Để theo dõi tin tức bình luận sinh hoạt nữ trí và văn học,
văn học và đại chúng, mời đọc:

NGƯỜI MỚI

Diễn Đàn Văn Học và Phụ Nữ - Nguyễn Tà Cúc chủ trương.

VĂN CHƯƠNG NGOẠI HÔN
Nguyễn Tà Cúc 
      Biểu tượng của chế độ Cộng sản là sự cấm chỉ quyền tự do tư tưởng. Để thực hiện chủ trương ấy, họ kiểm soát chặt chẽ tin tức, tài liệu thực và cho phổ biến những tin tức tài liệu giả. Bởi thế, một trong những công việc nặng nhọc nhất sau khi những chính phủ Cộng sản sụp đổ là san định và nghiên cứu để phân biệt tài liệu nào thực và tài liệu nào giả. Một lợi thế của người Cộng sản là họ có những kẻ kế nghiệp mà nạn nhân của họ thì không. Thời gian là khí giới lợi hại của họ vì sự thật sẽ chết theo nạn nhân và những thế hệ kế tiếp sẽ khó có cơ hội nhận diện thực giả một khi nạn nhân (nghĩa là chứng nhân) đem hết tài liệu và kinh nghiệm xuống mồ.  

      Đằng khác, người Cộng sản không tiên liệu được điều này: có những sự thực lặng lẽ hòa vào và chẩy mãi theo dòng sống của người dân mà không thể hủy diệt được cho dù ngay trong cả thời gian  chủ nghĩa ấy ngự trị toàn vẹn nhất. Khoảng mươi năm nay trở lại, ngay tại Việt Nam, người ta đã bắt đầu mạnh mẽ viết sách, cho công bố những tài liệu về những nhà văn bị đàn áp, bị tù đầy vì chống lại Cộng sản. Một kết quả bất ngờ là song song với việc trả lại danh dự cho họ cũng là sự xét lại một số bài viết của những nhà văn từng tham dự vào những cuộc thanh trừng họ. Khiến xẩy ra một cuộc tranh luận gay gắt với nhiều tên tuổi cả trong giới nghiên cứu lẫn giới viết văn. Điển hình là  trường hợp giáo sư  Nguyễn Đổng Chi với người đi tiên phong là chính giáo sư Nguyễn Huệ Chi, con trai ông, trong vấn đề có nên  cho vào toàn tập của một tác giả-nhất là những tác giả tên tuổi như Xuân Diệu- tất cả sáng tác kể cả những bài viết đã tuân theo mệnh lệnh của nhà cầm quyền vì e rằng sẽ đánh đổ rất nhiều thần tượng văn chương. 

Nói một cách khác, có một khuynh hường từ chối những bài viết nay bị coi là tủi nhục cho tác giả. Bên cạnh những tác phẩm coi như con ruột, những loại sáng tác ấy bị coi như một thứ con ngoại hôn mà cha mẹ chúng không muốn công nhận là máu mủ của mình. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi là người can đảm đã dám nêu câu hỏi công khai cả trong lẫn ngoài nước để cổ xúy cho những công trình nghiên cứu công bằng và đúng nghĩa “toàn tập” dù có phải khơi lại thời kỳ kinh hoàng và bất công ấy.  

I-NHỮNG NGƯỜI CON NGOẠI HÔN 

1- Giáo sư Trần Quốc Vượng viết về nguồn gốc và lai lịch Thân sinh Hồ Chí Minh, một người con  ngoại hôn 

      Điều trớ trêu là chính ông Hồ Chí Minh, người đem chủ nghĩa Cộng sản vào áp dụng tại Việt Nam, gây ra tình trạng văn chương ngoại hôn ấy lại thuộc dòng dõi của một người con ngoại hôn: ông Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ ông Hồ Chí Minh) là kết quả của một sự ăn ở vụng trộm giữa cử nhân Hồ Sĩ Tạo (đã có vợ) và cô Hà Thị Hy. Công bố sự thật rất cần thiết cho lịch sử Việt Nam bằng cách lưu lại bằng văn bản là công của Giáo sư Trần Quốc Vượng, một trong tứ trụ của Sử học Việt Nam thời nay: (Đinh Xuân) Lâm, (Phan Huy) Lê, (Hà Văn) Tấn, (Trần Quốc) Vượng. Tháng giêng năm 1991, ông viết bài Lời truyền miệng dân gian về NỖI BẤT HẠNH CỦA MỘT SỐ NHÀ TRÍ THỨC NHO GIA (Kinh nghiệm điền dã)  mà phần cuối thuật rõ lai lịch của sự ngoại hôn này: 

