liệu, tôi tình cờ có dịp đọc kỹ lại quyển "Thư Gửi Người Đàn bà Không Quen" của ông Hàn André Maurois, bản dịch của Nguyễn Hiến Lê. Tôi cũng tìm được một chữ mà Nguyễn Hiến Lê dịch rất hay trong tựa đề của chương 35 là: "Bọn ngốn thì giờ" (trang 111, sđd). Những kẻ ngốn thì giờ này không chỉ làm phiền những ông hàng xóm nhà văn mà nguy hại cho cả chúng ta nữa. Đặc biệt và nhất là ở hải ngoại khi người ta có thừa phương tiện để "ngốn" thêm thì giờ của người khác. Tôi muốn nói tới những buổi hội họp, những cuốn sách, rồi mới đây những bài viết linh tinh tràn ngập thị trường chữ nghĩa và đời sống đáng lẽ phải được yên ổn của chúng ta.

Hãy nói tới những buổi hội họp trước đã. Tôi ở đây hai mươi năm, thấy rất hiếm những người đúng giờ. Nhưng sự bực bội ấy không thể so sánh với sự khó chịu do những quái vật "ngốn thì giờ" xuất hiện rất đều đặn trong các chương trình trình diễn gây ra. Chúng ta có thể kể ra bất cứ một cuộc trình diễn lớn nào để làm thí dụ. Cần nói thêm là cuộc trình diễn càng lớn thì quái vật ngốn thì giờ càng kềnh càng và bởi thế càng xấu xí hơn. Thí dụ như cuộc trình diễn của Đặng Thái Sơn ở La Mirada, California. Đây là một hý viện cỡ trung bình chứa được khoảng trên dưới một ngàn người. Tôi ngồi ở hàng ghế thứ bảy, gần giữa, có thể thấy rất rõ "ông đi qua bà đi lại" ở lối tay phải của rạp . Hai bên có khoảng mươi bậc thang đi lên sân khấu. Lần nghỉ đầu tiên, một mợ nạ dòng (ngồi cùng hàng ghế với tôi) cầm một bó hoa, xăm xăm đi ra và có vẻ muốn trèo lên những bực thang này. Lập tức một người dẫn chỗ (vẫn đứng dọc theo những lối đi) ngăn mợ ta lại. Có một sự gần như giằng co xẩy ra. Người đàn bà vẫn muốn trèo lên sân khấu; người dẫn chỗ vừa nói, vừa ra dấu bằng tay, hẳn thầm nghĩ rằng người này không hiểu tiếng Anh. Vất vả lắm tôi mới thấy người dẫn chỗ thuyết phục được cô ta trở lại chỗ ngồi. Sau đó, có lẽ ban tổ chức (hội VALA) nể nang sao đó mà cho cô ta trèo lên sân khấu tặng hoa. Thế là cô ta có dịp đứng ì luôn trên đó, bên cạnh người nhạc sĩ để nhận luôn những tràng pháo tay của khán giả (tôi cho đây là một sự sơ xuất rất lớn của ban tổ chức). Sau khi kết thúc, nhạc sĩ Đặng Thái Sơn và một số khách được mời dự buổi tiếp tân có ăn uống nhẹ trên lầu. Tôi lại thấy cô này bám sát người nhạc sĩ, đứng xề ngay bên cạnh để người ta chụp hình, nói năng luôn miệng. Hình ảnh của cô ta gợi ngay tới hình ảnh kinh hãi của loài bạch tuộc với những vòng quấn không chịu nhả. Hình như là khó khăn lắm Đặng Thái Sơn mới dứt ra được và vào phòng trong để nghỉ, vẻ mệt mỏi (hay bực bội?) thoáng rất nhanh trên mặt. Hay người nhạc sĩ thì coi như một thứ bổn phận với người ái mộ mà chỉ có tôi mới...tưởng tượng vì chính tôi cảm thấy bực bội bởi những trò quá lộ liễu này?