-[...] Cũng đã có dăm cuốn sách nói về gia thế cụ Hồ Chí Minh. Nhưng câu chuyện tôi sắp kể dưới đây thì chưa hề ai viết. ..Nhưng đây không phải là chuyện cụ Hồ, tuy cũng dính dáng đến cụ Hồ. Mà vì đây là chuyện cụ thân sinh ra cụ Hồ. Cụ Nguyễn Sinh Huy. Mà cũng là truyền miệng thôi...Người dân Kim Liên đồn rằng Nguyễn Sinh Huy không phải là thuộc dòng máu mủ của dòng họ Nguyễn Sinh làng này. Mà là con của một người khác: Ông đồ nho, cử nhân Hồ Sĩ Tạo. Cử nhân Hồ Sĩ Tạo thuộc dòng họ Hồ nổi tiếng ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An...Khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước (thế kỷ XIX), cử nhân Hồ Sĩ Tạo có thời gian ngồi dậy học ở một nhà họ Hà, người làng Sài, cùng một xã Chung Cự , tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, với làng Sen (Kim Liên). Đó là nghệ nhân dân gian, trong nhà có phường hát ả đào. Nhà họ Hà có cô con gái tên Hà Thị Hy, tài hoa nhan sắc, đàn ngọt hát hay múa khéo, đặc biệt là múa đèn  (đội đèn trên đầu, để đèn trên hai cánh tay, vừa hát vừa múa mà dầu không sánh ra ngoài) nên người làng thường gọi là cô Đèn...Cô Đèn, tài hoa là thế mà rồi ba mươi tuổi vẫn chưa lấy được chồng. Mà trong nhà lại luôn luôn có bậc văn nhân: ông cử Hồ Sĩ Tạo...Và cô Hà thị Hy bỗng dưng không chồng mà chửa”. Mà ông cử Tạo thì đã có vợ có con rồi! Lệ làng ngày trước phạt vạ rất nặng nề, sỉ nhục hạng gái “chửa hoang” hạng “gian phu dâm phụ”. Để tránh nỗi nhục cho con gái mình và cho cả ông cử Tạo đang làm “thày đồ” được hết sức kính trọng trong nhà mình, nhà họ Hà phải bù đầu suy tính...Lúc bấy giờ ở làng Sen cùng xã có ông Nguyễn Sinh Nhậm, dân cầy, tuổi cao mà góa vợ (bà vợ trước đã có một con trai là Nguyễn  Sinh Thuyết, và người con trai này cũng đã có vợ). Nhà họ Hà bèn cho gọi ông Nguyễn Sinh Nhậm đến điều đình, “cho không” cô Hy làm vợ kế ông này, như một người con gái xướng ca, qua lứa, lỡ thì, lấy ông già góa vợ, mong ém nhẹm việc cô gái đã “to bụng”. Công việc rồi cũng xong...

      Nhưng cô gái tài hoa nhan sắc thì bao đêm khóc thầm vì bẻ bàng hờn duyên tủi phận. Và ông lão nông dốt nát tuy được không cô gái đẹp nhưng cũng buồn vì đâu có đẹp đôi, lại cắn răng chịu đựng cái tiếng “ăn của thừa”...”Miệng tiếng thế gian xì xầm” ai mà bịt miệng nổi dân làng. Mà trước hết là lời “nói ra nói vào” chì chiết của nàng dâu, vợ anh Thuyết, vốn vẫn nổi tiếng ngoa ngoắt lắm điều. Ông Nhậm đành cho con trai  và vợ anh ta ra ở riêng và mình ở riêng với bà vợ kế. Chỉ ít tháng sau, bà vợ kế này đã sinh nở một mụn con trai, được ông đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc, lấy họ ông, mặc dù ông biết hơn ai hết đó không phải là con ông...Vì trọng tuổi, lại vì lo phiền, vài năm sau cụ Nhậm qua đời và cũng chỉ ít lâu sau đó, bà Hy cũng mất. Nguyễn Sinh Sắc trở thành đứa trẻ mồ côi. Lên 4, về ở với người anh...thật ra là “khác cả cha lẫn mẹ” cùng với bà chị dâu ngoa ngoắt...Không cần nói, ta cũng hiểu Nguyễn Sinh Sắc khổ tâm về tinh thần, khổ cực về vật chất như thế nào trong cái cảnh nhà Nguyễn Sinh như vậy. Ta cảm thấy vô cùng thương xót một đứatrẻ mồ côi sớm chịu cảnh ngang trái của cuộc đời. Bên ngoại thì ông bà đều  đã mất, họ hàng chẳng ai chịu cưu mang đưá trẻ có số kiếp hẩm hiu này....” (sđd) 

      Giáo sư Trần Quốc Vượng thuật tiếp về cuộc đời ông Nguyễn Sinh Sắc từ lúc ông được một ông Tú đồ nho là Hoàng Xuân Đường đem về làm con nuôi lại cho ăn học và gả con gái cho. Bà Hoàng Thị Loan sau này sẽ là thân mẫu của Hồ Chí Minh, đứa con trai út. Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân khóa thi Hương năm 1894 nhưng truợt khoa thi Hội năm 1895. Đến lúc này, lại thêm một chứng cớ rõ ràng nữa. Sau khi cụ Tú Hoàng mất: 

”...Nhờ sự vận động gửi gấm của ông Hồ Sĩ Tạo, người cha thực của Nguyễn Sinh Sắc, với các quan lại đồng liêu quen biết ở triều đình Huế, Nguyễn Sinh Sắc được coi như ấm sinh, để được nhận vào học Quốc Tử Giám ở kinh đô (ai cũng biết: để được nhận vào Quốc Tử Giám và làm giám sinh phải là con cháu của những gia đình có thế lực gọi là “danh gia tử đệ”. Nếu không có sự can thiệp của ông Hồ Sĩ Tạo là bậc khoa bảng cao quan thì làm sao Nguyễn Sinh Sắc được nhận? Thế là dù sao Hồ Sĩ Tạo vẫn còn có một “cử chỉ đẹp” với đứa con mà mình không dám nhận). Nguyễn Sinh Sắc, đổi tên Nguyễn Sinh Huy, đem vợ và hai con trai vào Huế và đi học Quốc Tử giám...Khoa Tân sửu (1901) này ông đậu phó bảng và được “vinh quy bái tổ”...Ông Phó bảng có đến thăm cụ Hồ Sĩ Tạo...Người ta bảo lúc sau, khi cụ Hồ Sĩ Tạo đã qua đời, năm nào bà Thanh (con gái của Nguyễn Sinh Sắc, chị của Hồ Chí Minh-chú của người viết) cũng qua Quỳnh Đôi góp giỗ cụ Hồ Sĩ Tạo. Thế là cái bí mật về cội nguồn của cụ Phó bảng Huy, trong số các con cụ, ít nhất có bà con gái đầu biết...Còn Nguyễn Sinh Côn-Nguyễn Tất Thành (tức cũng là Hồ Chí Minh-chú của người viết) có biết không? Từ khoảng 11 đến 14 tuổi, ông ở làng Sen, co ùnhẽ nào không ai nói cho ông biết? ...Hay là sau đó nữa chả lẽ không khi nào cụ Phó bảng Huy hay bà Thanh hay cả ông Đạt lại không kể với ông về “bí mật” của gốc tích thân phụ mình...Trở lại với cái tên Hồ Chí Minh, lời truyền miệng dân gian bảo rằng: Nguyễn Ái Quốc sau cùng đã lấy họ Hồ vì cụ biết ông nội đích thực của mình là cụ Hồ Sĩ Tạo chứ không phải cụ Nguyễn Sinh Nhậm...” (sđd, người viết gạch dưới) 

      Giáo sư Trần Quốc Vượng còn viết rất rõ về những thăng trầm trong cuộc đời hoạn lộ của thân phụ Hồ Chí Minh, kết thúc bằng câu “Rồi sau khi bỏ quan (hay mất quan) ông phiêu bạt vô Sài gòn rồi Lục Tình Nam Kỳ. Không bao giờ ông trở lại làng Sen nữa...”  

2-Bác sĩ Trần Nguơn Phiêu viết về Thân sinh Hồ Chí Minh khi lưu lạc tại Miền Nam  

      Nhưng phải chờ tới năm  2005, đoạn đời cuối của Nguyễn Sinh Sắc mới được kể lại rành mạch trong cuốn hồi ký Những Ngày  Qua ( 1) của một chứng nhân gốc người Miền Nam, lại là một khuôn mặt nổi tiếng của Việt Nam Cộng Hòa: bác sĩ Trần Nguơn Phiêu. Ông sinh năm 1927 tại Gia Định, trưởng thành ở Cao Lãnh, Sa Đéc (quê nội ) và Biên Hòa (quê ngoại) Ông từng giữ chức  Cục phó Cục Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Tổng trưởng Bộ Xã Hội. Trong chương Nấm mộ ông Thầy Quảng (trang 251-0, sđd), ông cho chúng ta một tư liệu rất quý báu về khoảng đời và nơi an nghỉ cuối cùng của thân phụ Hồ Chi Minh: 

-... Ông nội tôi, thuộc hạ của Phan Đình Phùng, sau khi phong trào bị tan rã...đi bộ vào Nam tìm găïp lại người anh. Ông đã gầy dựng lại cơ nghiệp, vừa dậy học, vừa làm ruộng vườn ở xã Mỹ Long trong quận Cao Lãnh. Vào thập niên 1920- 1930 ở Mỹ Long, cấp Tiểu học chỉ có trường dạy tới lớp ba. Muốn tiếp tục học, phải qua Sa Đéc. Các chú của tôi vì vậy đều được ông nội tôi gửi tá túc ở nhà ông Cử Hoành để đi học....Có một năm, gần ngày Tết, ông nội tôi sai hai chú tôi đem trái cây cam quýt ở vườn nhà và gạo, nếp qua Sa Đéc để tặng ông Cử Hoành...Được cho tháp tùng ra tỉnh lỵ, thằng bé nhà quê là tôi lúc ấy....