Mới đây, trong bài "Mai Hương và Chương Trình Nhạc Chiều Kỷ Niệm", Phạm Trung Chính cũng nói đến một trường hợp tương tự:

-Trong chương trình có một sự bất ngờ (theo lời giới thiệu của MC), hay là bất ngờ dự định? Hai chị em ca sĩ Ý Lan, Quỳnh Hương bất ngờ đến chúc mừng người chị họ, mỗi người cầm một bó hoa, muốn lên sân khấu để tặng, (hai cô ca sĩ này tới trễ). Theo tôi, nếu muốn tặng hoa chúc mừng, thì cứ việc ngồi bàn tặng cũng được, họ hàng thân thích chứ đâu phải người xa lạ, do đó đâu cần dời phần trình diễn của Thái Thảo, để hai ái nữ của ca sĩ Thái Thanh lên sấn khấu tặng hoa, chúc mừng. Đã tặng hoa thì còn phải hát nữa chứ , nếu có thành ý muốn hát tặng thì sắp lên chương trình, vì là người nhà cả mà? Hai chị em song ca thì không khí có náo động, vì cả hai ăn mặc thật khêu gợi, chứ về diễn đạt nhạc tính thì bình thường như các ca sĩ bình thường khác...Theo tôi, Ý Lan là một kịch sĩ, hơn là một ca sĩ, vì chị diễn tả bằng mặt và tay chân nhiều hơn là bằng giọng hát..." (Khởi Hành, số 61, tháng 11.2001, trang 7,8)

Cái màn tặng bông -bất ngờ hay không bất ngờ - này chính ra là lỗi của ban tổ chức như tôi đã dẫn ở trên. Có lẽ phe ta nên bắt chước phong tục bản xứ ở đây là ai muốn tặng bông hay cả hột xoàn, kim cương gì đi nữa cũng phải xếp hàng sau khi người nghệ sĩ đã trình diễn xong. Chứ không có mục tự tiện để rồi làm phiền các khán giả khác. Còn cô Ý Lan thì nói của đáng tội, có thể cô không biết là mình muốn làm kịch sĩ hay ca sĩ. Trong khi chờ đợi cô có quyết định chính thức, chúng ta đành phải nghe cô hát bằng mặt mũi, đầu mình và tay chân như Tiên sinh Phạm Trung Chính đã nhận xét rất đúng vậy.

Chúng ta cũng không lạ gì với những màn cáo phó, chia vui đầy những tên người ngợm mà sinh tiền hẳn khổ chủ chỉ biết rất lờ mờ, lơ mơ. Khổ chủ càng nổi tiếng chừng nào, những sự quen biết lờ mờ, lơ mơ này càng chất đầy những trang giấy vô tội. Thậm chí cũng chỉ cách đây mới có vài năm thôi, một trung niên phụ nữ đã cho đăng trên tờ báo lá cải của mình một bản bố cáo "vâng lệnh thân mẫu" để bước thêm bước thứ ba hay thứ bốn gì đó. Nghe đâu, cái bước thứ ba hay thứ bốn này lại là một bước xẩy chân nữa rồi. Chỉ tội nghiệp cho bà cụ thân mẫu có cô con gái ngoan ngoãn, cứ nhất định "vâng lệnh" mình nhiều lần quá.

Tuy vậy, ít nhất chúng ta biết trước để mà có thể quyết định đọc hay không đọc. Nhưng mới đây tôi khám phá rằng các bạn ta vừa phát minh ra một thứ võ khí mới rất tối tân làm tốn thêm thì giờ của chúng ta mà chúng ta có thể không chú ý hay khi chú ý tới thì "sự đã rồi". Thay vì những cảnh chiếm sân khấu lộ liễu với những bộ mặt làm duyên làm dáng trong khi khán giả đồng loạt nhẩm "Kinh Khổ" là những bài viết của những người "tử tế" trong các dịp quan hôn tang tế. Tôi muốn nói đến những bài viết về những người qua đời với những chi tiết được gài vào không hề dính dáng gì đến độc giả va øhọ.

Điển hình là bài "Mai Chửng vừa hẹn tôi, mùa hè tới" của họa sĩ Đinh Cường viết về người bạn điêu khắc gia Mai Chửng. Mở đầu là một câu hết sức bất ngờ "Nhưng cứ mỗi lần nhắc đến Mai Chửng thì Q. H. lại khóc. Q. H. là người bạn của chúng tôi thời đầu tiên ở hội Họa sĩ Trẻ..." (Phố Văn, số tháng 9.2001, trang 12) Độc giả đọc hết bài không hề thấy ông Đinh Cường nhắc đến cô - Qiu -Hát (Q.H.) một lần nào nữa. Thế là thế nào? Sao "ra đi mà không bảo gì nhau" (nhại thơ Nguyên Sa) thế này? Ngược lại, trong bài, sau đó lại nói nhiều đến bà Mai Chửng (tên con gái là Lan) và con cái của họ. Người ta quả thật không hiểu tại sao ông Đinh Cường phải cho nhân vật "khác giống mà cũng không chung một giòng " cô -Qiu -Hát nhẩy dù ngay vào đoạn đầu của một bài viết -với một chữ "nhưng" đứng đầu câu rất khả nghi và phản văn phạm- về một người quá cố có gia đình hẳn hoi và không hề có điều tiếng gì khi còn sống. Ngược lại, Mai Chửng còn được bạn bè "suy tôn" là dù xa cách gia đình gần mười năm, vẫn làm đủ nghề để chu toàn trách nhiệm.