      Sau buổi ăn ngày hôm đó, ông ra lịnh cho hai chú tôi “Chúng mày trước khi về nhà, phải nhớ ghé giẫy mả cụ Phó Bảng như mọi năm. Tập thêm cho thằng cháu nhỏ này (tức là bác sĩ Trần Nguơn Phiêu! -chú của người viết) phụ việc...” Đó là lần đầu tiên tôi được biết về nấm mộ đơn sơ ở gần Miễu Trời Sanh, cạnh nhiều ngôi mộ hoang khác ở xã Hòa An, Cao Lãnh. Trên đường lưu lạc vào Nam sau khi mất chức ở triều đình Huế, ông đã được ông Cử Hoành rước về Sa Đéc, tìm cho nơi tá túc để hành nghề thuốc. Năm 1929, ông qua đời và được chôn cất tại đây...Sau này, do sự tình cờ và cũng do liên hệ gia đình bên vợ của tôi nên tôi được biế thêm về những ngày ông thân sinh ông Nguyễn Ái Quốc khi ông đến trú ngụ ở Sa Đéc. Như nhiều người đã viết trên báo chí, sách vở, ông tên là Nguyễn Sinh Sắc, quê Nghệ Tĩnh...Trong một cơn say rượu, ông đã lỡ tay đánh chết một can phạm vào tháng 1 năm 1910 và bị cách chức[...]

      Ông Nguyễn Sinh Sắc đã từ Đà Nẵng vào Sài gòn và đã có lúc dậy chữ Nho cho nhà báo Diệp Văn Kỳ. Sau đó ông lên Lộc Ninh làm giám thị đồn điền. Trong thời gian lưu lạc trong Nam, ông đã có nhiều lần có những cơn say rượu trên đường phố Sài gòn. Nhà báo Diệp Văn Kỳ đã nhiều phen giúp đỡ khi ông bị khó khăn vì say rượu nơi công cộng. Khi biết được tin ấy, cụ Cử Hoành đã cho người tìm đưa ông về Sa Đéc. Nơi đây ông Nguyễn Sinh Sắc đã được giới thiệu đến tá túc ở gia đình một người có hằng sản ở thị xã là ông Võ Tấn Lập. Ông Cử Hoành có người vợ kế. Bà này là cháu của bà Hồ Thị Xuyến, vợ lẽ ông Võ Tấn Lập. Ông Nguyễn Sinh Sắc được cho nương náu ở phần sau của căn nhà, ngày nay mang số 17/7 đường Lê Lợi, thị xã Sa Đéc. 

      Sau 30/4/1975, cóthể vì gia chủ căn nhà này là một sĩ quan quân đội VNCH đang bị đi “cải tạo”, chánh quyền địa phương thời đó lại ghi nơi ông Sinh Sắc từng trú ngụ là nhà Bà Chín Đường, nằm ở góc đường Rue des  Pêcheurs và Quai Tân Quy Đông (?) Về sau, phối kiểm lại, chánh quyền có ý định lấy nhà 17/7 đường Lê Lợi làm nhà “Truyền thống” và định gắn bảng tri ân. Nơi đây, ông Nguyễn Sinh Sắc đã từng hành nghề coi mạch, hốt thuốc Bắc và cũng luôn thể, dạy chữ Nho cho con cháu gia chủ[...]Vì thế nên ông Sắc được mọi người gọi là Thầy Quảng vì ông từ xứ Quảng vào Nam. 