Chính Mai Chửng cũng kín đáo biểu đồng tình với những lời "suy tôn" này như một sự xác nhận là cái gia đình của anh quan trọng đối với anh đến mức nào. Tôi gặp nhà điêu khắc Mai Chửng lần đầu tiên mà cũng là lần duy nhất ở quán ăn Nguyễn Huệ cách đây khoảng hai năm. Bữa ăn có bốn người: Mai Chửng do một người bạn hết sức hiền lành của anh đưa tới; tôi tháp tùng nhà thơ Viên Linh, người bạn của tôi mà cũng của anh,. Mai Chửng lúc ấy vừa ốm dậy. Nhân nhắc đến mấy người quen chung có thời cùng hành nghề lái taxi ở Hawaii như Nguyễn Đạt Thịnh, Đinh Quang Anh Thái, Phạm Huấn... anh kể cho chúng tôi nghe ngoài nghề lái xe taxi đã làm nhiều nghề khác, làm cật lực để chăm cho gia đình cho đến khi chị Mai Chửng và con cái sang được đến đây. Người bạn anh nói chen vào, "suy tôn" anh. Tôi thấy anh cười, nụ cười rõ nét nhất từ khi gặp. Anh gật gật:"Ờ, ờ, thì tôi cũng thấy an ủi, nhứt là bây giờ mà có gì xẩy ra thì tôi cũng đem được gia đình tôi qua rồi." Hình như anh có nói hai tiếng "chờ đợi", chờ đợi chị Mai Chửng trong gần mười năm. Anh không nói nhiều, nhưng tôi cảm được sự cô đơn của anh trong mười năm ấy. Nhưng cái chính là anh vẫn đợi. Và bây giờ ngó lại mười năm đằng đaüng, anh hài lòng. Không những hài lòng, anh còn tâm sự với một người lạ hoắc, là tôi.

Đang ăn, có người gọi điện thoại từ đâu tới quán, đòi nói chuyện với người bạn tôi: "Ông Viên Linh ơi, có ai kiếm ông". Thi sĩ ra quầy trả lời. Mai Chửng bảo tôi: "Tôi nghe mấy giả bên nây nói giờ Viên Linh sống như nhà tu. Nói vậy là lầm. Lầm quá. Hắn sống như nhà tu từ cái hồi hắn cầm cây viết làm thơ, chớ đâu đợi tới giờ này. Viên Linh làm thơ, từ hồi đó, nhiều bài tôi còn nhớ từ hồi tôi nghe nói ở Ban Mê Thuột về. À, à, đi một mình thôi, nhà tu mà. Ốm ốm thôi, đâu có râu ria gì. Gặp lại tối nay mới thấy hết tu đó, không hiểu thơ ra làm sao? " Mai Chửng nói không cười. Còn tôi dĩ nhiên cũng không cười. Tôi không cho đó là một lối nói chỉ để cho vui người mới quen. Mà là sự lưu tâm, lòng quyến luyến của một người bạn sáng tác với một người bạn khác. Thi sĩ trở về bàn, nói có người muốn mời cả hai thi sĩ và điêu khắc gia đến nhà chơi. Thi sĩ lúc ấy nhằm ngày ra báo Khởi Hành, dĩ nhiên bận quá không thể đến, chắc là xin kiếu vậy. Còn điêu khắc gia không nói có mà cũng không nói không. Tôi có cảm tưởng có ghé chơi đâu, nhà điêu khắc Mai Chửng cũng chỉ mãn nguyện, chỉ bằng lòng khi trở về Dallas.