      Người vợ chánh của gia chủ có tên là Trương Thị Sắc nên ông Nguyễn Sinh Sắc đã đổi tên thành Nguyễn Sanh Huy. Tên này ông dùng để tiện cho các tiệm thuốc Bắc ghi trong sổ để hưởng tiền hoa hồng khi các bệnh nhân đem toa thuốc của ông đến các tiệm này để hốt thuốc. Đó là một thông lệ thương mãi của các tiệm thuốc người Tàu. Tiệm thuốc Quản Hòa Sanh ở chợ Sa Đéc có giữ một sổ ghi chú nhiều lần tên ông Nguyễn Sanh Huy. Ông Nguyễn Sanh Huy có chấm một số tử vi cho cháu gia chủ khi người cháu này ra đời trong thời gian ông Huy đang trú ngụ. Người cháu này tên Võ Ngọc Lang, khi lớn lên là một sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tốt nghiệp khóa 4 trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức năm 1953...Tuy được trú ngụ trong gia đình ông nội của ông Võ Ngọc Lang nhưng ông Nguyễn Sanh Huy lại thân thích, tâm đầu ý hợp với ông ngoại của ông Võ Ngọc Lang tên Hà Văn Ngọ.  Nhà ông Ngọ ở miệt Chợ Cồn, tỉnh lỵ Sa đéc. Ông Nguyễn Sanh Sắc thường đến Cao Lãnh để xem mạch hốt thuốc cho các gia đình nghèo ở đó. Các gia đình khá giả thường trọ các Thầy có gia sản ở địa phương và ít khi mời ông Thầy Quảng...” (sđd) 

          Khi ông Nguyễn Sinh Sắc qua đời ở Cao Lãnh, ông Ngọ “cùng chủ nhà tri hô lên, trình cho hương quản. Lục giấy tờ trong mình, thấy tên là Nguyễn Sinh Sắc, với số tiền hơn một đồng bạc Đông Dương Ngân Hàng, một số tiền khá lớn thời đó nhưng chưa đủ để tống táng. Bà con lối xóm đã quyên góp thêm để đủ tiền mua một hòm rẻ để liệm. Ông ngoại ông Lang đã vào Miễu Trời Sanh, xin ông Chủ Chùa cấp cho một mảnh đất nhỏ, mượn luôn đòn và dây luộc để khiêng đi chôn cất. Theo tục lệ cổ truyền, đầu hòm đã được chôn về hướng mặt trời lặn để hồn sớm được siêu thăng....Sau ngày 30-  4- 75, ...riêng mộ ông Thầy Quảng  giờ đây được xây cất huy hoàng....Cây cối, thư viện...đã được bố trí rất mỹ thuật để nơi đây được xứng đáng với danh xưng mới :Lăng cụ Phó Bảng...” (sđd) 

II-ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ NGOẠI HÔN VÀO HỒ CHÍ MINH 

 Trước tiên, ông Hồ Chí Minh vẫn không công nhận ông là dòng dõi của ông Cử Hồ Sĩ Tạo mặc dù nguồn gốc ấy kể là đã rõ. Trong các tài liệu chính thức, Hồ Chí Minh vẫn được ghi lại là con của một nhà nho yêu nước dòng dõi nông dân và theo đó hầu như tất cả những cuốn sách nào của các học giả ngoại quốc, cả những cuốn rất công phu xuất bản gần đây như cuốn Our Vietnam, The War 1954- 1975 ( xuất bản năm 2000) của A. J. Langguth, Giáo sư ngành Báo chí thuộc Đại Học University of Southern California, School of Annenberg (USC) và Ho Chi Minh, A Life của giáo sư  sử học William J. Duiker, thuộc Pennsylvania State University, người hiện được coi là một trong những học giả hàng đầu về Việt Nam cũng chỉ ghi lại tiểu sử Hồ Chí Minh theo tài liệu của nhà nước. Trường hợp giáo sư Duiker còn lý thú hơn nữa: ông sang Hà Nội, từng về làng Kim Liên (tức là làng Sen, quê nội của ông Hồ Chí Minh) để khảo cứu vào năm 1990. Những người quan trọng tại Đại Học Hà Nội, tại các Viện nghiên cứu khác mà ông được giới thiệu  để cung cấp tài liệu  đều không thấy có bốn giáo sư  Sử học trên, nhất là không có Trần Quốc Vượng. Cuốn Ho Chi Minh, A Life xuất bản năm 2000, gần mười năm sau khi giáo sư Trần Quốc Vượng cho công bố cái huyền thoại dân gian ấy.  

      Theo sự thực được phối hợp qua hai bài của giáo sư Trần Quốc Vượng và bác sĩ Trần Nguơn Phiêu cùng với nhiều tài liệu khác đã được phổ biến mà vì giới hạn bài này người viết không thể trích ra nhiều hơn được nữa, thì thân phụ Hồ Chí Minh chỉ là một người nghiện rượu đến nỗi lỡ tay đánh chết một người tù khiến bị giáng chức và trôi nổi vào Nam cũng với tật nghiện ruợu ấy rồi chết một cách hết sức cô quả, không thân bằng quyến thuộc. 

      Chính Hồ Chí Minh và người chị (Thanh) cũng không thoát khỏi sự khắc nghiệt của ông Nguyễn Sinh Sắc. Thời niên thiếu Hồ Chí Minh cộng với sự mồ côi mẹ, còn không thể không trải qua sự nghèo khó và như Trần Quốc Vượng đã viết, còn phải đối mặt với những bàn tán sau lưng về “bí mật” của dòng họ mình, một sự bí mật đầy tủi hổ trong một xã hội nói chung rất tàn nhẫn với những đứa trẻ ngoại hôn. 