Tôi vẫn có ý quý mến những nghệ sĩ, như Mai Chửng, sống hết đời cho nghệ thuật mà không bao giờ lợi dụng nó để ra cái vẻ có tơ tình vướng vít ở những chỗ đã đi qua hay tệ hơn nữa, dính dáng vào những màn lăng-xê mấy cô em tập tễnh viết với lách, hơn nửa chừng xuân không lo kiếm sinh phần mà cứ muốn tìm đường vào tử lộ văn nghệ. Nhưng dù có, không ai hẹp hòi gì để kiểm duyệt những chi tiết liên quan đến đời sống sáng tạo của một nghệ sĩ nếu người viết liên kết, chứng minh, trình bày được những chứng tích của nguồn cảm xúc với tác phẩm. Đằng này, Đinh Cường hoàn toàn không làm được điều đó. Người ta còn có cảm tưởng Đinh Cường viết ra mấy dòng lãng xẹt, lại cố ý khênh ngay lên đầu bài, là cốt để ám chỉ một sự liên quan gì "ghê gớm" lắm. Rủi thay theo cách viết hớ hênh này thì lại bị hiểu lầm là sự liên quan ấy chỉ có một chiều. Rốt cục bạn ta chỉ làm hại cái cô -Qiu- Hát nào đó thôi: "Hay nhỉ, sao lại khéo dư nước mắt khóc chồng ngườita? Có phải chồng mình đâu mà nhận vơ, mà nhắc đến Mai Chửng thì lại khóc?!"

Đinh Cường chú ngay dưới tựa của bài viết :

Có những lúc nước mắt.
Không thể chảy ra ngoài được
(Văn Cao)

Tôi tiếc là Đinh Cường tìm được một câu đắc địa như vậy mà không kính biếu cho cô -Qiu -Hát để giữ làm của gia bảo. Hay là vì "nước mắt cá sấu" nên không thể không chảy ra ngoài được, nhất là lại có mặt bạn ta Đinh Cường ở đó?! Nói một cách nghiêm chỉnh, chính những dòng ấy làm hại hết cả bài viết của Đinh Cường. Làm sao có thể nhập đề một cách rất nhăng cuội như vậy NGAY VÀO ĐẨU BÀI VIẾT rồi ở dưới lại có thể nghiễm nhiên nhắc tới gia đình Mai Chửng, bà Mai Chửng như không có gì xẩy ra? Tôi không dám nói tới phản ứng của bà Mai Chửng ở đây, ở trường hợp riêng này nhưng tôi sẽ nói tới phản ứng bình thường của một người vợ hay những người con. Người vợ và những người con này sẽ nghĩ sao về những nhân vật như nhân vật cô-Qiu-Hát ngồi chồm chỗm ở ngay đầu bài do một người nhân danh là bạn thân -nghĩa là có thẩm quyền về tin tức loại này- của chồng hay cha mình, viết ra? Rồi họ cũng nghĩ sao về cái- loại- bạn-thân này?

Nhưng Đinh Cường không phải là người duy nhất để cho ngòi bút chạy lăng xăng như vậy. Trong cuốn Thơ -Văn Học Miền Nam, trong phần viết về nhà thơ Tô Thùy Yên, nhà văn Võ Phiến làm người đọc tưởng lầm rằng chỉ có nhà văn Thụy Vũ mới là bà Tô Thùy Yên:

-Ông cùng với bà (Thụy Vũ) từng chủ trương một nhà xuất bản (Kẻ Sĩ) ...(trang 3094, sđd)

Trên thực tế, mà nhà văn Võ Phiến cũng dư biết, cô Huỳnh Diệu Bích mới chính là bà Tô Thùy Yên. Tô Thùy Yên sau khi ra khỏi tù sang định cư tại Hoa Kỳ với người vợ tấm mẳn, kết hôn lúc mới vào đời này. Bởi thế, tập "Thơ Tuyển" do chính Tô Thùy Yên coi sóc và xuất bản, có lời "tặng Huỳnh Diệu Bích" ngay trang đầu. Trường hợp Võ Phiến càng đáng trách vì ngoài việc gặp gỡ, quen biết với Tô Thùy Yên-Huỳnh Diệu Bích, cuốn "Thơ Tuyển" xuất bản năm 1995 mà mãi tới bốn năm sau (1999), cuốn Thơ-Văn học Miền Nam mới xuất hiện. Ở đây không phải là vấn đề "tranh đấu" cho người vợ có một chỗ đứng trong văn chương bằng một tờ hôn thú hay bằng những đứa con. Ở đây là sự chính xác khi viết về cuộc đời của những nhà văn, nhà thơ, của những nghệ sĩ. Sự chính xác ấy nằm trong tiểu sử của họ nên không thể cố tình viết sai, viết thiếu hay viết nhăng cuội được. Còn người vợ ấy ảnh hưởng ra sao, thế nào, bao nhiêu... trong sự sáng tác của họ thì lại là chuyện khác. Cũng như chuyện một người tình ảnh hưởng ra sao, thế nào, bao nhiêu cũng lại là chuyện khác. Hay có khi chẳng ảnh hưởng gì sất như đã thấy ở trường hợp cô-Qiu-Hát, ngoài sự khóc mếu đã không có gì để (Đinh Cường) viết thêm. Thì hà cớ gì Đinh Cường phải cố gượng ép kéo bè kéo cánh, phải vắt những dòng nước mắt -đáng lẽ phải rất riêng tư nếu quả thật có một chút "tình cao thượng" nào đó- cho vào bài viết, kéo luôn độc giả phải đọc, để "ngốn" thì giờ quý báu của người ta:

-...Nếu nó mời được ta hội họp với các bạn của nó thì ta sẽ bị cả một đám ngốn-thì-giờ ăn sống nuốt tươi ta. Loài sâu bọ đó có tinh thần đoàn thể, chúng chia nhau con mồi. Luân lí là phải tàn nhẫn với bọn ngốn -thì-giờ, diệt chúng chứ đừng thương hại...Tôi vốn ghét sự tàn nhẫn, nhưng trong trường hợp này sự tàn nhẫn thành một bổn phận. Ta không thể để cho một con thú dữ vồ từng miếng thịt của ta mà không chống cự lại. Bọn ngốn-thì-giờ là một hạng thú dữ cướp đời sống của ta. Vì đời sống của ta là gì, nếu không phải là thì giờ? "Tìm đâu ra con người biết trọng thì giờ, biết quý từng ngày một và hiểu rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào?...Trong khi ta hoãn công việc lại tới ngày mai thì đời sống nó cứ trôi đi. Này anh Lucilius, cái gì cũng không thuộc về ta, chỉ có thời gian là về ta thôi. Vậy mà chúng ta cho bất kì một kẻ nào lại cướp cái bảo vật duy nhất, phù du đó của ta..."

Cô bạn thân, hai ngàn năm trước, Senèque viết cho bạn thân là Lucilius như vậy; điều đó chứng tỏ rằng cái giống ngốn- thì- giờ cũng có từ lâu đời như các xã hội...(trang 113, sđd)

Đám "ngốn thì giờ" này quả là đáng sợ thật: ngay trong những đám tang buồn rầu mà cũng có mặt họ như thí dụ vừa nêu ra. Nhưng có lẽ vì thế mà ngay sau chương này, André Maurois có chương kế là "Chống thói quen nể nang". Ông mở đầu bằng một lời khuyên chắc nịch:

-Này cô, đừng nên nể nang đấy nhé. Tai hại hơn những tật xấu nhất, đức đó làm cho đàn ông và đàn bà mắc phải những lỗi lầm điên rồ đấy. (trang 113, sđd)

Và kết luận cũng chắc nịch không kém:

-Thưa cô, cô nên tỏ ra thất lễ một cách tàn nhẫn, nếu cô thấy như vậy có lợi cho cô ...(trang 115, sđd)

Tôi viết bài này, quả có tàn nhẫn-chứ không thất lễ- với ông Đinh Cường, nhân vật cô-Qiu-Hát của ông Đinh Cường và những quái nhân chỉ chực hầm hầm trèo lên sân khấu... chỉ vì tôi không thể nể nang được cái thói cứ thấy các đại gia của văn nghệ là mắt nhắm mắt mở xông vào nhận họ hàng. Nhưng sự tàn nhẫn này không có lợi gì cho tôi cả. Trái lại, có lẽ còn làm tôi mất thì giờ hơn nữa. Vì tôi sẽ phải tiếp tục theo dõi xem còn có thêm cô-Qiu-Hát nào cứ rình rình những ông chồng nổi tiếng của người khác chết để lại khóc nữa không và cô Ý Lan lúc này diễn kịch khá hơn chưa, có còn hát bằng đầu -mình- và- tay- chân nữa thôi. Hay để ý coi có ai chưa kịp qua đời -như họa sĩ Trịnh Cung- mà đã được may mắn có buổi tưởng niệm với đầy đủ quần hùng quần tà rồi lại còn được thu hình và chiếu lại trên mạng lưới Kí Con báo hại các cô như cô Thụy Trinh xăng xái tới phỏng vấn về cái chết non này hố to quá. Hoặc tìm hiểu thử họa sĩ Đinh Cường liệu có "sống sót trở về" nổi khi chính chàng bị nhận vơ, khi có nàng cứ gặp chàng thì lại khóc và có một tên ngây thơ lập tức đem đăng báo, đem cho lên nhật trình làm chẳng ai, kể cả những độc giả rất thông minh như quý bạn, hiểu ngô khoai ra sao cả

Rồi ra là còn tốn khối thì giờ cho cái đám ngốn-thì-giờ này đấy, hai ngàn năm trước hay hai ngàn năm sau.

Nguyễn Tà Cúc.