      Bằng vào những sự kiện ấy, tại sao đến khi được dịp nắm quyền tối thượng, Hồ Chí Minh không có lòng thương mà trở nên một lãnh tụ tàn ác nhất trong lịch sử Việt, không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào dù đê hèn đến đâu để quyết đoạt phần thắng về mình? Nhất là cách đối xử với phụ nữ. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt, sức lực phụ nữ bị lợi dụng và nhân phẩm bị chà đạp đến cùng. Phụ nữ chỉ là những món đồ chơi không riêng gì cho Hồ Chí Minh mà cho thủ hạ của ông nữa. Thân sinh của ông Hồ Chí Minh là một đứa trẻ ngoại hôn nhưng chính Hồ Chí Minh  cũng tạo ra ít nhất hai người con mà không có đám cưới với mẹ chúng thậm chí có một người mẹ còn bị giết thảm khốc. Tại sao thế? Đó là một câu hỏi rất lớn sẽ đeo đuổi các nhà sử học và các nhà tâm lý học một khi chúng ta được biết rõ ràng hơn nữa về những người đàn bà đã ăn ở với Hồ Chí Minh và những đứa con (ngoại hôn) ông đã tạo ra.  

      Ngay bây giờ, người viết chỉ có linh tính rằng, bị nuôi dưỡng trong một hoàn cảnh đau đớn và tủi nhục, ông đã không bứt ra khỏi được cái vòng tròn ác nghiệt đó. Thay vì dùng những kinh nghiệm của chính bố mẹ và chính mình để thay đổi xã hội, ông đã để cho những phẫn uất thầm kín và mặc cảm rất riêng tư  ám ảnh, ảnh hưởng quá lớn vào chủ trương quản trị quốc gia của một “lãnh tụ”. Ông tàn ác với phụ nữ, như một thứ lãnh chúa man rợ vì ông thầm oán bà nội của ông -bà Hà Thị Hy- đã yếu lòng mà để khổ đến đứa trẻ vô tội là thân phụ ông? Ông sẵn sàng tàn sát và căm hận trí thức văn nghệ vì ông căm giận ông nội ông, ông Cử Hồ Sĩ Tạo và ông Phó bảng Sắc, người cha nát rượu từng đánh đập ông và chị ông? Nói cách khác, Hồ Chí Minh là một sản phẩm của sự bạo hành và lãnh đạm của cả hai phía: gia đình và xã hội, triền miên từ thế hệ này qua tới thế hệ khác. Cái chủ trương mà ông Hồ đem về để thay đổi quốc gia VN cũng y hệt như thế: đầy dẫy những sự bạo hành và lãnh đạm, có điều còn vượt hơn lên rất nhiều bực.  

III-VĂN CHƯƠNG NGOẠI HÔN 

Trong mấy mươi năm kể từ khi người Cộng sản có quyền thì văn chương cũng mắc bệnh trầm trọng: bệnh về hùa theo lãnh tụ.  Có những người cơ hội về hùa để dễ thăng quan tiến chức nhưng đa số phải làm vì sợ bị khủng bố. Số sáng tác “ngoại hôn” ấy- kết quả của những cuộc tư tình với quan điểm chính trị của nhà nước- nay trở thành một sự xấu hổ cho nhiều người vì anh chàng không muốn đổ vỡ cuộc hôn nhân chính thức với người vợ văn chương yêu kiều kia. Hãy đọc một thí dụ, là vài câu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn  trích từ bút ký Nam Thạch Hãn những ngày đầu tháng ba viết về công trường Nam Thạch Hãn trong hai ngày 3 và 4 tháng 3 năm 1978: 

-[...]Màu non tươi của đất đỏ đã về đậu trên môi trên môi, má của đội nữ gánh đất (!)...Đội nữ gánh từ đồi cao lao xuống nhanh như những cánh hải âu vụt xuống mặt sông (!) ...Điều đáng nói ở những công trường này, hoặc những công trình khác trên khắp đất nước, không chỉ là sự lợi ích đa dạng của con kênh về mặt thủy lợi, thông điện, thủy sản, lâm sản...nmà qua những công trình ấy, chúng ta dễ nhận ra cái triết lý sâu sắc của những sức người bền bỉ. Trong chiến tranh, dân ta ăn môn vót trên rừng để triết lý với giặc bằng cây súng. Giữa mùa xây dựng này cũng những con người ấy triết lý với đồi cao với đất cứng bằng cái cuốc, cái đầm. Một thứ triết  lý đơn giản mà đáng kính đáng yêu biết bao để làm nên sự sống... (Văn nghệ Bình Trị Thiên, số 9, tháng 1/1978)

      Tự cái hình ảnh những người con gái phải đi gánh đất làm công trường đã có một cái gì không ổn. Bởi thế, chỉ vài năm sau, Trịnh Công Sơn tìm nguồn cảm hứng ở đâu? Chắc chắn không ở các cô gái đáng thương gánh đất tại các công trường thất bại này mà ở một biệt thự ở Sài gòn, với rượu và thuốc lá deluxe với quán ăn cũng deluxe do chính ông làm chủ mà khách hàng đa số là dân từ ngoại quốc về hay loại Thạch Sùng tân thời ở Sài gòn. Một người yêu nhạc Trịnh Công Sơn có thể bỏ qua những bài viết và những bài hát sặc sụa mùi công trường đất đỏ nhưng chính ông sẽ không thể chối bỏ được chúng vi dù muốn dù không cũng chính từ tay ông viết ra. Một số sách xuất bản về Trịnh Công Sơn sau khi ông qua đời đã cố tình bỏ qua hay bịa đặt để bào chữa cho chúng nhưng họ quên rằng kiểm duyệt vì yêu hay vì ghét thì cũng vẫn là kiểm duyệt và không thể được dung thứ trong văn chương nghệ thuật.  

      Chính vì sợ bị các thế hệ sau căn cứ vào các sáng tác ngoại hôn kiểu ấy để xét đoán mà mới có vấn đề “toàn tập” tại Việt Nam bây giờ. Bên bênh bên chống đều có lý riêng. Lý để chống hay hạn chế phổ biến loại văn chương ngoại hôn điển hình được bầy tỏ trong một bài viết của một người tên là Phạm Khải, đăng trên báo Công An Nhân Dân (CAND.com.vn) :

-...Thứ hai, về mặt chính trị xã hội, đời các văn nghệ sĩ không phải ai cũng trọn vẹn vinh quang, không có lúc va vấp lầm lạc...Bởi vậy, việc xuất bản “Toàn tập” tác phẩm của họ có thể làm cho độc giả, nhất là những độc giả vốn quen nhìn họ ở những góc độ quen thuộc trước đây cảm thấy ngỡ ngàng, thậm chí hụt hẫng, thất vọng. Sẽ khó mà bảo đảm rằng, tình cảm của độc giả không bị “suy suyển” khi họ đọc thấy trong bộ “Toàn tập” Xuân Diệu (NXB Văn Học, 2001) một bài viết “chửi” Văn Cao một cách cay nghiệt, với nhiều suy diễn áp đặt quá đáng...Nhà văn Vũ Bão, lúc sinh thời cũng từng đề nghị Hội Nhà Văn cho in Toàn tập Tác phẩm của một nhà văn từng được giải thưởng văn học lớn với mục đích “để toàn dân được biết trước đây, ông này đã từng có bài viết ác hiểm với đồng nghiệp như thế nào”. Chắc chắn, không bao giờ nhà văn này đồng ý cho in lại bài viết đó trong “Toàn tập” của mình, vì chính ông từng tự kiểm điểm rằng bài viết đó ra đời từ sự “hăng tiết vịt”, “háo danh” của ông trước đây...Có thể, cũng có những ngườii cho rằng hãy coi những bộ sách đó là một thứ tài liệu tham khảo trong diện hẹp” Nhưng tại sao vẫn được bày bán tại các quầy sách báo lớn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước?  Trao đổi với nhà văn Nguyễn Phan Hách, Giám đốc NXB Hội Nhà văn, chúng tôi được biết: ...Ông đưa cho chúng tôi xem bản thảo bộ sưu tập tác phẩm của Phan Khôi (thời kỳ trước cách mạng)- một bản thảo mà ông  phải “cắm đầu cắm cổ đọc, không dám bỏ sót một chữ” và bảo :”Làm lãnh đạo phải có “lim”. Như bài “Cây cờ đỏ nghĩa là gì?” nói cộng sản thế này mà in được à?” 

Trao đổi với ông Nguyễn Cừ, người mới giữ cương vị Giám đốc NXB  Văn Học ít lâu, chúng tôi được biết:...Theo quan niệm của ông “Việc làm ‘Toàn tập’ là cần thiết. Song toàn tập không có nghĩa là in tất cả. Vẫn có những bài cần phải bỏ. Ông Nguyễn Cừ cho ví dụ : Trong việc xuất bản “Toàn tập Chế Lan Viên”, ông rất không yên lòng nếu cho in lại những bài nghị luận tạp bút của nhà thơ này về một số nhân vật cũng như tình hình chính trị, xã hội của một quốc gia trong khu vực...(sdd, ngày 10.6.2006) 

      Nếu bài tường thuật của người này là đúng thì quả “văn chương” vẫn còn phải theo gót chính trị. Nhà nước chưa cho phép khảo cứu về nguồn gốc ông Hồ công khai cũng như ông Giám đốc NXB Hội Nhà văn “đọc mà không dám bỏ sót một chữ” của Phan Khôi vì đến giờ này vẫn còn sợ phạm húy nhà nước. Nhưng nhà nước cũng như  những người có trách nhiệm về văn học nghệ thuật trong nước không thể chối phắt những đứa con ngoại hôn đó. 

      Thứ nhất, làm như thế là làm hại các nhà văn bị trù dập tới hai lần. Những nhà văn nào từng dự phần vào việc đấu tố họ phải công khai nhận lỗi và xem đó như một bài học chung: không ai sẽ kết án họ nữa nếu họ góp phần tích cực vào việc làm sáng tỏ một thời kỳ văn học tăm tối ấy. Cái nỗi sợ “làm sụp đổ thần tượng” như các ”thần tượng” Trịnh Công Sơn, Xuân Diệu vv... quả là khôi hài vì không nên có ngoại lệ cho bất cứ một thứ thần tượng nào cả. Lẽ ra, muốn xứng danh thần tượng thì càng phải “xuất chúng” hơn chứ không thể quá tầm thường đến nỗi có khi kém cả một người bình thường được. 

      Thứ hai, không thể lại bưng bít tin tức tài liệu nhân danh bất cứ một lý do nào vì giản dị sẽ không bưng bít được. Mà bưng bít để làm gì? Người viết có cảm tưởng rằng vì vẫn chưa có tự do ở Việt Nam nên những người chủ trương chống lại sự công bố tài liệu cho dân chúng không phải để bảo vệ các “thần tượng” mà sâu xa hơn, cái lý do không thể bầy tỏ hay bàn cãi công khai được, chính là để bảo vệ người cầm quyền Cộng sản hiện nay. Tại sao? Những sáng tác ngoại hôn ấy đều bắt nguồn từ người Cộng sản. Chúng là hậu quả trực tiếp-và tủi nhục-của một nền văn học đồi trụy dưới sự lãnh đạo của người Cộng sản. Không phải chỉ riêng ở Cộng Sản Việt Nam mới có loại văn học đồi trụy ấy. Cộng sản Nga-xô, Cộng sản Đông Âu, Cộng sản Trung Quốc cũng y hệt. Để rồi khi sụp đổ, người ta mới được dịp biết rõ ràng và chi tiết hơn về những thảm kịch của cả những người trù dập và bị trù dập, dĩ nhiên trừ những ông trùm văn nghệ như Tố Hữu, Mai Quốc Liên.  

      Một điều chắc chắn mà người ta có thể tiên đoán được: trường hợp Việt Nam rồi ra sẽ không có gì khác những quốc gia Cộng sản khác. Sau một thời gian, những tin tức tài liệu được họ canh giữ cẩn mật sẽ lần lượt bị đưa ra ánh sáng. Trách nhiệm của những người tự do hơn như chúng ta (vì ở ngoài nước) là làm thế nào để những tài liệu ấy được phổ biến một cách rộng rãi và công bằng cho dẫu chúng là chứng cớ của một thời kỳ mà các đương sự liên hệ rất muốn quên đi và làm mọi cách để các thế hệ sau quên đi bằng những cuốn sách hay những buổi tưởng niệm, trình diễn, tượng đài vĩ đại. Cho công bố những tài liệu có tính “ngoại hôn” này cũng không phải là một sự trả thù muộn màng, một cách báo oán nhân danh những nạn nhân của Cộng sản. Nhưng sự thực phải được tôn trọng, nhất là và đặc biệt ở trường hợp này vì nó liên quan trực tiếp đến lịch sử và văn sử của cả một dân tộc. Sau nữa, đó cũng là một kinh nghiệm cần được soi sáng dù có thể đã là một bài học quá trễ cho chúng ta, những kẻ đương thời,  nhưng chưa trễ cho những thế hệ mai sau.  

Nguyễn Tà Cúc 
CHÚ THÍCH 

• Người viết xin cảm ơn Giáo sư (quá cố) Trần Quốc Vượng và Bác Sĩ Trần Nguơn Phiêu. Nếu không có hai bài viết của hai nhị vị họ Trần thì sẽ không đủ tài liệu để người viết nêu được một số giả thuyết trong bài.

• (1) Những Ngày Qua, Trần Nguơn Phiêu, Hải Mã xuất bản, 2005, Amarillo, Texas, Hoa Kỳ. Địa chỉ liên lạc:  

[ Muốn trích dịch phải có sự cho phép bằng văn bản của tác giả]